Vinh Hải trước nguy cơ bị biển nuốt chửng

17/08/2013 00:00

TN&MT) - Mùa mưa bão đã đến, người dân ở xã ven biển Vinh Hải, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) luôn nơm nớp lo sợ biển tiếp tục xâm thực, ăn sâu vào đất liền.

   
(TN&MT) - Mùa mưa bão đã đến, người dân ở xã ven biển Vinh Hải, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) luôn nơm nớp lo sợ biển tiếp tục xâm thực, ăn sâu vào đất liền. Mặc dù con dân địa phương đã có nhiều giải pháp chống sạt lỡ biển nhưng vẫn không ăn thua. Hàng chục ha rừng phòng hộ trên địa bàn đã bị nước biển đánh ngã tan hoang và có nguy cơ “nuốt” hàng chục ha đất sản xuất của người dân nơi đây...
   
Biển gặm nhấm đất liền
   
  Từ trung tâm xã, chúng tôi men theo tuyến bê tông chạy dọc bờ biển Vinh Hải. Cách mép nước biển khoảng vài bước chân là hàng nghìn gốc phi lao được trồng phòng hộ từ mấy chục năm trước trên những đê cát giờ đã đổ ngã, trơ gốc. Số còn lại đang trấn thủ chở che cho những đồng lúa, hồ tôm, hồ cá ở địa phương nhưng chẳng biết thọ đến bao lâu vì nước biển đang lấp ló vào. Anh Trần Minh Dũng, người dân làm ăn xa vừa hồi hương thổ lộ: “Khoảng 5 năm trước, bờ biển Vinh Hải còn nằm cách khu vực đất sản xuất hoa màu gần 2 cây số. Thế mà sau một thời gian trở về thăm quê, tôi thực sự bàn hoàng vì nước biển đã xâm thực mạnh vào đất liền, nhiều cây rừng phi lao đã bị cuốn trôi, các công trình hạ tầng kênh mương, ao, hồ nuôi trồng thuỷ sản cũng hoang tàn”.
   
Người dân lo lắng việc biển gặm nhấm đất liền liên tục
    
   
  Đi dọc từ khu vực thôn 3 đến thôn 4, chúng tôi thấy nước biển đã ăn vào đất liền từ 50-100 mét; có đoạn khoét sâu hàng trăm mét, đánh vỡ, vùi lấp đường giao thông thôn, xã. Tại đây, một công trình cấp nước được đầu tư khá kiên cố vào năm 2005 để phục vụ cho khu vực nuôi trồng thuỷ sản xã Vinh Hải bây giờ cũng bị xoá sổ vì nước biển… Một cán bộ địa phương đồng hành với chúng tôi cho biết, khoảng mấy năm trước, trạm bơm đó nằm cách mép nước biển gần 400 mét, thế mà bây giờ không còn thấy nữa”. Không chỉ "tiêu" trạm bơm nước, mà hàng trăm mét đường bê tông liên thôn từ trung tâm xã ra bờ biển bị sóng biển đánh hư hỏng. Lo hơn là vào mùa mưa tuyến đường quốc phòng nối từ xã Vinh Hải đến xã Vinh Hiền thường bị xói lở, nham nhở, có đoạn bị cát vùi lấp cao gần cả mét, ảnh hưởng đến giao thông đi lại. 
   
  Trên đường gặt lúa trở về, ông Trần Thắng (ở thôn 4) tình cờ gặp chúng tôi than thở: "Sống ở Vinh Hải vào mùa mưa bão là sợ lắm. Nhiều năm rồi, bà con chúng tôi luôn chứng kiến cảnh nước dâng, sóng trào. Những cơn mưa, bão vừa qua, nước biển dâng cao hơn 2 mét, Vinh Hải nằm lọt thỏm trong biển nước trắng xoá. Tất cả diện tích hoa màu, ruộng lúa (đã gặt); ao hồ nuôi tôm, cá chìm nghỉm. Khổ cho nhiều gia đình vay mướn tiền bạc đầu tư nuôi cá hồng, cá mú, trồng rau, lạc chưa đến mùa thu hoạch đã tan theo ra biển".
   
   Ông Mai Khanh, sống ở thôn 1 cho rằng, tình trạng biển lấn ăn vào đất sản xuất là mối quan tâm lớn lâu nay của lãnh đạo và người dân Vinh Hải. Dân đã nhiều kêu, chính quyền địa phương cũng sốt ruột nhưng rồi vẫn chưa thấy có giải pháp nào cứu vãng. Ông Khanh ngậm ngùi, những năm gần đây, hễ vào mùa mưa là nước biển lấn vào và cuốn đi các đồng tôm, ao cá, vườn màu với số tiền thiệt hại hàng trăm triệu đồng của hàng chục gia đình”. Ông Khanh chia sẻ: “Sống ở Vinh Hải, không làm thì chẳng biết lấy gì sống, nhưng làm thì ngồi mà lo. Thử hỏi mưa lớn, gió to, nước biển tràn thẳng vào vùng đất sản xuất, ngâm dài ngày thì có cây gì sống nổi. Ngay cả ruộng đã nhiễm mặn thì trồng lúa không lên, nuôi cá nước ngọt cũng không lớn. Để chuẩn bị vào vụ sản xuất bà con phải "tẩy mặn" cải tạo ruộng đất. Tuy vậy, việc "tẩy mặn" không phải là dễ bởi kinh tế nhiều gia đình vẫn khó khăn. Thành ra, năm này qua năm khác năng suất lúa ở đây không khá lên được, bà con vốn nghèo cứ hoàn nghèo"...
   
Trạm bơm nước phục vụ nuôi trồng thuỷ sản được đầu tư năm 2005 nay đã bị biển nuốt chửng
(ảnh chụp từ năm 2008)
    
   
Cần giải pháp lâu dài
   
  Anh Nguyễn Ngọc Dũng- Chủ tịch UBND xã Vinh Hải cho biết, bờ biển trải dài qua địa bàn xã Vinh Hải khoảng gần 5 cây số. Đoạn sạt lở nghiêm trọng nhất là khu vực thôn 3 và 4, nơi có hơn 200 ha ruộng lúa, cây màu và ao hồ nuôi cá nước ngọt của người dân địa phương. Theo số liệu ghi lại từ xã Vinh Hải, bờ biển đi qua địa bàn đã bị sạt lở liên tục nhiều năm liền. Mức độ sạt lở mạnh nhất giai đoạn từ năm 1990 đến nay; đặc biêt biệt từ năm 2000 đến nay, trung bình mỗi năm biển ăn sâu từ 15 đến 20 mét. Cứ vào tháng 8 đến tháng 11 (âm lịch), mưa lớn, gió mạnh kết hợp với triều cường dâng cao làm khu vực dọc bờ biển ăn sâu vào đất liền. Chỉ tính từ năm 2009 đến 2012, biển cuốn mất của Vinh Hải 65 ha đất tự nhiên. Ngay những đê cát có độ cao tương đối để chắn sóng biển giờ đã bị san bằng. Trước thực trạng này, hàng năm chính quyền địa phương chỉ đạo, huy động bà con ở khu vực tiến hành đắp đê, trồng 9ha rừng phòng hộ với gần 6.000 cây phi lao và 3.500 cây dứa trên các đê cát để bảo vệ bờ biển. Thế nhưng với nỗ lực ở địa phương chỉ là giải pháp tạm thời, không thể thắng nổi những cơn thịnh nộ của biển cả.
   
  Chủ tịch UBND xã Vinh Hải nói, bờ biển qua địa bàn bây giờ không còn công trình nào che chắn bảo vệ nên sắp đến tình trạng sạt lở ngày càng gia tăng. Với thực trạng này không bao lâu nữa diện tích ruộng lúa và nhiều diện tích nuôi trồng thuỷ sản của bà con địa phương sẽ nối thông với biển. Lúc đó, Vinh Hải sẽ mất không ít diện tích đất sản xuất, ảnh hưởng đời sống dân sinh của người dân địa phương.
   
Thực trạng bàu lúa vào ngày mùa ở Vinh Hải vì nhiễm mặn
   
  Được biết, mới đây lãnh đạo tỉnh tiến hành kiểm tra tình hình xâm thực của biển tại địa phương. Trước thực trạng nguy cơ xâm lấn của biển, lãnh đạo tỉnh đã quyết định đầu tư tại thôn 3, thôn 4 xã Vinh Hải một hệ thống đê kè chắn sóng dài 400 mét. Một niềm vui đã đến với Vinh Hải, nhưng theo anh Dũng, đó chỉ mới là giải pháp tạm thời. Nhưng về lâu dài, để đảm bảo đời sống, an sinh xã hội cho người dân nơi đây, tỉnh cũng nên quan tâm hỗ trợ xây hệ thống đê kè toàn tuyến dọc biển Vinh Hải; đồng thời khi triển khai tránh mùa mưa bão để công trình được bảo đảm và bền vững hơn.
   
                      Bài & ảnh: Xuân Giang                     
   
                                 
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vinh Hải trước nguy cơ bị biển nuốt chửng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO