Mặc dù chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác, nhưng Công ty Toàn Minh vẫn cố tình đưa các phương tiện, máy móc vào núi Nhót khai thác mà không vấp phải sự cản trở nào của Chính quyền địa phương(?!). Không những thế, Công ty Toàn Minh còn ngang nhiên nổ mìn, “xẻ đê” sông Mã để làm đường lên xuống cho ô tô ra vào lấy đá. Ngay sau khi Báo phát hành đã nhận được sự ủng hộ của người dân xã Vĩnh An và lãnh đạo huyện Vĩnh Lộc.
Công ty Toàn Minh đưa máy móc vào khai thác trái phép tại núi Nhót |
Ngày 24/8/2017, Hạt quản lý đê huyện Vĩnh Lộc đã có Báo cáo số 29/BC-ĐĐVL gửi UBND huyện Vĩnh Lộc và Chi Cục đê điều và PCLB Thanh Hóa. Báo cáo nêu rõ: “Trong thời gian qua, trên địa bàn xã Vĩnh An xảy ra hiện tượng khai thác đá trái phép tại núi Nhót giáp ranh K23+00 cụ thể như sau: Trên đoạn đê K22+760- K23+00 là đoạn đê trong chân núi thuộc địa bàn xã Vĩnh An. Cuối tuyến đê tại K23+00 tiếp giáp núi Nhót đã xảy ra tình trạng tập kết máy móc khai thác đá trái phép… Qua kiểm tra hiện trạng công trình Hạt quản lý đê huyện Vĩnh Lộc nhận thấy khu vực trên rất gần K23+00 đê tả sông Mã (đê cấp III). Nếu được cấp phép khai thác đơn vị khai thác sử dụng biện pháp nổ mìn khai thác sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đoạn đê từ K22+760- K23+00, gây mất an toàn cho công trình đê điều.
Đê sông Mã bị xẻ làm đường |
Trên cơ sở đó, ngày 31/8/2017, Sở Tài nguyên & Môi trường đã phối hợp với UBND huyện Vĩnh Lộc, Hạt quản lý đê Vĩnh Lộc, UBND xã Vĩnh An và Công ty Toàn Minh đã tiến hành kiểm tra thực tế dự án công trình khai thác mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng. Biên bản kiểm tra nêu: Khoảng cách đến các đối tượng nhạy cảm xung quanh: Khu vực khai thác mỏ cách đền Cô Tinh 500m và giáp đê tả sông Mã (có chiều dài 240m, từ K22+760 đến K23+00). Hiện nay, núi đá khu vực thực hiện dự án đóng vai trò như một đoạn đê ngăn lũ sông Mã, cao độ mặt đê là 10,54 mét…”
Như vậy, việc Công ty Toàn Minh đưa các phương tiện máy móc vào núi Nhót khai thác đá trong khi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép là hoàn toàn vi phạm pháp luật. Nên ngày 22/8, Công an huyện Vĩnh Lộc đã “mật phục” tại địa bàn núi Nhót (nơi Công ty Toàn Minh) đang khai thác đá trái phép, tiến hành khám xét địa điểm khai thác thu gữi một khối lượng thuốc nổ, kíp và dây cháy chậm đã bỏ vào hốc đá để chuẩn bị cho nổ và việc trong Biên bản kiểm tra thực địa cac cơ qiuan chức năng đều khẳng định khu vực dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại núi Nhót của Công ty Toàn Minh nằm giáp đê tả sông Mã.
Công văn Hạt quản lý đê gửi UBND huyện Vĩnh Lộc và Chi cục đê điều và PCLB Thanh Hóa |
Trong khi đó, ý kiến của phía Công ty lại hoàn toàn phủ nhận việc đã đưa máy móc vào khai thác trái phép mà chỉ tập kết máy móc để động thổ lấy ngày(!?). Vậy nếu như không khai thác trái phép, nhồi thuốc nổ vào đá để chuẩn bị nổ và chỉ bị Công an huyện nhắc nhở như lời đại diện của Công ty Toàn Minh thì cớ sao hiện nay Công ty đang bị Công an huyện Vĩnh Lộc tạm giữ các phương tiện gồm: Máy xúc, máy khoan, ô tô…???
Biên bản kiểm tra của Sở TNMT |
Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Đặng Tiến Dũng, Chi cục trưởng Chi cục đê điều và PCLB tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hiện Chi cục vừa nhận được Văn bản báo cáo của Hạt quản lý đê Vĩnh Lộc báo cáo lên UBND huyện và Chi cục. Chi cục cũng chưa nhận được chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở NN&PTNT về việc tham gia ý kiến. Còn vấn đề phán ánh của báo chí Chi cục sẽ kiểm tra và Báo cáo UBND tỉnh.
Việc “đá tặc” không những ngang nhiên khai thác đá trái phép giữa thanh thiên bạch nhật, mà còn ngang nhiên nổ mìn, rồi “xẻ đê” sông Mã để lên xuống mà không gặp bất kỳ cản trở nào. Câu hỏi được nhiều người dân đặt ra là phải chăng Công ty được bật đèn xanh nên mới lộng hành như thế?.
Tại Khoản 2, điểm a, Điều 23 Luật Đê điều quy định: 2. Hành lang bảo vệ đê được quy định như sau: a) Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5 mét về phía sông và phía đồng; hành lang bảo vệ đê đối với các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 25 mét về phía đồng, 20 mét về phía sông đối với đê sông, đê cửa sông và 200 mét về phía biển đối với đê biển; |
Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Bài & ảnh: Tuyết Trang