Vnsteel tập trung mọi nguồn lực giải quyết những khó khăn của các dự án tại Tisco và VTM

Kông Nguyên| 15/01/2022 05:55

(TN&MT) - Trên cơ sở những kết quả đạt được của năm 2021, năm 2022, Vnsteel tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh ổn định, có hiệu quả; đẩy mạnh công tác đầu tư và tái cơ cấu; đặc biệt tập trung mọi nguồn lực giải quyết những khó khăn của dự án tại Tisco và VTM.

Ngày  14.1, tại Hà Nội, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (Vnsteel) tổ chức tổng kết công tác năm 2021 và phưong hướng, nhiệm vụ công tác năm 2022.

Báo cáo tại Hội nghị, Tổng giám đốc Vnsteel ông Nguyễn Đình Phúc cho biết, trong năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, dịch bùng phát từ tháng 5 và lan rộng ra khắp các tỉnh thành cả nước. Hà Nội, Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước thực hiện chỉ đạo về giãn cách xã hội của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp phải tiến hành SXKD theo nguyên tắc “3 tại chỗ"…

TGĐ Nguyễn Đình Phúc phát biểu tại Hội nghị

Trước tình hình đó, ngay từ khi dịch bắt dầu bùng phát, Tổng công ty đã nghiêm túc, quyết liệt thực hiện các giải pháp cấp bách, kịp thời, vừa đảm bảo ổn định SXKD vừa phòng chống dịch, ban hành các văn bản chỉ đạo và yêu cầu Đại diện vốn của Tổng công ty tại các đơn vị thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và chính quyền địa phương về phòng chống dịch Covid-19, chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó phòng chống dịch bệnh.

Năm 2021, tổng lợi nhuận trước thuế ước thực hiện năm 2021 của các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Tổng công ty là 2.443,997 tỷ đồng, bằng 268% so với năm 2020. Nhìn chung hiệu quả sinh lời tính trên vốn đầu tư của chủ sở hữu năm 2021 cao hơn 2020 (mức tối đa đạt được năm 2021 là 280%, trong khi năm 2020 là 96%, tăng 184%). Một số đơn vị có đóng góp lợi nhuận cho Công ty mẹ với tỷ suất sinh lời tính trên vốn đầu tư năm 2021 khá cao như Thép SG 280%, Vinausteel 125%, KK.HCM 89%, Đà Nằng 51%, Thủ Đức 41%, Nam Ưng 39%, Thép Miền Nam 21%.... và hầu hết các Công ty trong hệ thống đã bảo toàn và phát triển được vốn.

Bên cạnh đó, năm 2021, Tổng công ty, Công đoàn Tổng công ty và các đơn vị trong hệ thống đã tích cực tham gia các hoạt động ủng hộ/hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 theo chương trình phát động của Chính phủ, ủy ban MTTQ Việt Nam, Đảng ủy Khối DNTW, các địa phương, cơ sở y tế, các bộ ngành liên quan,... và thực hiện hỗ trợ kịp thời cho CBNV, người lao động bị mắc Covid-19 (F0), người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Năm 2022, dự báo kinh tế trong nước sẽ phục hồi, theo đó, ngành thép, các doanh nghiệp thép kỳ vọng sự tăng trưởng tốt trong năm 2022 cùng với sự phục hồi kinh tế trong nước. Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn còn đối mặt không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt cơ hội xuất khẩu sẽ không còn được như 2021.

Tại Hội nghị, TGĐ Nguyễn Đình Phúc đã nhận định và chỉ ra những khó khăn của năm 2022 đó là khi mà thị trường thép trong nước vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, trong khi giá thép thế giới liên tục biến động. Theo dự báo của CRƯ thì xu hướng chung của giá thép năm 2022 là giảm (sau khi đạt đỉnh trong Quý III/2021) sẽ ảnh hưởng tới khả năng sinh lời của ngành thép. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc dần dỡ bỏ các hạn chế về xuất khẩu thép cũng sẽ ảnh hưởng tới khả năng xuất khẩu thép của Việt Nam. Khi đó, tình trạng cung vượt cầu trên thị trường nội địa sẽ tăng trở lại tạo nên sức ép về cạnh tranh trên giữa các doanh nghiệp là rất lớn. Đặc biệt, cước và chi phí vận tải vào thị trường Đông Nam Á và Châu Á đã tăng mạnh thời gian qua và hiện vẫn duy trì mức cao.

Năm 2022, thép cán nguội và tôn mạ, thị trường nội địa cạnh tranh ngày càng gay gắt, áp lực về cung từ các nhà sản xuất lớn

Thị trường thép cán dài bị áp lực cạnh tranh về giá và sẽ tiếp tục tăng cao do chênh lệch cung cầu ngày càng lớn, các nhà sản xuất quy mô nhỏ gặp nhiều bất lợi khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn trong ngành như Hòa Phát, Pomina, TungHo, An Hưng Tường,.. Các doanh nghiệp này có quy mô vượt trội, có lợi thế cạnh tranh và có khả năng chi phối trên thị trường.

Thép cán nguội và tôn mạ, thị trường nội địa cạnh tranh ngày càng gay gắt, áp lực về cung từ các nhà sản xuất lớn như Hoa Sen, Tôn Đông Á, Nam Kim, Hòa Phát, Việt Pháp,... Trong khi thị trường xuất khẩu sẽ thu hẹp do cạnh tranh từ các nguồn hàng Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc; biên lợi nhuận giảm khi chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định trở lại; dẫn đến các nhà xuất khẩu cán nguội, tôn mạ sẽ quay lại tập trung vào thị trường nội địa, gia tăng sự cạnh tranh tại thị trường trong nước.

Trước những khó khăn từ nội tại cho đến diễn biến khó lường của thị trường trong nước và thế giới, TGĐ Nguyễn Đình Phúc cho rằng, các đơn vị  thành viên và trực thuộc tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh ổn định, có hiệu quả; đẩy mạnh công tác đầu tư và tái cơ cấu; tiếp tục tập trung mọi nguồn lực giải quyết những khó khăn của dự án tại Tisco và VTM…

 

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng, quan tâm, chú trọng công tác xây dựng Đảng đảm bảo hiệu quả hơn, sát với tình hình thực tiễn của Đảng bộ; duy trì sản xuất kinh doanh ổn định, tăng khả năng cạnh tranh, chú trọng phát triển thị trường cho các dự án mới, đảm bảo kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn của Tổng công ty. Nâng cao chất lượng công tác quản trị, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số.

Về sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, ông Phúc nhấn mạnh, năm 2022 tập trung mọi nguồn lực để tháo gỡ khó khăn cho Dự án giai đoạn 2-Tisco, Dự án Công ty VTM; Triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo kế hoạch nhằm nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh của Tổng công ty. Đẩy nhanh tiến độ thoái vốn của Tổng công ty tại các đơn vị theo kế hoạch đề ra. Phấn đấu hoàn thành công tác quyết toán cổ phần hóa Tổng công ty, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Đối với Đề án tái cơ cấu VTM, Tisco, ông Phúc cho hay, Vnsteel tíếp tục chỉ đạo và hỗ trợ, phối hợp Đại diện vốn tại TISCO và VTM triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Đề án của Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017 về việc ban hành “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương” và theo đúng các yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ tại văn bản số 114/TB-VPCP ngày 25/08/2020, số 124/TB-VPCP ngày 22/09/2020, số 142/TB-VPCP ngày 17/12/2021 và Nghị quyết số 26/NQ-VNS ngày 07/12/2021.

Năm 2022, mục tiêu của Vnsteel phấn đấu đạt: 3.822.000 tấn sản lượng thép thành phẩm; Tổng doanh thu hợp nhất là 38.000 tỷ đồng; Lợi nhuận hợp nhất trước thuế: 500 tỷ đồng; Tổng doanh thu công ty mẹ 4.917,9 tỷ đồng; Lợi nhuận công ty mẹ  đạt 150 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vnsteel tập trung mọi nguồn lực giải quyết những khó khăn của các dự án tại Tisco và VTM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO