Việt Nam - ý chí, niềm tin và khát vọng non sông

PGS, TS. Đỗ Xuân Tuất - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh| 31/01/2022 23:47

Năm 2021 Tân Sửu, năm đầu tiên thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2021 - 2026 của Chính phủ đã qua đi với hàng loạt những thách thức, khó khăn chồng chất mà điểm nhấn là Việt Nam vượt qua sự công phá dữ dội của “giông tố” Covid-19.

Đó được xem là phép thử không giới hạn với mỗi người Việt Nam, đặc biệt là trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ ở tầm vĩ mô cũng như chính quyền các địa phương, là cơ sở để thổi bùng khát vọng và xây dựng ý chí, niềm tin đưa Việt Nam phát triển hùng cường.

Cuối năm 2020, khi các nước trên thế giới và khu vực gặp nhiều khó khăn do phong tỏa phòng, chống dịch Covid-19 thì Việt Nam trở thành một điểm sáng cả trong công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế tăng trưởng dương. Với nhiều gam màu sáng, Chính phủ đã xác định chủ đề của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”. Với sự nỗ lực vượt bậc, đặc biệt là với những giải pháp đột phá đồng bộ, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, đến hết năm 2021, Việt Nam đã cơ bản đạt được những thành tựu, tạo đà quyết tâm tiến vào những mục tiêu mới của năm 2022.

Một trong những thành công nổi bật là chúng ta đã chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp và kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, góp phần ổn định chính trị - xã hội, khẳng định sự đồng bộ, tính thống nhất của cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ, tạo nền tảng vững chắc và điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

o-viet-nam-quyen-bau-cu-va-ung-cu-la-mot-trong-nhung-quyen-chinh-tri-co-ban-cua-cong-dan.jpg

Tranh cổ động ngày Hội bầu cử toàn dân.

Sau những sự kiện nền tảng ấy, đầu tháng 5/2021, cơn “địa chấn” Covid-19 mang biến chủng Delta xuất hiện lây nhiễm nhanh khủng khiếp, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng nhân dân và tình hình sản xuất, kinh tế - xã hội của nhiều tỉnh, thành phố. Dịch lan nhanh trong cộng đồng buộc Chính phủ Việt Nam phải có nhiều giải pháp đối phó khi nguồn cung vắc-xin khan hiếm. Với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, công tác phòng, chống dịch được thực hiện quyết liệt trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Với phương châm mỗi xã, phường là một “pháo đài” chống dịch, mỗi người dân là một chiến sĩ cùng công thức “5K + vắc-xin + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của nhân dân” đã giúp các địa phương khống chế được dịch. Sau khi nâng cấp, kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trong thời gian ngắn, hơn 300 nghìn lượt cán bộ, nhân viên, chiến sĩ và lực lượng y tế, quân đội, công an đã hỗ trợ cho các địa phương chống dịch, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp ở những nơi đủ điều kiện, an toàn dịch bệnh; hạn chế tối đa đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động.

Một thành công mang ý nghĩa quyết định phải kể đến việc ra đời Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19; Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ và Chiến dịch ngoại giao vắc-xin. Những quyết định này đã cho thấy sự nhanh nhạy, tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong giải quyết vấn đề lớn, nhạỵ cảm chưa từng có tiền lệ. Từ đây, Việt Nam đã đóng góp tự nguyện thêm 500.000 USD cho Cơ chế COVAX, nâng tổng mức đóng góp tự nguyện của Việt Nam lên 1 triệu USD. Các cấp lãnh đạo Việt Nam đã tích cực vận động mua, nhận chuyển nhượng và giao đúng hạn từng liều vắc-xin, đưa đất nước gần hơn tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Tổ Công tác ngoại giao vắc-xin kịp thời tham mưu, kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh hợp tác về công nghệ sản xuất vắc-xin và hỗ trợ quá trình sản xuất, thử nghiệm vắc-xin trong nước; kết nối nhập khẩu một số loại thuốc điều trị Covid-19. Theo số liệu của Bộ Y tế cung cấp, từ tháng 3 đến hết ngày 26/12/2021, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 183 triệu liều vắc-xin, nhiều hơn mục tiêu 150 triệu liều mà Chính phủ kỳ vọng. Việt Nam đã triển khai thành công Chiến lược tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử trước sự ngỡ ngàng của các chuyên gia quốc tế. Tính đến ngày 27/12/2021, Việt Nam đã tiêm hơn 146 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 và trở thành 1 trong 63 quốc gia/vùng lãnh thổ đã bao phủ 2 mũi tiêm chủng vắc-xin cho ít nhất 70% dân số; xếp thứ 8 trên thế giới về số liều vắc-xin đã được tiêm (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Mexico, Pakistan, Đức). Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vắc-xin tiêm chủng nhiều nhất và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia), đứng thứ 7 trong châu Á và là 1 trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới tính theo số liều tiêm ngày và tuần. Ngày 31/12/2021, chiến dịch tiêm chủng thần tốc đã cơ bản hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên (trừ trường hợp chống chỉ định); không để sót các trường hợp thuộc diện phải tiêm, nhất là người có bệnh nền, người trên 50 tuổi. Chính phủ đặt ra mục tiêu hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến 18 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022, chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi trong năm 2022 sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép.

Cạnh đó, các hoạt động ngoại giao đa phương, song phương được đẩy mạnh, cho kết quả tốt. Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đảm nhận trong các tổ chức quốc tế, khiến uy tín, vị thế với bạn bè, đối tác quốc tế ngày càng được nâng cao. Công tác ngoại giao kinh tế được triển khai hiệu quả, góp phần thu hút các nguồn lực từ bên ngoài. Đặc biệt, sự cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam giảm mức phát thải khí nhà kính về “0” vào năm 2050, cắt giảm 30% khí metan và chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030 đã cho thấy quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đẩy mạnh chuyển đổi mô hình kinh tế sang tăng trưởng xanh và ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu, đóng góp trách nhiệm vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức toàn cầu.

kinhte.jpg
Ảnh: Phạm Hùng

Ở trong nước, Chính phủ đã nỗ lực, quyết tâm triển khai quyết liệt, bài bản nhiều nhiệm vụ với tầm nhìn chiến lược, có ý nghĩa lâu dài cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, như nỗ lực cải cách thể chế, tăng cường kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực hợp lý và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ... Nhiều dự án hạ tầng chiến lược trọng điểm tiếp tục được triển khai hứa hẹn tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới. Đặc biệt, việc đưa hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào hoạt động từ ngày 1/7/2021 đã giúp cho việc phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số ngày càng đi vào chiều sâu. Đến nay, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt hơn 50%; Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai; kết nối trực tuyến từ Chính phủ đến gần 100% xã, phường, thị trấn tại các tỉnh, thành phố. Năm 2021, doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành thông tin và truyền thông đạt 3.462.170 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành 100% kế hoạch đặt ra, tăng trưởng 9% so với năm 2020. Theo Báo cáo Chỉ số quyền lực mềm toàn cầu (Brand Finance Global Soft Power Index Report), năm 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong Bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu.

Khi chưa có đủ vắc-xin, thuốc chữa bệnh, kinh nghiệm và năng lực ứng phó dịch bệnh còn hạn chế, chúng ta buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính nghiêm ngặt để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân. Quốc hội và Chính phủ đã có các quyết sách mạnh mẽ tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, khơi thông mọi nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế”. Từ giữa tháng 10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền Chương trình tổng thể phòng, chống dịch, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau như công tác tổ chức của cán bộ các cấp ở cơ sở chưa chu đáo, chưa triệt để, chưa bao phủ rộng khắp các đối tượng trong xã hội, cộng với tư duy nặng thói quen tiện lợi trước mắt nên việc tổ chức phòng, chống dịch ở một số nơi không đạt được hiệu quả mong muốn, khiến cho có thời điểm tỷ lệ tử vong tăng chóng mặt. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các khía cạnh và mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021.

Những tưởng Việt Nam sẽ gục ngã trước khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ đứng vững mà còn vươn mình phát triển mạnh mẽ. Thu ngân sách Nhà nước năm 2021 của Việt Nam vẫn đạt khoảng 1.523,4 nghìn tỷ đồng, bằng 113,4% dự toán năm (tăng 180,1 nghìn tỷ đồng). Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa lập kỷ lục mới, đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, xuất siêu khoảng 4 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế và là quốc gia xuất siêu liên tục 6 năm. Ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ cột vững chắc của nền kinh tế với mức tăng trưởng 2,85%, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lập kỷ lục 48,6 tỷ USD. Đến nay, nền kinh tế đang dần vượt qua thời điểm khó khăn và bước vào giai đoạn phục hồi. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế 3 tháng cuối năm khởi sắc, GDP quý IV ước tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,61% của năm 2020, đưa tổng sản phẩm trong nước năm 2021 ước tính tăng 2,58%.

Dù bị dịch bệnh tác động ảnh hưởng khá dài, gây ra nhiều khó khăn, nhưng những kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong năm 2021 đã tạo nền tảng quan trọng để kinh tế Việt Nam phục hồi, phát triển vững chắc hơn, để cả nước tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Trên nền tảng đó, chúng ta tin tưởng vào mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân và đặt ra mục tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 4%... mà Chính phủ đặt ra.

Nằm trong địa chính trị và địa kinh tế năng động ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, năm 2022 được dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp về thiên tai, dịch bệnh và thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là sự tác động, ảnh hưởng trong chiến lược đối ngoại của các nước đối với Việt Nam. Việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế tiếp tục là một thách thức lớn đối với Chính phủ và chính quyền các địa phương. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần tin tưởng khi Chính phủ quyết tâm ưu tiên rà soát, hoàn thiện về thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật mạnh mẽ hơn. Chúng ta cũng cần đặt trọn niềm tin vào trách nhiệm của Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là một số công trình trọng điểm quốc gia; đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người có công, người nghèo, người yếu thế. Chúng ta mong Chính phủ có những giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để quản lý chặt chẽ đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Đặc biệt, dư luận cả nước mong muốn Chính phủ có những giải pháp khả thi để đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; làm tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

“Hết mưa là nắng hửng lên thôi” câu thơ trong bài “Trời hửng” ở tập “Ngục trung nhật ký” của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định niềm tin tất yếu vào con đường đã chọn, tin vào sức mạnh và tinh thần yêu nước, yêu độc lập, tự do, hòa bình của dân tộc ta. Người tin thời cơ sẽ đến để giải phóng dân tộc khỏi áp bức bất công. Với đất nước ta hiện nay, khó khăn, thách thức của năm 2021 đã qua đi, một mùa xuân mới lại về, niềm tin vào vận hội, tương lai của đất nước trước những thời cơ, vận hội mới lại được khai mở. Chúng ta tin tưởng rằng, Đảng, Nhà nước và Chính phủ sẽ vững tay chèo trước những cơn sóng cả để đưa đất nước tiến lên, trở thành hùng cường, đúng như kỳ vọng của Bác Hồ kính yêu. Để đạt được mục tiêu đó, thiết nghĩ mỗi người Việt Nam cũng cần nuôi cho mình niềm tin, khát vọng và quyết tâm phấn đấu, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Chúng ta không chỉ sống văn hóa, nhân nghĩa, nhân văn hơn, ứng xử tốt đẹp hơn mà còn luôn luôn nuôi dưỡng khát vọng học tập, tích lũy kiến thức, vươn lên làm giàu chính đáng. Đặc biệt, cần trân trọng, giữ gìn truyền thống văn hóa, những giá trị truyền thống trong lịnh sử, nhất là lịch sử đấu tranh cách mạng và chủ nghĩa anh hùng dân tộc; đấu tranh quyết liệt với các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội luôn có xu thế bài xích, lôi kéo và kích động chúng ta từ bỏ niềm tin đi tới tương lai.

Nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức với ý chí, nghị lực, khát vọng và niềm tin chiến thắng sẽ giúp chúng ta có được sức mạnh và tìm ra con đường đi tới tương lai để thực hiện mục tiêu chung vì một Việt Nam hùng cường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam - ý chí, niềm tin và khát vọng non sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO