Sáng 3/2, tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023), 60 năm ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Vĩnh Phúc (2/3/1963 - 2/3/2023).
Tại sự kiện trọng đại này, Vĩnh Phúc vinh dự được đón Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; các Ủy viên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố.
Về phía tỉnh có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành, thị; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, những người con quê hương Vĩnh Phúc đang sinh sống, làm việc xa quê cùng đông đảo nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Khắc ghi lời Bác dạy
Trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định: Vĩnh Phúc là một trong những địa phương được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều tình cảm và sự quan tâm. Sinh thời, Người đã có 8 lần về thăm Vĩnh Phúc, trong lần thăm ngày 2/3/1963, Người căn dặn: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”.
Thực hiện lời căn dặn của Bác, 60 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết, nỗ lực, đổi mới sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn thách thức, đưa Vĩnh Phúc từ một tỉnh thuần nông trở thành tỉnh công nghiệp, trung tâm công nghiệp của cả nước trong lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy và đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Vĩnh Phúc luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hậu phương lớn, nhiều người con của quê hương Vĩnh Phúc đã xung phong vào chiến trường, cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trên mặt trận lao động sản xuất, Vĩnh Phúc đã cung cấp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến; là tỉnh dẫn đầu toàn miền Bắc về sản xuất lương thực, cây trồng, làm thủy lợi và phong trào hợp tác hóa nông nghiệp.
Những năm gần đây, chỉ tính giai đoạn 1997 - 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Vĩnh Phúc đạt 13,27%/năm. Năm 2022, vượt qua khó khăn ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế của tỉnh phục hồi, tăng trưởng, với GRDP đạt 9,54%, cao nhất từ năm 2014 đến nay, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Thu ngân sách đạt trên 40.000 tỷ đồng, nằm trong số ít địa phương có số thu nội địa cao nhất cả nước. Đến nay, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ của Vĩnh Phúc chiếm trên 93%.
Cùng với phát triển kinh tế, Vĩnh Phúc luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; là địa phương đi đầu trong sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn.
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ. Đặc biệt, với quan điểm “lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân” và “mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển”, Vĩnh Phúc đang triển khai thí điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tại 28 thôn, tổ dân phố.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã ban hành Nghị quyết “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, trong đó, quyết định đầu tư và huy động các nguồn lực cho văn hóa, tối thiểu 2% tổng chi ngân sách và dành từ 8 - 10% trên tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cho lĩnh vực văn hóa.
5 nhiệm vụ trọng tâm thời kỳ mới
Biểu dương, chúc mừng những thành tựu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc đạt được qua các thời kỳ, phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Vĩnh Phúc là vùng đất lịch sử, chính trị và văn hóa lâu đời trong lịch sử phát triển của đất nước. 60 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc không ngừng đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Với ý nghĩa đó, trước những thời cơ và vận hội mới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Vĩnh Phúc tiếp tục quán triệt, thực hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nghiên cứu và thực hiện:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng song hành và chặt chẽ với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Trước mắt, soát xét, đánh giá và tổng kết một bước việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu tới giữa nhiệm kỳ, đồng thời, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung phù hợp và thực thi đồng bộ các chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Thứ hai, tiếp tục tìm tòi, đổi mới phương thức, làm chuyển biến thực chất công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm nâng cao hơn nữa vị thế, vai trò, hiệu quả lãnh đạo của các tổ chức Đảng; vai trò và nhiệm vụ quản lý của các cấp chính quyền; sàng lọc, phát triển đội ngũ đảng viên thật sự trong sạch vững mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức thật sự liêm chính, tôn trọng và phục vụ nhân dân…
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, gắn chặt với huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy cao nhất tiềm năng, các lợi thế và vị trí cửa ngõ phía tây bắc của Thủ đô Hà Nội nhằm xây dựng Vĩnh Phúc xứng đáng là tỉnh giữ vị thế quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng Đồng bằng sông Hồng; trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước...
Thứ tư, coi trọng phát triển kinh tế đồng bộ với thực hiện phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ và phát triển toàn diện môi trường sống một cách nhân văn trên nền tảng các giá trị truyền thống, mang bản sắc của vùng đất và con người Vĩnh Phúc, hài hòa với vùng, với cả nước và sự tiến bộ của thời đại.
Khơi thông mọi nguồn lực để tạo đột phá trong phát triển giáo dục và đào tạo, văn hóa, y tế,... trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu của một trung tâm công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch phát triển. Tất cả nhằm mục tiêu: "Chăm lo và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân".
Thứ năm, với vị trí địa chiến lược quan trọng, Vĩnh Phúc cần coi trọng nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên là tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, trực tiếp bảo đảm an ninh nông thôn, an ninh công nghiệp và yên dân; triệt tiêu từ sớm, từ xa, từ gốc các yếu tố có khả năng gây mất ổn định nhằm bảo đảm môi trường sống và sản xuất an toàn, ổn định, thân thiện để không ngừng thu hút mọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước phát triển kinh tế, xã hội, môi trường hiện đại, bền vững, nhân văn.
Năm 2023, Vĩnh Phúc cùng cả nước tự tin, vững bước vào năm "bản lề" có ý nghĩa quyết định thành công những quyết sách của Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Trước thời cơ mới và vận hội mới, trên nền móng những thành tựu to lớn của 60 năm qua, với vị thế mới và tâm thế mới, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng sâu sắc rằng, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục có những đột phá mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện và đồng bộ hơn nữa trong công cuộc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xây dựng tỉnh ngày càng phồn vinh, hướng tới mục tiêu: Đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; đến năm 2030 là tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương và đến năm 2045 là thành phố phát triển toàn diện.
Tại buổi lễ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng Đảng và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành đã phát động phong trào thi đua yêu nước với chủ đề “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023”