Dân ủng hộ xây chùa Già Du
Làm việc với phóng viên, ngay từ đầu câu chuyện, ông Hạ Văn Cấp thẳng thắn: Gia đình tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương của huyện Vĩnh Tường trong việc thu hồi đất để phục vụ xây dựng mới và phần mở rộng chùa Già Du. Tuy nhiên, đề nghị UBND huyện Vĩnh Tường và Hội đồng Bồi thường - Giải phóng mặt bằng thực hiện đúng quy định hiện hành, bảo đảm lợi ích hợp pháp của gia đình tôi, không thể “bỏ quên” nhiều nội dung đáng lẽ chúng tôi được hưởng theo quy định.
Ông Hạ Văn Nam (con trai ông Cấp) chỉ về khu đất trang trai của gia đình trước đây nay bị chính quyền cưỡng chế để xây dựng chùa Già Du |
Được biết, công trình xây dựng mới chùa Già Du và phần mở rộng chùa Già Du, xã Vĩnh Sơn đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận địa điểm tại Văn bản số 6518/UBND-PC2 ngày 29/10/2014 về việc chấp thuận địa điểm xây dựng mới; Văn bản số 4868/UBND-TH3 ngày 21/7/2016 về việc chấp thuận hồ sơ phạm vi, địa điểm mở rộng diện tích chùa Già Du, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường. Tuy nhiên, đến nay, công trình này vẫn chưa có giấy phép xây dựng theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 58 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Căn cứ theo quy định tại Điều 89, Luật Xây dựng năm 2014 về trường hợp cấp giấy phép xây dựng quy định: Trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của Luật này… Tức là công trình xây dựng mới và phần mở rộng chùa Già Du phải xin giấy phép xây dựng theo quy định.
Theo quan sát của phóng viên, sau khi cưỡng chế hộ ông Hạ Văn Cấp, mặt bằng tại đây đã được dọn dẹp sạch sẽ, công trình đã làm xong phần khung móng, cột sắt và một số hạng mục khác đang được chủ đầu tư chỉ đạo thi công.
Để làm rõ vấn đề trên, chúng tôi đã đặt lịch làm việc tại UBND huyện Vĩnh Tường và có liên hệ với ông Vũ Đức Kim, Chánh Văn phòng UBND huyện Vĩnh Tường. Ông Kim hướng dẫn chúng tôi làm việc trước với Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, còn huyện sẽ bố trí lịch sau.
Tại xã Vĩnh Sơn, sau khi phóng viên xuất trình thẻ Nhà báo, ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã một mực đòi giấy giới thiệu, mặc cho phóng viên giải thích phóng viên tác nghiệp theo Luật Báo chí và đưa cho ông Dũng xem đơn thư, hồ sơ người dân gửi đến Báo Tài nguyên và Môi trường, nhưng ông Dũng khẳng định: Tôi được Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Phúc tập huấn rồi, chỉ làm việc với phóng viên có giấy giới thiệu và thẻ Nhà báo, còn thẻ Nhà báo tôi không làm việc. Tôi đề nghị ông Dũng ghi thành văn bản hoặc ký xác nhận ngày hôm nay không làm việc với phóng viên có thẻ Nhà báo! Lúc này ông Dũng dịu giọng và cho biết: Công trình xây dựng mới và phần mở rộng chùa Già Du đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận địa điểm và chủ trương xây dựng còn “to hơn” cả Giấy phép xây dựng (ý là đã có 2 loại văn bản kia rồi thì không cần giấy phép xây dựng nữa?!). Sự hiểu biết về trật tự xây dựng của ông Chủ tịch xã Vĩnh Sơn “thật đáng nể”!
Bỏ sót nội dung hỗ trợ cho người dân
Được biết, đến nay tất cả các hộ đã nhận tiền hỗ trợ, bồi thường đền bù liên quan dự án xây dựng mới và phần mở rộng chùa Già Du. Trong đó, hộ ông Hạ Văn Cấp đã nhận tiền hỗ trợ, bồi thường theo Quyết định 956/QĐ-UBND với số tiền trên 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là trường hợp duy nhất còn khiếu nại và chưa ký vào biên bản bàn giao mặt bằng cho địa phương.
Khoảng 180.000 con chim cút của gia đình ông Cấp nay chết gần hết và không còn khả năng sinh sản, UBND huyện đang chuẩn bị bán đấu giá |
Ông Hạ Văn Cấp lý giải: Không phải tôi chống đối chính quyền hay gây khó dễ cho việc xây dựng chùa Già Du. Ngay từ những ngày đầu, UBND huyện Vĩnh Tường không tổ chức lấy ý kiến, đối thoại với người dân về phương án giải phóng mặt bằng; gia đình tôi cũng không được biết về đơn giá bồi thường hỗ trợ tài sản, công hỗ trợ di dời. Khi chính quyền kêu đến nhận tiền tôi ra ngay và ký nhận tiền bình thường, nhưng sau đó gia đình phát hiện thấy chính quyền còn “bỏ quên” nhiều nội dung đáng lẽ chúng tôi được hỗ trợ nhưng họ lại không đưa vào phương án hỗ trợ, bồi thường cho gia đình.
Hiện tại, hộ gia đình ông Cấp đã nhận số tiền bồi thường hỗ trợ GPMB về đất đai, tài sản cây cối, di chuyển tài sản, di chuyển vật nuôi, cây cối theo Quyết định số 956 là 3.081.554.429 đồng (tăng 34.809.600 đồng so với phương án bồi thường đã được phê duyệt vì đây là số tiền đất 5% của UBND xã Vĩnh Sơn do UBND xã Vĩnh Sơn chi trả nhầm).
Sau khi phát hiện Quyết định số 956/QĐ-UBND ngày 21/11/2017 của UBND huyện Vĩnh Tường phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư công trình “Xây dựng mới chùa Già Du… ” ông Cấp đã nhiều lần “gõ cửa” các cơ quan chức năng từ UBND huyện, tỉnh Vĩnh Phúc, Thanh tra Chính phủ và nhiều Bộ ngành, thì được UBND huyện Vĩnh Tường giải quyết bổ sung, điều chỉnh về tài sản, vật kiến trúc, hỗ trợ công di chuyển, công bốc xếp di dời vật liệu sản xuất tại Quyết định số 963/QĐ-UBND ngày 22/10/2018 và Quyết định số 1455/QĐ-UBND ngày 4/10/2019 với số tiền 159.099.613 đồng và chưa nhận số tiền do chậm chi trả theo quy định 82.262.110 đồng.
Ông Cấp bức xúc: Các Quyết định bổ sung số 963 và 1455 chính quyền không họp bàn với gia đình tôi, họ tự ý thống nhất và ra quyết định như kiểu “bố thí” gia đình vậy, nhưng lại không đáp ứng các nội dung gia đình khiếu nại như: Công san lấp mặt bằng khi làm trang trại, hỗ trợ vật nuôi như số liệu đã kiểm đếm…
Theo Điều 17, Quyết định số 35/QĐ-UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng nêu rõ: Đối với vật nuôi tập trung theo quy mô công nghiệp, trang trại, tại thời điểm thu hồi đất đến thời kỳ thu hoạch thì tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng căn cứ thực tế tính mức hỗ trợ chi phí di chuyển phù hợp.
Thực tế tại nhà ông Cấp, tổng chi phí hỗ trợ di chuyển vật nuôi với trên 180.000 con chim cút và rất nhiều máy móc, thiết bị lại chỉ được xác định là hơn 19 triệu đồng. Mức hỗ trợ này theo ông Cấp là quá thấp, không phù hợp với chi phí thực tế…
Nhà văn hóa – thể dục thể thao xã Vĩnh Sơn được huyện trưng dụng tập kết tài sản, vật nuôi cưỡng chế mang về đây tập kết |
Đặc biệt, từ năm 2013, mô hình nuôi chim cút của ông Cấp đã được UBND huyện Vĩnh Tường cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chí kinh tế trang trại. Hàng năm, ngoài việc mang lại thu nhập hơn 2 tỷ đồng, mô hình này còn tạo việc làm và thu nhập khá ổn định cho hàng chục lao động địa phương.
Vật nuôi được ở trong “nhà văn hóa”
Người dân vẫn khiếu kiện do chưa hài lòng với các Quyết định hỗ trợ bồi thường, GPMB của huyện Vĩnh Tường, chưa ký biên bản bàn giao mặt bằng. Ông Cấp nhớ lại: Cứ vài ngày lại có một nhóm đối tượng lạ mặt đến nhà “gạ” chúng tôi nhận tiền đi, họ hứa cho thêm 1 tỷ đồng để chúng tôi không khiếu nại nữa, không được họ còn có lời lẽ và hành vi đe dọa người thân trong gia đình tôi. Tôi khẳng định: Nhà nước ra quyết định bồi thường, hỗ trợ bổ sung đúng luật, chứ gia đình kiên quyết “không đi đêm” kiểu này. Ông Cấp còn cho biết: Nhà nước bồi thường thỏa đáng cho gia đình, chúng tôi sẽ không kiện cáo và đã hứa với sư thầy chùa Già Du sẽ công tiến tiền cho nhà chùa xây dựng.
|
Ngày 26/5/2020, Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất huyện Vĩnh Tường đã phối hợp với các lực lượng chức năng và UBND xã Vĩnh Sơn tổ chức cưỡng chế đối với gia đình ông Hạ Văn Cấp, thôn 4, xã Vĩnh Sơn do không chấp hành quyết định thu hồi đất của UBND huyện để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng công trình xây dựng mới chùa Già Du và phần mở rộng chùa Già Du.
Các thiết bị, tài sản trên đất được chính quyền dỡ mang hết về khu vực nhà đa năng của UBND xã Vĩnh Sơn cất giữ. Đặc biệt, 180.000 chim cút đang trong độ sinh sản của gia đình đã bị chính quyền di dời thẳng vào nhà đa năng (Văn hóa - thể dục thể thao) của xã Vĩnh Sơn để nuôi nhốt. Vậy là nhà văn hóa phục vụ cộng đồng của xã Vĩnh Sơn được UBND huyện Vĩnh Tường trưng dụng làm nhà nuôi nhốt chim cút hơn một tháng qua. Mùi hôi bốc lên nồng nặc, cả hội trường nhà đa năng như một khu trang trại, bên ngoài khung nhôm, sắt thép để ngổn ngang, nhem nhuốc…
Ông Hạ Văn Nam (con trai ông Hạ Văn Cấp) dẫn chúng tôi đi xem khu nhốt chim cút của gia đình mà chính quyền cưỡng chế, bức xúc: Tôi không ngờ chính quyền lại cưỡng chế vật nuôi của gia đình, họ đem hết về đây để xếp trồng lên nhau, không biết cách chăm sóc, chế độ ăn uống kém nên chim cút chết gần hết, không còn khả năng sinh sản. Nhìn rất đau xót chú ạ!
Được biết, chính quyền vẫn đang thuê nhân công trông coi, mua thức ăn để duy trì sự sống cho 180.000 con chim cút của gia đình ông Cấp. Theo quy định, lẽ ra họ phải tổ chức đấu giá sớm để tránh tổn thất cho người dân, số tiền đấu giá được sẽ bàn giao cho người dân bị cưỡng chế hoặc gửi ngân hàng theo quy định.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.