Việt Nam nỗ lực bảo vệ tầng ô zôn

16/09/2016 00:00

(TN&MT) - Theo đánh giá của Quỹ Đa phương và Ban Thư ký ô zôn, Việt Nam luôn nằm trong số các nước thực hiện tích cực, nghiêm chỉnh Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô zôn và đạt được nhiều thành tựu. Trong tương lai, Việt Nam tiếp tục cắt giảm và loại trừ dần các chất HCFC với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), tiến tới loại trừ hoàn toàn vào năm 2030.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Từng bước quản lý, loại trừ dần HCFC

Hơn 22 năm kể từ khi tham gia Nghị định thư Montreal (năm 1994), Việt Nam đã tuân thủ đầy đủ các quy định, từng bước loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô zôn trong các lĩnh vực sản xuất xốp và làm lạnh. Đáng chú ý, với việc loại trừ hoàn toàn tiêu thụ hơn 500 tấn các chất CFC, Halon và CTC, Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc đã trao tặng cho Việt Nam “Chứng nhận hoàn thành loại trừ tiêu thụ các chất CFC, Halon và CTC theo đúng lộ trình quy định”. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã ngừng tiêu thụ 500 tấn Methyl Bromide sử dụng ngoài mục đích kiểm dịch và khử trùng hàng xuất khẩu, loại trừ hoàn toàn hơn 500 tấn HCFC-141b nguyên chất sử dụng trong lĩnh vực sản xuất xốp cách nhiệt. Qua đó, tuân thủ nghĩa vụ loại trừ 10% tổng lượng tiêu thụ các chất HCFC từ ngày 1/1/2015. Trong xây dựng chính sách, vấn đề bảo vệ tầng ô zôn đã đạt bước tiến quan trọng khi được luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam 2014.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Bộ TN&MT – cơ quan chủ trì thực hiện Nghị định thư Montreal đã đẩy mạnh việc thực hiện Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam – giai đoạn 1, chủ yếu là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi dây chuyền sản xuất sang công nghệ giảm phát thải. Trong lĩnh vực sản xuất xốp cách nhiệt, 8/11 doanh nghiệp tham gia dự án đã bắt đầu sản xuất theo công nghệ mới an toàn cho tầng ô zôn, sử dụng Cyclopentane thay cho khí HCFC-141b. 3 doanh nghiệp còn lại đang triển khai lắp đặt thiết bị và dự kiến sản xuất từ tháng 11/2016.  

Tháng 9/2016, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu phối hợp với Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) đã hoàn thành thí điểm chuyển giao công nghệ giảm phát thải trong các kho lạnh quy mô vừa và nhỏ, sử dụng môi chất lạnh có nguồn gốc tự nhiên R-290, thay thế chất R-22. Ông Riccardo Savigliano, đại diện UNIDO cho biết: Tại 4 doanh nghiệp thực hiện thí điểm, chất lượng và hiệu quả của thiết bị R-290 đã đáp ứng tất cả mong đợi của các doanh nghiệp, giúp tiết kiệm năng lượng trung bình từ 20 – 25%. Kết quả này là sự khích lệ cho ngành để áp ụng R-290 tại Việt Nam trong thời gian tới.

Ngoài ra, từ 4/8/2016, Cục KTTV&BĐKH đã chính thức đăng ký xác nhận nhập khẩu HCFC và Polyol trộn sẵn HCFC-141b theo Cơ chế Hải quan 1 cửa, giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí và thời gian khi làm các thủ tục liên quan. Nhờ đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng dễ dàng quản lý việc xuất nhập khẩu các chất HCFC theo hạn ngạch đã được quy định (giai đoạn 2015 – 2019, hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC là 3.600 tấn/năm).

Mở rộng hỗ trợ chuyển đổi công nghệ

Vừa qua, Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô zôn đã phê duyệt kinh phí 14,6 triệu USD để thực hiện giai đoạn 2 “Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC-22 của Việt Nam”. Theo Cục KTTV&BĐKH, hơn 90% kinh phí sẽ dùng để tài trợ các doanh nghiệp sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp chuyển đổi công nghệ để loại bỏ khí gas lạnh R-22, chuyển sang sử dụng R-32, R-290, cyclopentane hay HFO – các chất thay thế không làm suy giảm tầng ô zôn và thân thiện với môi trường. Mục tiêu là loại trừ 1.000 tấn HCFC trong giai đoạn 2017 – 2022.

Bên cạnh đó, lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh cũng có lượng tiêu thụ R-22 lớn, do đó, một phần kinh phí sẽ dành cho các hoạt động đào tạo giảng viên và cung cấp bộ đồ dạy nghề cho các trung tâm, trường dạy nghề điện lạnh để  chuyển đổi, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh có chứa môi chất lạnh mới. Ngoài ra, Dự án sẽ hỗ trợ về kỹ thuật và chính sách để loại trừ thành công 1.000 tấn HCFC, đảm bảo lộ trình loại trừ 35% tổng lượng tiêu thụ các chất HCFC của Việt Nam từ 1/1/2020.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục KTTV&BĐKH: Thời gian tới, Dự án sẽ triển khai đánh giá cụ thể nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp. Đây là khâu cần thiết trước khi nhân rộng dây chuyển công nghệ mới, dù các mô hình thí điểm đều cho kết quả tốt. Giảm được 1 tấn HCFC sẽ tương đương hàng nghìn tấn CO2. Nếu đạt được mục tiêu dự án, đây là đóng góp rất lớn cho việc thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong Dự kiến đống góp do Việt Nam.

Sau khi hoàn thành chuyển đổi công nghệ trong sản xuất xốp và điều hòa không khí, Việt Nam cam kết ban hành chính sách cấm sản xuất và nhập khẩu điều hòa không khí sử dụng R-22; từ năm 2022, chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu HCFC-141b trộn sẵn trong Polyol vào Việt Nam.

Ngày 15/9, Bộ TN&MT tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ô zôn tại TP. Hồ Chí Minh. Lễ kỷ niệm gồm nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường và tầng ô zôn – tấm lá chắn của Trái đất trước các tia cực tím nguy hại. Điểm nhấn là Triển lãm tranh của hơn 700  học sinh và trao giải Cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Thế giới chung tay khôi phục tầng ô zôn và khí hậu”.

Bài và ảnh: Khánh Ly

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam nỗ lực bảo vệ tầng ô zôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO