Việt Nam: Nỗ lực trong công tác trồng rừng thay thế

29/05/2018 19:59

(TN&MT) - Theo thống kê của Tổng cục Lâm Nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính đến hết tháng 4 năm 2018, công tác trồng rừng thay thế của Việt Nam...

(TN&MT) - Theo thống kê của Tổng cục Lâm Nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính đến hết tháng 4 năm 2018, công tác trồng rừng thay thế của Việt Nam về cơ bản đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
 
Việt Nam: Nỗ lực trong công tác trồng rừng thay thế
Việt Nam nỗ lực trong công tác trồng rừng thay thế

Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội khóa XIII về tăng cường công tác quản lý, quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành công trình thủy điện. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt công tác trồng rừng thay thế diện tích rừng đã bị chuyển đổi sang mục đích khác. Tính đến hết tháng 4/2018, công tác trồng rừng thay thế về cơ bản đã hoàn thành.

Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng có hiệu lực thi hành đến 31/12/2017, tổng diện tích trồng rừng thay thế trong nhóm các Dự án xây dựng công trình thủy điện là khoảng 22.300 ha thuộc 332 dự án trên phạm vi 30 tỉnh/thành.

Tổng kết đến tháng 4 năm 2018, nhóm các Dự án xây dựng công trình thủy điện, đã trồng được trên 24.800 ha rừng thay thế cho 324 dự án thủy điện tại 30 tỉnh/ thành phố, hoàn thành 110% kế hoạch đề ra. Trong đó,  diện tích rừng đã trồng đạt trên 22.200 ha, diện tích đã nộp tiền và đang tiến hành trồng rừng khoảng trên 2.500 ha.

Tuy diện tích trồng rừng thay thế vượt chỉ tiêu xấp xỉ 2.600 ha, nhưng cả nước còn 29 Dự án xây dựng công trình thủy điện tương đương với khoảng 900 ha chưa tiến hành trồng rừng thay thế. Trong đó, có các Dự án như: Dự án Thủy điện Nậm Sọi, Dự án Thủy điện Nậm Công, Dự án mặt bằng công trình Thủy điện Sơn La (tỉnh Sơn La), Dự án Thủy điện Hương Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế)…

Trong thời gian trồng rừng thay thế, có một số địa phương trở thành điểm sáng khi tiến hành trồng rừng vượt chỉ tiêu đề ra như: Lai Châu trồng vượt 2.900 ha, Thanh Hóa trồng vượt 3.600 ha, Nghệ An trồng vượt hơn 400 ha dẫn đến tổng diện tích trồng rừng thay thế tại 30 tỉnh đã cao hơn chỉ tiêu đề ra.

Như vậy, tính tổng thể trên phạm vi cả nước, đã cơ bản hoàn thành Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội khóa XIII.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam: Nỗ lực trong công tác trồng rừng thay thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO