Vĩnh Phúc: Ưu tiên quỹ đất xây dựng nhà máy xử lý rác
(TN&MT) - Đây là chỉ đạo của Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Khước tại Hội nghị nghe báo cáo công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; tiến độ thực hiện Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Hội nghị diễn ra chiều 21/4. Hội nghị có sự tham dự của Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, môi trường khu vực nông thôn đang chịu nhiều sức ép từ các hoạt động phát triển kinh tế; công tác xử lý nước thải sinh hoạt chưa được triển khai đồng bộ dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại các thủy vực tiếp nhận nước thải. Toàn tỉnh hiện có 10 hệ thống xử lý nước thải nhỏ lẻ phân tán ở các khu vực tập trung đông dân cư công suất xử lý 200 - 400 m3/ngày đêm, trong đó có 8/10 hệ thống hoạt động không hiệu quả do không có kinh phí bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên; 1/10 hệ thống không hoạt động. Bên cạnh đó, việc di dời các cơ sở sản xuất trong các làng nghề vào các khu sản xuất tập trung gặp nhiều khó khăn.
Thực hiện Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 hiện toàn tỉnh hoàn thành 8/15 nội dung. Năm 2023, Đề án tập trung thực hiện 6 nội dung, nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển rác thải trên địa bàn các huyện Yên Lạc, Lập Thạch và Sông Lô; đưa vào vận hành và phê duyệt giá xử lý rác thải của nhà máy xử lý rác thải tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch và thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc; tổ chức đấu thầu dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn huyện Yên Lạc, Lập Thạch, Sông Lô và thành phố Phúc Yên; đặt hàng dịch vụ xử lý rác thải trên địa bàn huyện Yên Lạc, Lập Thạch, Sông Lô và thành phố Phúc Yên; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn phân loại tại nguồn tại các huyện Yên Lạc, Lập Thạch, Sông Lô và thành phố Phúc Yên; cải tạo, phục hồi môi trường các bãi chôn lấp rác thải trên địa bàn huyện Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc, Lập Thạch và Sông Lô.
Tại hội nghị các sở, ngành, địa phương nêu những tồn tại, khó khăn, đồng thời đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quy hoạch đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước yêu cầu các địa phương chỉ đạo nhà thầu đang triển khai thi công công trình trên địa bàn phải chú ý xử lý, dọn dẹp vệ sinh môi trường sạch sẽ, đặc biệt trước, trong và sau dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 1/5 sắp tới.
Phó Chủ tịch giao Sở Tài nguyên và Môi trường: Tham mưu Ban thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường; phối hợp với Sở Tài chính ban hành đơn giá tạm xử lý chất thải; nghiên cứu chính sách ưu đãi về bảo vệ môi trường để thu hút nhà đầu tư; phối hợp với UBND huyện Tam Dương kiểm tra nhà máy xử lý rác thải công nghệ Việt tại địa bàn thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương trong hoạt động xử lý rác thải, khẩn trương hoàn thiện thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp này.
Giao Sở Xây dựng cập nhật quy hoạch xây dựng, dành quỹ đất cho các huyện để xây dựng ít nhất 1 nhà máy xử lý rác thải, riêng thành phố Vĩnh Yên bố trí 2 địa điểm; nghiên cứu quy hoạch địa điểm tập kết chất thải xây dựng. Giao Sở Công Thương yêu cầu các chủ đầu tư phải đầu tư công trình xử lý nước thải trong các cụm công nghiệp. Đồng thời, giao UBND các huyện, thành phố chủ động thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải của địa phương; tiếp tục nghiên cứu nâng cao trách nhiệm ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường, công tác thanh tra, kiểm tra bảo vệ môi trường; rà soát lại các thủy vực không khả thi cho ra khỏi danh mục đầu tư, cải tạo.