Thứ trưởng Lê Công Thành trao đổi với bà Ann Mawe - Đại sứ Thụy Điển |
Bà Ann Mawe cho biết, Nhóm lãnh đạo về Chuyển đổi công nghiệp (LeadIT) là sáng kiến do Chính phủ Thụy Điển và Chính phủ Ấn Độ đồng chủ trì nhằm hướng tới việc đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Pa-ri. Sáng kiến này được xây dựng từ năm 2019, với nhiệm vụ đẩy nhanh việc chuyển đổi trong các ngành công nghiệp nặng, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Cho đến nay, Nhóm đã có 35 thành viên, gồm 16 quốc gia và 19 doanh nghiệp hàng đầu. Từ khi sáng kiến được khởi xướng, Nhóm đã tổ chức 2 cuộc gặp cấp Bộ trưởng. Sắp tới, Nhóm sẽ tổ chức cuộc gặp cấp Bộ trưởng lần thứ 3 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. “Thụy Điển rất mong muốn Việt Nam có thể tham dự cuộc gặp này” – bà Đại sứ Ann Mawe gửi lời mời.
Theo bà Ann Mawe, khi tham gia Nhóm LeadIT, Việt Nam sẽ cùng các nước xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghiệp, nhận được hỗ trợ kỹ thuật và cập nhật các cam kết liên quan đến đổi mới kỹ thuật.
Trân trong cảm ơn bà Đại sứ, Thứ trưởng Lê Công Thành đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Điển nói chung và của Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam nói riêng trong thời gian qua đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
Các đại biểu tham dự buổi tiếp |
Theo Thứ trưởng, để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Pa-ri cũng như phục hồi xanh, ổn định và tích cực đối với nền kinh tế bền vững mới thì chuyển đổi các ngành công nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế của các quốc gia, mặc dù việc chuyển đổi này sẽ rất khó khăn đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là xu thế tất yếu để thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu.
“Do vậy, Bộ TN&MT sẽ tham vấn các cơ quan liên quan của Việt Nam và báo cáo Chính phủ Việt Nam về việc tham gia Nhóm lãnh đạo về Chuyển đổi công nghiệp” – Thứ trưởng cho hay.
Nhân dịp này, Thứ trưởng chia sẻ, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã đề ra mục tiêu: Đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Việt Nam cũng đặt ra các mục tiêu tham vọng về giảm phát thải khí nhà kính. Để Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, sự hỗ trợ từ quốc tế là rất quan trọng.
Thứ trưởng mong muốn, Thuỵ Điển và Ấn Độ sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi mô hình phát triển, thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, góp phần thực hiện các đóng góp về giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam./.