Ngày 24/9, Hội nghị Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) lần thứ 17 (CoP-17) đã khai mạc tại Johannesburg của Nam Phi.
Kiểm lâm Ấn Độ kiểm tra xác một con tê giác bị những kẻ săn trộm giết lấy sừng. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Tổng thống nước chủ nhà Jacob Zuma và đại diện 182 quốc gia thành viên của Công ước và các tổ chức bảo vệ động, thực vật hoang dã quốc tế đã tham dự Hội nghị.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn làm Trưởng đoàn tham dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma hoan nghênh sự tham dự đông đảo của các đoàn đại biểu các nước thành viên. Đây là hội nghị lần thứ tư của CITES được tổ chức tại châu Phi, kể từ khi Công ước CITES có hiệu lực vào ngày 1/7/1975.
Tổng thống Zuma đánh giá cao những đóng góp, đề xuất về những biện pháp kiểm soát buôn bán động, thực vật hoang dã quý hiếm tại Hội nghị lần này và nhấn mạnh việc săn bắn trộm, buôn bán các động vật hoang dã trái phép đã và đang ảnh hưởng đến gần 500 loài, đặc biệt các cá thể động vật hoang dã quý hiếm như voi, tê giác, sư tử…. tại châu Phi và nhiều nơi trên thế giới đang giảm sút nghiêm trọng và có nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai gần.
Tổng thống Nam Phi kêu gọi cộng đồng quốc tế, nhất là các nước thành viên CITES, cần thảo luận và đưa ra những biện pháp bảo vệ khẩn cấp và có hiệu quả đối với nhiều loài động, thực hoang dã quý hiếm tại châu Phi nói riêng và toàn thế giới nói chung trong thời gian tới.
Nhân dịp này, nước chủ nhà Nam Phi đề xuất điều chỉnh, nới lỏng một số quy định về buôn bán động vật hoang dã như ngựa vằn, trâu rừng, tê tê và một số loài động, thực vật khác đang có chiều hướng phát triển mạnh tại quốc gia miền Nam châu Phi này.
Tuy nhiên, Nam Phi sẽ không đề xuất nới lỏng buôn bán đối với các sản phẩm từ tê giác trong bối cảnh Nam Phi hiện là quốc gia có số lượng tê giác lớn nhất thế giới, chiếm 80% tổng số lượng tê giác hoang dã trên toàn thế giới, nhưng cũng là nơi các cá thể tê giác đang bị săn bắn trộm và giết nhiều nhất thế giới.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng Nam Phi, năm 2015 có hơn 1.715 cá thể tê giác đã bị giết hại và riêng 6 tháng đầu năm 2016, gần 1.000 cá thể quý hiếm này đã bị săn bắt trái phép. Đặc biệt, với vai trò là Chủ tịch COP-17, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma kêu gọi các quốc gia thành viên CITES, cộng đồng quốc tế, các Tổ chức Phi chính phủ (NGO) chung sức và dành ưu tiên cao nhất cho bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu và xây dựng "Hành tinh xanh" trong tương lai.
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam Hà Công Tuấn nêu rõ sau 22 năm là thành viên của CITES, Việt Nam đã và đang có những đóng góp tích cực cho tổ chức quốc tế này.
Trong các Hiệp định Thương mại Tự do, Việt Nam luôn cam kết tham gia giải quyết vấn đề buôn bán động, thực vật hoang dã bất hợp pháp; hợp tác để phát triển bền vững, giảm đói nghèo...
Hiện nay, Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận hợp tác về vấn đề này với Trung Quốc, Lào, Campuchia, Nam Phi, Indonesia...
Với những nỗ lực liên tục trong 10 năm qua, Việt Nam đã thực hiện thành công chiến dịch hạ thấp nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác, nhất là đã giảm được 38% trong 3 năm gần đây.
Đặc biệt, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam đã cam kết xóa bỏ mạng lưới buôn bán các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp, đồng thời kiên quyết chống các loại tội phạm liên quan đến thương mại, buôn bán các sản phẩm động vật hoang dã.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Hà Công Tuấn thông báo Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị chống buôn bán động, thực vật hoang dã quốc tế (TWT) lần thứ 17 và 18 tại thủ đô Hà Nội vào tháng 11 tới.
Theo chương trình, Hội nghị CITES lần thứ 17 sẽ kết thúc vào ngày 5/10 tới./.
Theo TTXVN