Gặp gỡ ông trong một buổi chiều mùa đông ấm áp, khi nắng vàng hanh hao chiếu xuyên qua ô cửa sổ ở căn phòng nhỏ - nơi ông và vợ mở một lớp học Tiếng Anh tình nguyện cho các cán bộ trẻ ở Bộ TN&MT, chúng tôi cảm thấy như được trò chuyện với một người vô cùng thân thiết trong gia đình. Trong ánh mắt của vị chuyên gia gần 70 tuổi ấy, lấp lánh niềm vui, sự xúc động khi những kỷ niệm của quá khứ ùa về cùng những đau đáu khi ngẫm suy về những việc mà ngành TN&MT cần làm phía trước.
Tiến sĩ Michael Parsons - chuyên gia tư vấn chính sách của Bộ TN&MT |
PV: Xin được gọi quá trình làm việc và công tác ở Việt Nam, đặc biệt là ở Bộ TN&MT của ông bằng một chữ “duyên”. Vậy cơ duyên nào đã khiến ông đến và gắn bó với Việt Nam sâu sắc đến vậy?
TS. Michael Parsons:
Tôi đã từng làm việc ở nhiều quốc gia. Tôi đến với Việt Nam sau khi rời công việc Chuyên gia tư vấn cấp cao cho Văn phòng Thủ tướng ở Timo - Leste.
Tôi đến Việt Nam vào năm 2007, được tuyển bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) và Bộ TN&MT. Tôi đảm nhận chức vụ chuyên gia tư vấn cấp cao cho Dự án Môi trường và Xóa đói giảm nghèo của Bộ TN&MT. Ở thời điểm đó, tôi làm việc tại Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT. Đến năm 2009, dự án hoàn thành, tôi quay lại Úc. Năm 2010, tôi trở lại Việt Nam tiếp tục hợp tác với Viện Chiến lược, chủ yếu để ban hành các tài liệu về biến đổi khí hậu. Năm 2011, tôi tình nguyện quay lại Việt Nam để phát triển nhân lực của Viện. Năm 2016, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã mời tôi về làm việc tại Vụ Pháp chế của Bộ TN&MT. Đến nay, tôi tiếp tục làm tư vấn chính sách cho Bộ trưởng.
Tôi gắn bó với Việt Nam không chỉ ở góc độ công việc, mà trước đó, tôi đã dành rất nhiều tình cảm cho Việt Nam. Tôi còn nhớ, năm 1966, khi 15 tuổi, tôi đã phản đối việc Úc hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến tranh với Việt Nam. Tôi tham gia biểu tình phản đối chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Johnson tới Úc để vận động người dân tham gia cuộc chiến này.
Khi 19 tuổi, tôi trở thành người dẫn đầu phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam tại trường đại học, phản đối việc đăng ký nghĩa vụ quân sự bắt buộc vào lúc đó mà hình phạt cho việc phản đối này có thể lên đến 2 năm tù. Tuy vậy, tôi đã không bị bắt nhờ sự ủng hộ của người dân Úc với phong trào phản đối chiến tranh. Về sau, chính quyền Úc đã thay đổi chính sách liên quan đến cuộc chiến này. Có một 1 bức ảnh có tôi trong cuộc biểu tình này hiện đang được trưng bày trong bảo tàng chiến tranh của Úc. Sau này, tôi muốn làm một chút gì đó để bù đắp cho Việt Nam. Tôi luôn nhớ và giữ điều này trong tim.
PV: Vậy là tình cảm với Việt Nam đã được ông gìn giữ từ suốt những tháng năm của tuổi trẻ. Đến Việt Nam sinh sống và làm việc hơn 10 năm qua với vai trò là chuyên gia tư vấn chính sách, theo ông, đâu là dấu ấn quan trọng nhất về chính sách bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam?
TS. Michael Parsons:
Theo tôi, có hai đóng góp quan trọng, đó là các chính sách môi trường quốc tế và phát triển chính sách môi trường trong nước.
Đối với chính sách quốc tế, nổi lên là ứng phó với biến đổi khí hậu và chống rác thải nhựa đại dương.
Về biến đổi khí hậu, các bạn ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực của Liên Hợp Quốc. Việt Nam là “bạn tốt” của Liên Hợp Quốc vì thấy được sự thống nhất quốc tế là một yếu tố quan trọng của các thỏa thuận đa phương. Việt Nam đã tham gia Thỏa thuận Paris về ứng phó biến đổi khí hậu và những thỏa thuận khác về môi trường như Nghị định thư Montreal...
Về chống rác thải nhựa đại dương, ở Hội nghị G7 tại Canada, Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất một cơ chế hợp tác toàn cầu mới để đối phó với vấn đề rác thải nhựa đại dương. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thể hiện vai trò dẫn đầu trong vấn đề này, hành động mạnh mẽ để bảo vệ hành tinh của chúng ta.
Ở trong nước, Việt Nam đã có những bộ luật đủ mạnh liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu. Vấn đề hiện nay làm sao để mọi người tuân thủ và thực thi pháp luật. Tất nhiên, việc thi hành pháp luật là rất khó trong khi đất nước đang phát triển. Điều này phụ thuộc nhiều vào nhận thức của người dân.
Để giải quyết các vấn đề về môi trường ở Việt Nam hiện nay, tôi cho rằng, điều quan trọng là nâng cao nhận thức của người dân và biến nhận thức đó thành hành động. Các bạn phàn nàn về tình trạng rác thải gây ô nhiễm, nhưng vẫn vứt rác và đưa đi chôn lấp. Tại sao không làm gì với rác? Ở đất nước tôi và các nước lân cận, chúng tôi luôn phân loại rác để dễ tái chế hơn. Ở Việt Nam điều này chưa phổ biến. Việc trộn lẫn các loại rác với nhau sẽ rất khó. Chúng ta có thể học hỏi một số kinh nghiệm từ Hàn Quốc và áp dụng vào Việt Nam trong vấn đề này.
Việc nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế và chuyển đổi có thể áp dụng tại Việt Nam là công việc tôi đang thực hiện cùng các đồng nghiệp. Chúng tôi cố gắng đưa ra các tư vấn chính sách cho Bộ trưởng đảm bảo thực tiễn và khả thi.
Vợ chồng TS. Michael Parsons |
PV: Với vai trò là một chuyên gia tư vấn chính sách cho Bộ TN&MT, Bộ đã lắng nghe, tích hợp những đề xuất của ông như thế nào? Theo ông, làm thế nào để khuyến khích các chuyên gia nước ngoài có đóng góp nhiều hơn, gắn bó hơn với Việt Nam nói chung và ngành TN&MT nói riêng?
TS. Michael Parsons:
Tôi cho rằng, việc tôi là cố vấn chính sách đã là một sự khích lệ cho những chuyên gia quốc tế đến với Bộ TN&MT. Họ không nghĩ rằng sẽ gặp một người nước ngoài ở đây và là cố vấn chính sách cho Bộ trưởng. Tôi giúp họ thấy rằng, ở đây, họ được lắng nghe và cởi mở hơn với các nhà cố vấn chính sách. Riêng điều này đã làm họ cảm thấy thoải mái để làm việc tại Việt Nam nói chung và hợp tác với Bộ TN&MT nói riêng.
Tôi muốn chia sẻ rằng, khi tôi làm việc ở Bộ TN&MT, Bộ trưởng luôn luôn cởi mở và mong muốn lắng nghe những ý tưởng, những đề xuất mới của chúng tôi để giải quyết những vấn đề TN&MT đã được nhận diện. Thách thức mà tôi gặp phải là tiếp tục nắm bắt chức năng, nhiệm vụ ngày càng mở rộng của Bộ TN&MT.
Ví dụ, Bộ TN&MT được Thủ tướng Chính phủ giao là đầu mối thống nhất quản lý chất thải rắn mà trước đây được giao cho nhiều Bộ khác. Tôi đã và đang tham gia vào nhóm công tác về quản lý chất thải rắn nhằm tìm ra phương án khác nhau để xử lý vấn đề này. Chúng tôi đang cùng nhau hoàn thiện một báo cáo để trình lên Thủ tướng Chính phủ đề xuất giải pháp quản lý tổng hợp về chất thải rắn, phù hợp với các chính sách quốc tế. Chúng tôi cũng đang trong quá trình đánh giá lại Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Đây cũng là cơ hội để sửa đổi các quy định về quản lý chất thải rắn trong Luật.
Tôi cũng có cơ hội làm việc cùng Tổng cục Quản lý đất đai để hỗ trợ về chính sách liên quan đến quy hoạch; tôi cũng hợp tác hỗ trợ các đơn vị khác của Bộ như Cục Biến đổi khí hậu, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam…
PV: Chúng ta đang ở trong thời khắc rất ý nghĩa với mỗi người dân Việt, khi Tết Nguyên đán cận kề. Tết Việt như thế nào, trong cảm nhận của ông?
TS. Michael Parsons:
Gia đình tôi đã đón 11 cái Tết ở Việt Nam và năm nay là lần thứ 12. Vậy là đủ 12 năm cho 12 con giáp.
Chúng tôi đã đón Tết ở Hà Nội và các thành phố khác ở Việt Nam. Chúng tôi đón Tết tới 2 lần tại Thái Bình và có cơ hội được tự tay gói những chiếc bánh chưng của mình. Còn Tết ở Hà Nội rất đáng yêu. Hà Nội vào Tết rất bình yên.
Vào dịp Tết, gia đình tôi thường mua cành đào hoặc mai để bày trong nhà. Đặc biệt, chúng tôi luôn đón xem chương trình hài Táo quân vào đêm giao thừa. Ngày mùng Một, chúng tôi sẽ đi thăm bạn bè.
Chúng tôi cũng cảm nhận được sự thay đổi của Tết qua các năm. Như về phong tục thả cá vào ngày 23 tháng Chạp. Ngày trước, mọi người thả cả cá và túi ni lông. Ngày nay, các em học sinh và mọi người đã được tuyên truyền về việc chỉ thả cá và không vứt túi xuống hồ. Đó là một thay đổi rất tích cực. Nó cho thấy sự ủng hộ của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ môi trường.
PV: Nhân dịp năm mới sắp đến, kính chúc Tiến sĩ và gia đình luôn mạnh khỏe, có nhiều niềm vui, hạnh phúc khi sống trên đất nước Việt Nam và làm việc tại Bộ TN&MT.
Trân trọng cảm ơn ông!