Sự kiện nhằm nêu bật những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP26. Bên cạnh đó, sự kiện cũng chia sẻ những hỗ trợ của Chính phủ CHLB Đức, UNDP và Ngân hàng HSBC, đại diện các đối tác phát triển nhằm giúp Việt Nam thực hiện các hành động khí hậu.
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết, sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các đối tác phát triển, trong đó, có thành viên của Đối tác Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDCP).
Đầu năm nay, Chính phủ đã thông qua Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu cho giai đoạn đến năm 2050 đã được thông báo vào tháng 7 năm nay. Ngày 8/11/2022, Việt Nam đã đệ trình NDC cập nhật lần thứ 2 tới Liên Hợp Quốc, phản ánh những cam kết mạnh mẽ tại COP26 bao gồm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2060; giảm 30% phát thải khí mê-tan so với năm 2020, tăng cường các nỗ lực thích ứng với BĐKH…
Đại diện Cục Biến đổi khí hậu đã chia sẻ về những nỗ lực của Việt Nam sau Hội nghị COP26, trong đó, có việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; ban hành các chiến lược, chính sách trong năm 2022, lộ trình giảm phát thải khí nhà kính từ nay tới 2050…
Ông Till Tibbe, đại diện Bộ Kinh tế và Hành động khí hậu CHLB Đức đã chia sẻ về lộ trình đạt phát thải ròng bằng ‘0” vào năm 2050 của Đức và về Quỹ sáng kiến khí hậu (IKI); các nội dung IKI ưu tiên hỗ trợ NDC bao gồm việc thực hiện NDC cập nhật, chiến lược phát triển phát thải thấp dài hạn. Chiến lược về giới mới cũng là một trong những ưu tiên của IKI.
Ngoài ra, ông Till Tibbe cũng nhấn mạnh về các hoạt động cụ thể mà IKI hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết tại COP26. Việt Nam là 1 trong những đối tác quan trọng của IKI, với 11 dự án đã hoàn thành, 7 dự án đang thực hiện. Dự kiến, hai bên sẽ cùng triển khai thêm 2 dự án mới trong tương lai.
Đại diện UNDP, bà Susanne Olbrisch cho biết: Cùng với GIZ, IKI, UNDP đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, NDC năm 2015, NDC cập nhật năm 2020 và 2022; hỗ trợ cộng đồng ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu; đào tạo người nông dân dễ bị tổn thương với BĐKH tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH. Bên cạnh đó, UNDP còn hỗ trợ Việt Nam triển khai các giải pháp đột phá thực hiện lộ trình phát thải thấp.
Ông Justin Wu, Giám đốc quản lý, đồng chủ trì các chương trình liên quan đến Biến đổi khí hậu của HSBC khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết: Ngân hàng HSBC cũng đã cam kết hỗ trợ Việt Nam huy động trực tiếp và gián tiếp lên đến 12 tỷ USD vào năm 2030 để tài trợ cho lộ trình đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”. Ngân hàng sẽ huy động vốn từ các thị trường tài chính trong nước và quốc tế để cung cấp nhiều giải pháp bền vững về tài chính xanh, tài chính nợ, chuỗi cung ứng, thương mại và các sản phẩm đầu tư.
Tại sự kiện, các đại biểu đã cùng thảo luận về quá trình phối hợp hỗ trợ của các thành viên Đối tác NDC và bài học kinh nghiệm. Phó Cục trưởng Phạm Văn Tấn cũng đề nghị các bên phối hợp xây dựng nội dung hợp tác triển khai thực hiện NDC cập nhật 2022 của Việt Nam.