Việt Nam tham gia thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương: Chuẩn bị tốt điều kiện và nguồn lực
(TN&MT) - Ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Với Quyết định này, Việt Nam đã thể hiện sự cam kết mạnh mẽ với các quốc gia trên thế giới và thực hiện những bước đi tiên phong trong cuộc chiến với rác thải nhựa đại dương.
Tích cực thúc đẩy hoạt động triển khai
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện Đề án. Trong thời gian qua, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao tham mưu thực hiện Quyết định 1407/QĐ-TTg nêu trên, đã chủ động phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước triển khai nhiệm vụ như Hợp tác với nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới và một số bên liên quan thực hiện 2 báo cáo nghiên cứu do quỹ ProBlue tài trợ về “Phân tích về ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam” và “Hướng tới một Lộ trình quốc gia về nhựa dùng một lần tại Việt Nam - Các lựa chọn chiến lược để giảm thiểu nhựa dùng một lần cần ưu tiên”.
Quyết định 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương gồm 6 nội dung chính: Xây dựng năng lực chuẩn bị đàm phán; Thu thập thông tin, Thiết lập cơ sở dữ liệu; Bố trí nguồn lực cho công tác chuẩn bị đàm phán; Thiết lập cơ chế điều phối; Huy động hỗ trợ trong nước và quốc tế; Tăng cường vai trò, trách nhiệm quốc gia.
Cục cũng đang xúc tiến việc xây dựng Nền tảng số về rác thải nhựa đại dương, chuẩn bị sẵn sàng để kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu khu vực và toàn cầu thông qua Nền tảng số của Quan hệ đối tác toàn cầu về rác thải đại dương (GPML) giúp tích hợp dữ liệu và kết nối các bên liên quan để hướng dẫn hành động giải quyết vấn đề toàn cầu về rác thải đại dương và ô nhiễm nhựa.
Cục cũng đã hợp tác với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về chia sẻ thông tin, cách thức thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu về rác thải nhựa đại dương của Việt Nam thông qua hình thức tham vấn kỹ thuật giữa các chuyên gia của Việt Nam và OECD. Điều này giúp Việt Nam chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, nguồn lực cần thiết và thiết lập cơ chế điều phối các bộ, ngành và địa phương liên quan trong quá trình đàm phán, tham gia thoả thuận; từ đó bảo đảm quyền và lợi ích cao nhất của quốc gia trong việc phòng, chống ô nhiễm nhựa đại dương.
Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã xây dựng Dự thảo Kế hoạch thực hiện đi sâu vào việc xây dựng các chương trình như đào tạo, tập huấn về luật pháp quốc tế; nghiên cứu phân tích đánh giá những thuận lợi, thách thức khi tham gia đàm phán; phân tích, xây dựng kịch bản đàm phán; rà soát, tổng hợp đánh giá các thỏa thuận quốc tế có liên quan đến rác thải nhựa mà Việt Nam đã tham gia.
Khởi động chương trình đàm phán
Song song với công tác chuẩn bị về điều kiện và nguồn lực trong nước, Cục Biển và Hải đảo cũng đã cử đại diện tham gia phái đoàn tham dự Phiên họp đầu tiên của Ủy ban đàm phán liên Chính phủ để xây dựng Công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa, bao gồm trong môi trường biển tại Uruguay với hơn 2.300 đại biểu từ 160 quốc gia và các Tổ chức liên quan đã tham gia. Tại Phiên họp này, sau những tuyên bố chung về thỏa thuận trong tương lai, các đại biểu đã thảo luận về: phạm vi, mục tiêu và cấu trúc của văn kiện; các yếu tố tiềm năng; các điều khoản cơ sở để xây dựng Thỏa thuận cùng với trình tự và khuyến nghị cho tiến trình thực hiện tiếp theo.
Tiến tới một bước cao hơn trong quá trình đàm phán, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) vừa qua đã triệu tập các quốc gia thành viên tham gia đàm phán một văn kiện ràng buộc pháp lý nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng về ô nhiễm nhựa (phiên họp thứ 2 tại Nghị quyết UNEP/EA.5/Res.14). Để tiếp tục tham gia việc tiến hành đàm phán, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án đề xuất việc Việt Nam tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu ô nhiễm nhựa và thành lập Ban công tác đàm phán. Ngày 15/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đồng ý chủ trương Việt Nam tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa và giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng phương án và tiến trình đàm phán.
Để thực hiện tốt hoạt động đàm phán lần này, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành cần thu thập, tổng hợp thông tin dữ liệu để xây dựng báo cáo hiện trạng ngành lĩnh vực phụ vụ xây dựng kịch bản, phương án (mức độ cam kết) cho từng nội dung, lĩnh vực; đánh giá khả năng Việt Nam tham gia cam kết thực hiện các nghĩa vụ liên quan ngành/lĩnh vực mình quản lý; chuyển cho Bộ TN&MT và phối hợp Bộ TN&MT rà soát hoàn thiện kế hoạch, phương án đàm phán tổng thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi đàm phán.