Nếu năm 2001, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc chỉ 210 triệu USD và đến năm 2012, kim ngạch nhập siêu đã lên đến 16 tỷ USD. Theo Bộ Công Thương, Việt Nam nhập siêu lớn nhất từ Trung Quốc, tiếp đó là ASEAN và Hàn Quốc.
Tại Hội nghị Quán triệt và hướng dẫn triển khai chiến lược tham gia các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đến năm 2020, do Bộ Công Thương vừa tổ chức, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết: Việc tham gia hội nhập ngày càng sâu và ký kết các hiệp định tự do trên đã góp phần đưa thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các đối tác đã có FTA đã tăng cao, chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong đó 50% kim ngạch xuất khẩu và gần 70% kim ngạch nhập khẩu.
Còn ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng việc tham gia FTA đã góp phần mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2011 và 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN tăng tương ứng 30,7% và 27%, sang Nhật bản là 39,5% và 25%, Trung Quốc là 52% và 17%, sang Hàn Quốc là 52,5% và 18%.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ trở thành “thị trường tiềm năng” cho xuất khẩu hàng hóa của các nước tham gia FTA khi nhập khẩu cũng có những diễn biến tăng trưởng nhanh sau khi nước ta gia nhập WTO và ký kết các FTA.
Hàng nhập từ Trung Quốc xuất hiện tại hầu khắp các thị trường của Việt Nam (Ảnh: NLĐ)
Số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam nhập siêu lớn nhất từ Trung Quốc, tiếp đó là ASEAN và Hàn Quốc. Nếu như năm 2001, nhập siêu từ Trung Quốc chỉ là 210 triệu USD và đến năm 2012, kim ngạch nhập siêu đã lên đến 16 tỷ USD (Con số này cho thấy, sau 10 năm, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng tới 76,19 lần-PV).
Đối với Hàn Quốc, tốc độ tăng thâm hụt thương mại của Việt Nam với Hàn Quốc cũng tăng từ mức trung bình 13,6% giai đoạn 2003- 2006 lên 21,8% giai đoạn 2007- 2010.
Theo nhiều chuyên gia, thời gian qua, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết các cam kết FTA. Bởi lẽ, có nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vốn đã hưởng mức thuế suất thấp hoặc 0% như nguyên liệu thô, nông sản… trong khi đó, các mặt hàng máy móc, thiết bị, điện tử là đối tượng được hưởng ưu đãi còn chiếm tỷ trọng thấp trong xuất khẩu của Việt Nam. Chi phí, thủ tục hành chính để xin cấp C/O còn phức tạp, mất thời gian.
Mặt khác, doanh nghiệp không cập nhật được hoặc không nắm được lộ trình xóa bỏ thuế quan trong các FTA. Một số nhà sản xuất, nhà xuất khẩu còn không nắm được các tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa, công đoạn gia công chế biến cụ thể mà chỉ biết tiêu chí hàm lượng giá trị gia tăng truyền thống. Vì vậy, việc tận dụng tốt các ưu đãi và cơ hội phát triển do các FTA đem lại là điều rất quan trọng.
Xuân Thân/VOV online