Vĩnh Bảo (Hải Phòng): Khuất tất thu hồi đất triển khai dự án

30/08/2016 00:00

(TN&MT) - UBND xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo đã tiến hành thu hồi đất nông nghiệp của hàng trăm hộ dân để triển khai dự án tu bổ, tôn tạo, mở rộng Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại xã Lý Học trước 10 năm, nhưng sau đó UBND TP. Hải Phòng mới phê duyệt qui hoạch chi tiết dự án. Vì sao chính quyền xã lại “cầm đèn chạy trước ô tô”? Và đây có phả là những uẩn khúc, là nguyên nhân cơ bản khiến cho người dân lâu nay phải đội đơn khiếu kiện, tố cáo những sai phạm của cán bộ kéo dài từ nhiều năm qua?

Một dự án, ba kiểu thu hồi đất (!?)

Trong đơn thư gửi Báo Tài nguyên và Môi trường mới đây, 95 hộ dân ở thôn 5, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo (TP. Hải Phòng) phản ánh: Từ năm 2000-2005, họ bị thu hồi gần 100 nghìn m2 đất để cho dự án tu bổ, tôn tạo, mở rộng Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Việc thu hồi đất được chia làm 3 giai đoạn: Năm 2000-2002 thu hồi 24.071 m2 của 89 hộ dân; Năm 2003 thu hồi 26.071m2 của 95 hộ dân; Năm 2005 thu hồi 24.072m2 của 86 hộ dân. Trong những hộ có đất bị thu hồi thì có hộ bị thu hồi 1 lần, có hộ bị thu hồi 2 lần, có hộ bị thu hồi 3 lần.

95 hộ dân thôn 5, xã Lý Học phản ánh vụ việc với phóng viên sáng ngày 23/8/2016.
95 hộ dân thôn 5, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) phản ánh những tâm tư, bức xúc với phóng viên sáng ngày 23/8/2016.

Phương án thu hồi đất của mỗi giai đoạn lại được địa phương thực hiện khác nhau. Giai đoạn 2000-2002, việc thu hồi đất được chính quyền xã Lý Học triển khai bằng hình thức “đất đổi đất”. Nghĩa là, 86 hộ dân có đất bị thu hồi trong giai đoạn này được xã bố trí diện tích đất tương ứng ở vị trí khác (đất hoang hóa, đất thùng vũng), đồng thời được hỗ trợ 3.000 đồng/m2.  

Ở hai giai đoạn sau (2003 và 2005), các hộ có đất bị thu hồi được đền bù, hỗ trợ. Cụ thể, năm 2003, 95 hộ dân có đất bị thu hồi được đền bù, hỗ trợ 15.500 đồng/m2; Năm 2005, 86 hộ bị thu hồi được đền bù, hỗ trợ 35.000 đồng/m2.

Việc các hộ dân bị thu hồi đất vào năm 2003, 2005 được đền bù, hỗ trợ là hợp lẽ. Nhưng zích zắc xuất hiện từ “lời hứa” của ông Nguyễn Đình Duy, nguyên Chủ tịch UBND xã Lỹ Học thời điểm đó (hiện là Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Bảo).

Hàng chục hộ dân lâu nay phải đội đơn khiếu kiện, tố cáo, kêu cứu nhưng những vướng mắc vẫn chưa được giải quyết thấy tình đạt ký
Hàng chục hộ dân lâu nay phải đội đơn kêu cứu nhưng những vướng mắc vẫn chưa được giải quyết thấy tình đạt lý

Xác minh tại cơ sở, chúng tôi nhận thấy, đa số người dân đều chấp nhận giá đền bù, hỗ trợ đất khi bị thu hồi vào năm 2003 và 2005 (15.500 đồng/m2 năm 2003 và 35.000 đồng/m2 năm 2005). Nhưng “kèm theo” phương án đền bù này, Chủ tịch UBND xã Lý Học lúc đó là ông Nguyễn Đình Duy có hứa với bà con là đến tháng 6/2013, sẽ… “trả lại diện tích đất đã thu hồi” (!?).

Tin tưởng vào “lời hứa” của Chủ tịch xã, từ năm 2013 trở đi, các hộ có đất bị thu hồi dù đã được đền bù, hỗ trợ vẫn mong ngóng được trả lại đất để canh tác. Bởi kể từ thời điểm bị thu hồi đất (2000) đến nay, nhiều hộ dân thôn 5 không còn kế sinh nhai, phải làm thuê làm mướn để mưu sinh; Nhưng chờ mãi vẫn không thấy xã thực hiện lời hứa. Nhiều ý kiến cho rằng "chính quyền nuốt lời", dẫn đến phản ứng bằng nhiều hành động: không nộp một số thuế; đề nghị bố trí nơi bán hàng quanh khu vực di tích; yêu cầu cấp hoàn diện tích đất đã thu hồi... 

Cấp đất hành lang bảo vệ an toàn đê cho dân sản xuất?

Việc ông Nguyễn Đình Duy, Chủ tịch UBND xã Lý Học (thời điểm năm 2003) có “hứa” với dân tháng 6/2013 sẽ trả lại đất thu hồi đã được ông Nguyễn Trọng Nhưỡng, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo thừa nhận. Trong Biên bản tiếp công dân xã Lý Học ngày 12/1/2015 của Chủ tịch UBND huyện, ông Nhưỡng khẳng định: “Việc thu hồi đất theo thời gian đó, đồng chí Duy đã hứa hẹn không đúng quy định. Bà con nông dân làm nông nghiệp bị mất đất…”.

Cấp đất hành lang bảo vệ an toàn đê cho dân sản xuất nên người dân không đồng thuận
Cấp đất hành lang bảo vệ an toàn đê cho dân sản xuất nên người dân không đồng thuận

Sau này, trong Biên bản làm việc với cơ quan chức năng, ông Nguyễn Đình Duy (hiện tại đã được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Bảo) lý giải vì sao lại hứa: “Bản thân nhận thiếu sót, do năng lực còn hạn chế”. Nhưng liệu rằng có phải vì “năng lực còn hạn chế” mà ông Duy lúc còn là Chủ tịch UBND xã Lý Học đã “hứa” trả lại diện tích đất bị thu hồi cho người dân?

Chúng tôi cho rằng, đây chỉ là một lý giải mang tính bao biện. Bởi, với một người nhận thức “thường thường bậc trung” cũng biết rằng, diện tích đất bị thu hồi đã được xây dựng các công trình hạ tầng thì làm sao có thể trả lại để canh tác được. Hơn nữa, có văn bản luật nào hướng dẫn địa phương trả lại đất thu hồi đã được đền bù, hỗ trợ để người dân tiếp tục canh tác?. 

Một thực tế quan trọng là, xã Lý Học còn có quỹ đất để trả lại cho người dân như lời hứa của ông Chủ tịch hay không? Câu trả lời có ngay trong phương án “đất đổi đất” khi UBND xã Lý Học thu hồi đất năm 2000-2002.

Người dân phán ánh việc cấp sổ đỏ ở huyện Vĩnh Bảo có nhiều bất cập
Người dân phản ánh với phóng viên Báo TN&MT việc cấp sổ đỏ ở huyện Vĩnh Bảo có nhiều bất cập


Hộ ông Lê Văn Khuông (đã chết) là một trong 89 hộ có đất bị thu hồi năm 2000-2002. Nhà có 5 người con, ông được xã đổi cho gần 9 sào đất ngay sát chân đê. Do đất nằm trong hành lang bảo vệ đê nên dù được đổi để canh tác, gia đình ông Khuông từ bấy đến nay không được trồng loại cây gì khác, ngoài cấy lúa. Theo phương án này, giai đoạn 2000-2002, khi thu hồi 24.071 m2 của 89 hộ dân ở thôn 5, UBND xã Lý Học sẽ bố trí cấp diện tích đất tương ứng ở vị trí khác. Đất đổi cho người dân được UBND xã Lý Học lựa chọn là đất 5% (đất công ích), đất hoang hóa, đất thùng vũng; Thậm chí, do không còn đất nên xã phải đổi cả đất hành lang đê hữu sông Thái Bình, là tuyến đê trọng điểm phòng chống lụt bão của địa phương (!). Chính vì điều này đã khiến người dân vô cùng bất bình vì họ cho rằng chính quyền xã đã lừa dân, bởi đất khu vực mốc bảo vệ đê sẽ bị huy động, sử dụng chống lũ, bảo vệ đê khi thiên tai xảy ra.

Nhiều khuất tất cần được làm rõ

Quá trình tiếp cận vụ việc, nhiều câu hỏi được đặt ra: Vì sao đã có phương án đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất mà ông Nguyễn Đình Duy, nguyên Chủ tịch UBND xã Lý Học, hiện là Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Vình Bảo lại “hứa” trả lại đất cho người dân? Vì sao đến năm 2010, UBND TP. Hải Phòng mới phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo, mở rộng Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhưng cơ sở nào mà trước đó 10 năm, UBND xã đã thực hiện thu hồi đất bằng hình thức “đất đổi đất”?

Ngoài ra, người dân thôn 5, xã Lý Học còn khẳng định, việc thu hồi đất trong cả 3 giai đoạn đều không có bất cứ một văn bản pháp lý nào của huyện, của thành phố bởi họ đã nhiều lần đề nghị được cung cấp các quyết định liên quan nhưng đều bị chính quyền các cấp từ chối.

Người dân ủng hộ dự án xây dựng di tích lịch sử, nhưng chưa đồng tình với việc thu hồi, đền bù và cấp đất làm ảnh hưởng cuộc sống của rât nhiều hộ gia đình
Người dân ủng hộ dự án xây dựng di tích lịch sử, nhưng chưa đồng tình với việc thu hồi, đền bù và cấp đất làm ảnh hưởng cuộc sống của rât nhiều hộ gia đình

Để làm rõ những nghi vấn này, sau khi nhận được đơn thư của bạn đọc, ngày 18/8/2016, trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi còn phát hiện nhiều tình tiết bất thường liên quan đến việc quản lý đất đai trên địa bàn xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo. Đó là: nhiều hộ dân đã bỏ tiền mua đất ở từ hơn 10 năm nay, đã đóng nộp đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước nhưng vẫn chưa được cấp Giấy CNQSD đất; Có nhiều dấu hiệu sửa chữa số liệu đất đai để “hợp thức hóa”,… Đặc biệt, ở Lý Học còn xuất hiện tình trạng cấp Giấy CNQSD đất trên đất hành lang đê; thực trạng “găm” Giấy CNQSD đất, không trao cho nhân dân; cấp Giấy CNQSD đất cho các hộ dân trong khi Giấy CNQSD đất đã hết hạn sử dụng (!?).

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ để thông tin cho bạn đọc trong các số báo tiếp theo.

Bài & ảnh: Xuân Vũ - Sỹ Hào

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh Bảo (Hải Phòng): Khuất tất thu hồi đất triển khai dự án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO