"Việt Nam xanh" nhìn từ biển

Việt Hải| 26/11/2022 08:23

Nếu xem cuộc thi “Cùng giữ màu xanh của biển” lần thứ Nhất do Báo TN&MT tổ chức là nền móng đầu tiên cho cuộc “tổng động viên” hành động truyền thông vì biển thì có thể hình dung, công trình truyền thông “Vì một đại dương xanh - Vì một Việt Nam xanh” đã manh nha vóc dáng, hình hài.

Từ những viên gạch đầu tiên... 

Rác thải nhựa, ô nhiễm đại dương, suy giảm tài nguyên biển, biến đổi khí hậu, sạt lở bờ biển, nước biển dâng... đã và đang cho thấy giữ màu xanh của biển không chỉ đơn thuần là bảo vệ môi trường biển mà còn nâng cao năng lực đối phó với thảm họa biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Tại Việt Nam, xuất phát từ vai trò quan trọng của biển, bảo vệ môi trường, tài nguyên biển được nhiều chuyên gia ví như một “phép màu” góp phần thúc đẩy tiến trình thực hiện Nghị quyết 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam cán đích. 

img_2045.jpg

Khởi động mùa thi đầu tiên trong bối cảnh Covid-19 làm thay đổi thế giới với một tốc độ chưa từng thấy, Covid - bên cạnh sức tàn phá, đã cho con người thêm một lần nhận chân mặt trái của phát triển nóng, của sống nhanh, của hiện đại hóa xô bồ thiếu chọn lọc, của sự can thiệp thô bạo của con người vào môi trường. Chỉ riêng trong lĩnh vực rác thải nhựa, khi Covid ngắt kết nối trực tiếp giữa con người với con người, việc trao đổi hàng hóa online đã gây ra hậu họa khôn lường là rác thải nhựa tăng lên chóng mặt. Điểm đến cuối cùng của nó là đại dương. 

Thực tế không thể chối cãi đó càng thôi thúc những người quan tâm đến môi trường biển quyết tâm hành động. 

Hơn hai năm diễn ra cuộc thi với nhiều khó khăn do đại dịch Covid- 19 nhưng những trải nghiệm thực tế vẫn diễn ra dù chỉ là độc hành; những cuộc phỏng vấn từ xa, những hình ảnh thay bằng chụp trực tiếp thì được trợ giúp từ “đầu cầu” có biển... Hàng trăm bài viết tâm huyết của các tác giả từ mọi miền đất nước vẫn được gửi về như những viên gạch nhỏ thông qua cuộc thi mà gắn kết thành hình khối, lớp lang nền móng đầu tiên. Covid đã cho thấy nỗ lực cố gắng của những người yêu biển và vì biển, tỏ tường thêm quan điểm tưởng chừng cổ xưa nhưng chưa bao giờ cũ, đó là: Tình yêu sẽ giúp con người vượt qua tất cả.

Quả không sai! Những cây bút lão luyện và chuyên nghiệp xuất hiện trong cuộc thi là một lẽ, nhưng, có những người nông dân chưa một lần làm báo đã cầm bút viết bài dự thi, lời văn dẫu còn chưa trôi chảy, bố cục dẫu còn chưa trật tự, nhưng tình yêu biển trong từng bài viết thì hiển hiện ắp đầy. Lại có cả những bạn trẻ viết bài dự thi bằng ký ức, trải nghiệm tuổi thơ với những giải pháp già trước tuổi. Phải chăng, trách nhiệm và tình yêu với biển luôn thường trực trong mỗi con người, chỉ cần bền bỉ đồng hành, khơi lên, thắp lên trong họ ngọn lửa nhiệt huyết để tình yêu ấy trở thành hành động. 

image.jpeg

Đó cũng là nguyên do cắt nghĩa vì sao cuộc thi “Cùng giữ màu xanh của biển” lần thứ Nhất có quy mô khiêm tốn nhưng thu hút được sự quan tâm tham dự của đông đảo mọi người. Đến qua thời điểm kết thúc nhận bài nhưng nhiều bài vẫn gửi về và nhận sự phản hồi trong sự tiếc nuối của người tham dự. Vậy nên, không quá khi nhà báo, TS. Trần Bá Dung - Giám khảo của cuộc thi nhận định: “Không tiếp tục tổ chức cuộc thi là có lỗi với những người yêu biển”. 

...Đến ước mơ công trình truyền thông 

Cuộc thi đã khẳng định tầm quan trọng, tạo tiền đề xây dựng một nếp sống xanh, pháp luật xanh, chủ quyền xanh, văn hóa biển xanh trong bối cảnh Việt Nam bứt tốc thực hiện Nghị quyết 36 và các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Cao hơn mục tiêu ấy là sự bứt tốc để giữ lấy lá phổi trung tâm của trái đất trong sự đe dọa, sống còn trước biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường đang ngày một đè nặng lên Trái đất. 

Chia sẻ về ý nghĩa thiết thực của cuộc thi, TS. Trương Đức Trí - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Phó Trưởng ban Tổ chức cuộc thi cho rằng, những giải pháp, ý tưởng, sáng kiến còn tiềm tàng trong mỗi người đã và sẽ có dịp khơi lên, hội tụ và lan tỏa. Biết đâu, từ những sáng kiến, hay chỉ là manh nha ý tưởng, sẽ là hạt mầm để những giải pháp lớn hình thành.

Với TS. Trần Bá Dung, cuộc thi là một sân chơi không phân biệt tuổi tác, vị trí, nghề nghiệp. Vì vậy, bên cạnh đánh giá cao những bài viết của các cây viết chuyên nghiệp, Ban Giám khảo đặt giải pháp, giá trị lan tỏa lên trước. Nếu như giải pháp là cốt lõi thì lan tỏa là mục tiêu song hành để thôi thúc sự lên tiếng của nhiều con người, sự xuất hiện của nhiều giải pháp và đưa được những tiếng nói đó đến với cơ quan thực thi, địa phương có biển, đưa tiếng nói của trách nhiệm, lương tri đến với con người khi đối diện với biển, đối diện với hành vi của chính bản thân mình trước biển. 

Nói lên được tiếng nói là điều quan trọng, biến những tiếng nói đó thành trọng lượng của sự thay đổi hành vi và phương cách quản lý càng đặc biệt có giá trị. Vì vậy, không có hồi kết cho tiếng chuông cảnh báo. Ban Tổ chức cuộc thi xác định, đó là sự đồng hành bền bỉ dài lâu, bởi, trách nhiệm bảo vệ môi trường cũng là một phẩm chất của con người, không có điểm giới hạn mà phải luôn luôn tiếp nối và bồi đắp. 

Ngạn ngữ có câu: Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau. Không chỉ báo chí đồng hành để khơi dậy trách nhiệm, thắp lên tình yêu đại dương trong mỗi người, mà các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng phải chung tay lan tỏa. 

Cốt lõi của những mong muốn ấy là trách nhiệm, tình yêu phải ngấm sâu vào mỗi con người, lan tỏa vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, từ miền biển tới đồng bằng, từ đồng bằng lên miền núi, bởi từ góc nhìn tài nguyên, biển là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam, từ góc nhìn môi trường, ô nhiễm là một vòng luẩn quẩn. Chỉ có sự đồng vọng mọi miền mới giải quyết phần gốc của vấn đề. 

Vì vậy, không chỉ dừng lại ở biển và những địa phương có biển, vóc dáng của cuộc thi phải trải dài theo dáng hình Tổ quốc, cả chiều dài, chiều rộng, tầm cao và chiều sâu. Khi biển lên tiếng kêu cứu thì lời đáp lại phải là tất cả: miền biển, rừng núi, đồng bằng, thành thị, nông thôn...

Cũng không chỉ dừng ở quy mô làng xã, địa phương, khu vực, biển đang là một trong những yếu tố khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Lịch sử đã chứng minh, ở những quốc gia có biển, rất nhiều những cuộc xâm lược của quốc gia khác đều bắt đầu từ biển, rất nhiều nền kinh tế bắt đầu từ biển, rất nhiều tiềm năng ẩn tàng trong lòng biển: Dầu khí, đất hiếm, biến nước mặn thành nước ngọt, đảo năng lượng từ nguồn năng lượng vô tận dưới dạng gió, sóng biển và ánh nắng... Đó sẽ là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển xanh, phát triển bền vững cho một quốc gia biển mạnh. 

“Môi trường biển, tài nguyên biển không chỉ dừng ở khái niệm môi trường tài nguyên đơn thuần, đó còn là nền tảng cho giá trị văn hóa, chủ quyền Việt Nam cất cánh rực rỡ” - theo PGS, TS. Nguyễn Chu Hồi - thành viên Ban Giám khảo - “cuộc thi đang khai thác rất tốt thông điệp này”. 

Tiếp tục hành trình “Vì một Việt Nam xanh”, nếu trước đây đại dịch Covid-19 đã gây không ít khó khăn cho công tác tổ chức thì sự bền bỉ của ý chí mới là phép thử nghiệt ngã nhất, không hài lòng với bản thân mới là điều khó khăn nhất. Vậy nên, dù được đánh giá là một mùa thi có nhiều gặt hái, nhưng với Ban Tổ chức, đó mới là những bước đi đầu tiên ở quy mô khiêm tốn, hình thức khiêm tốn. Duy trì, phát huy, đổi mới, sáng tạo để bứt phá là yêu cầu đặt ra cho mùa thi tiếp theo. 

Một trong những điểm mới có ý nghĩa đặc biệt trong mùa thi thứ 2 là mở rộng loại hình báo chí, mở rộng quy mô đăng tải, mở rộng quy mô giải thưởng, và tất nhiên là tham vọng sẽ lớn hơn, không chỉ “Vì một đại dương xanh” mà còn “Vì một Việt Nam xanh”. 

Cơ hội cho những ai yêu biển, cơ hội cho những ai còn ấp ủ những trang viết chưa kịp chắp bút, chưa kịp gửi đi, cơ hội cho những khát vọng còn vươn xa mãi. Còn chờ gì nữa, hãy hiện thực hóa Chỉ thị, Nghị quyết, Cam kết... của chúng ta bằng hành động trên danh dự và trách nhiệm, để giấc mơ Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và khát vọng đại dương xanh, khát vọng Việt Nam xanh trở thành hiện thực trong tương lai không xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Việt Nam xanh" nhìn từ biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO