Việt Nam - Hoa Kỳ, hàn gắn và kiến tạo

Mai Thắng| 11/07/2020 22:14

(TN&MT) - Mỹ đã từng được coi là “kẻ thù của Việt Nam” trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc Việt ở thế kỷ XX. Vậy mà sau ¼ thế kỷ, giữa hai dân tộc, hai chính phủ đã trở thành bầu bạn, hợp tác và gắn kết. Có được thành tựu ấy, trước hết phải kể đến công lao to lớn và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đã chủ động hàn gắn vết thương chiến tranh và hợp tác trên niềm tin tương lai tươi sáng với nguyên tắc “hàn gắn và kiến tạo”. Nói cách khác là “khép lại quá khứ, mở rộng tương lai".

Ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bil Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam

Quá khứ đau thương đã thuộc về lịch sử

Cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc Việt Nam đã đi vào lùi vào quá khứ 45 năm. 45 năm - một quãng thời gian khá dài để có thể xóa dần những mất mát đau thương do chiến tranh để lại.

45 năm nhìn lại, không chỉ người Việt Nam mà ngay cả người Mỹ, đặc biệt là những chiến binh Mỹ - những người đã trực tiếp cầm súng chĩa vào trái tim lính Việt giữa chiến trường khốc liệt vẫn thừa nhận rằng: “Chiến trường Việt Nam là vũng lầy của quân đội Mỹ”. Trong “vũng lầy” ấy là hàng triệu tấn đạn bom mà chính phủ Mỹ đã “rải, xả” xuống nhiều miền đất nước của Tổ quốc Việt. Trong “ vũng lầy” ấy trộn nhiều máu, xương cốt của bộ đội Việt Nam và chiến binh Mỹ.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Bill Clinton vào năm 2000. Ảnh: TTXVN

45 năm qua, vết tích chiến tranh mà quân đội Mỹ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam vẫn hiển hiện bằng hàng vạn, hàng ngàn những mảnh đời da cam. Trên 3 miền Bắc - Trung - Nam của đất Việt hiện nay đang có hàng vạn em bé, người già, thanh niên đang mang trong mình chất độc da cam, mà chính quyền Mỹ lúc đó cho quân lính rải xuống Việt Nam để hủy diệt cộng sản trong những năm chiến tranh tại Việt Nam.

Chiến tranh đã khép lại, lịch sử tồn tại với tư cách ghi chép và lưu truyền. Lịch sử không quên những đau thương tàn khốc của cuộc chiến tranh, song nó sẽ dần được xóa nhòa theo thời gian. Nói cách khác, cuộc chiến tranh ở Việt Nam do quân đội Mỹ gây ra đã khép lại 45 năm. Và đã mở ra một “chân trời mới”, đó là việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa  hai dân tộc, hai nhà nước, hai đảng và hai quân đội.

“Cuộc đổi đời” giữa hai dân tộc

Sau năm 1975, tức là sau khi  dân tộc Việt Nam hoàn toàn độc lập, tiếng đạn bom chấm dứt trên chiến trường, thì quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ rơi vào trạng thái “căng thẳng dâu dài”. Điều đó cũng dễ hiểu. Bởi một bên là dân tộc bị xâm chiếm, một bên là ngoại bang đi đánh chiếm và được coi là “giặc Mỹ”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Tuấn Anh

Ngày 30/4/1975, dân tộc Việt Nam hoàn toàn thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, giang sơn thu về một mối, thì cũng chính ngày ấy, Chính phủ Hoa Kỳ áp dụng lệnh cấm vận thương mại đối với toàn bộ Việt Nam. Trước đó, Hoa Kỳ đã áp dụng lệnh này đối với miền Bắc Việt Nam từ năm 1964.

Từ năm 1975 đến đầu năm 1994, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ luôn rơi vào “trạng thái căng thẳng”. Trong khi đó Việt Nam luôn mong muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ với phương thức ngọai giao “đối ngoại đa phương, song phương”.

Để có ngày 11 tháng 7 năm 1995, khi Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bỏ hoàn toàn cấm vận Việt Nam và lập cơ quan liên lạc giữa hai nước, những cựu chiến binh Việt Nam đã hi sinh một phần hạnh phúc riêng tư riêng mình để “hàn gắn vết thương chiến tranh”, và đấu tranh đòi công lý. Đứng đầu cuộc đòi công lý cho những tổn thất đau thương về di họa chiến tranh do Mỹ gây ra là bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước.

Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm lịch sử tháng 7/2013. Hai bên tuyên bố hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Ảnh: TTXVN

Sau 3 năm kể từ ngày Hoa Kỳ tuyên bố bỏ cấm vận Việt Nam, lần đầu tiên Hoa Kỳ tổ chức hội thảo “Nhìn lại chiến tranh ở Việt Nam” đầu năm 1988. Đây là cuộc hội thảo nhằm thống kê, tìm kiếm đầy đủ những quân nhân Mỹ đã tham chiến và mất tích trên chiến trường Việt Nam. Sau đó, Mỹ tiếp tục tổ chức 133 hội thảo khác với những tên gọi khác nhau, nhưng chung một mục đích là “Hàn gắn chiến tranh, kiến tạo tương lai”. Tại những lần hội thảo, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã bàn nhiều biện pháp về tìm kiếm chiến binh Mỹ đã hi sinh tại chiến trường Việt Nam; Giải quyết hậu họa da cam sau chiến tranh, bồi thường thiệt hại cho những nạn nhân da cam do Mỹ gây ra, và hoạt động thương mại đầu tư…

Từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hoa quan hệ đối ngoại, giữa chính phủ, đảng hai nước, hai dân tộc đã có những bước đi quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế thương mại và đối ngoại chính trị.

Tháng 11 năm 2000, lần đầu tiên, Tổng thống một cường quốc hùng mạnh nhất thế giới, mà chiến binh nước đó được coi là “kẻ thù của Việt Nam” trong chiến tranh lại thăm đất nước mà chính họ dã tâm xâm lược. Sự kiện Tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm chính thức Việt Nam đã mở ra chân trời mới cho hoạt động thương mại, đối tác chiến lược, giao lưu đối ngoại, hoạt động chính thể chính trị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Đây cũng được coi là “nấc thang” để khép lại quá khứ, kiến tạo tương lai.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm của ông Trump tới Việt Nam vào năm 2019 để dự hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Ảnh: TTXVN

Kỷ niệm 25 năm ngày  Việt Nam - Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao (12/7/1995-12/7/2020), mỗi người Việt Nam đều có quyền tự hào hãnh diện rằng, khép lại quá khứ đau thương, bình thường hóa quan hệ, hướng tới chân trời tương lai mới là nguyện vọng và tinh thần nhân ái truyền thống của người Việt. Và đó cũng chính là cuộc “hàn gắn và kiến tạo” mang tầm vóc thời đại, được chính phủ hai nước đồng thuận, nhân dân hai nước hài lòng, bầu bạn thế giới ngưỡng mộ khâm phục. Từ chỗ từng là “kẻ thù của nhau”, giờ đây là bầu bạn hữu nghị thắm thiết, cùng nắm tay nhau đi trên con đường mới- con đường của tình hữu nghị hợp tác toàn diện, đối tác và tin tưởng./.

Tổng thống Mỹ Obama trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam vào năm 2016. Ảnh: TTXVN

 

“Hành trình” sự kiện hoạt động giữa hai nước Việt Nam- Hoa Kỳ

Ngày 30/04/1975:  Hoa Kỳ áp dụng lệnh cấm vận thương mại đối với toàn bộ Việt Nam sau khi áp dụng lệnh này đối với miền Bắc Việt Nam từ năm 1964.

Ngày 01 - 03/08/1987: Đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ, Tướng John Vessey lần đầu tiên thăm Việt Nam để trao đổi các vấn đề nhân đạo mà 2 bên cùng quan tâm.

Ngày 29 - 31/09/1988: Tướng Hoa Kỳ John Vessey thăm Việt Nam lần thứ 2 để trao đổi các vấn đề nhân đạo mà 2 bên cùng quan tâm.

Ngày 29/09/1990: Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ James Baker tại New York.

Ngày 09/4/1991: Chính phủ Hoa Kỳ đề xuất với Chính phủ Việt Nam “Lộ trình 4 bước” bình thường hóa quan hệ. 

Ngày 11/11/1991: Chính phủ Hoa Kỳ chính thức cho phép khách du lịch, cựu chiến binh, nhà báo, doanh nhân Hoa Kỳ thăm Việt Nam.

Ngày 14/12/1992: Tổng thống Hoa Kỳ George H. W. Bush cho phép các công ty Hoa Kỳ có thể mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và ký các hợp đồng sau khi lệnh cấm vận thương mại được bãi bỏ.

Ngày 25/4/1993: Công ty Tư vấn Vatico, Công ty Hoa Kỳ đầu tiên mở văn phòng tại Việt Nam.

Ngày 02/07/1993: Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton ủy quyền cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế tái tài trợ cho Việt Nam số tiền 140 triệu USD, mở đường cho việc các Tổ chức quốc tế hỗ trợ tài chính cho Việt Nam.

Ngày 14/09/1993: Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton cho phép các công ty Hoa Kỳ tham dự vào một số dự án phát triển được quốc tế tài trợ tại Việt Nam.

Ngày 03/02/1994: Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton thông báo quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam.

Ngày 28/01/1995: Hai nước mở Văn phòng liên lạc

Ngày 11/07/1995: Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.

Ngày 05/08/1995: Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Warren Christopher khánh thành Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Ngoại trưởng Hoa Kỳ.

Tháng 5/1997: Hai nước trao đổi Đại sứ: ông Lê Văn Bàng trở thành Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Hoa Kỳ và ông Douglas Peterson trở thành Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam

Ngày 11/3/1998: Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton quyết định bãi bỏ áp dụng điều khoản Jackson- Vanik đối với Việt Nam.

Ngày 01/10/1998: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm thăm Hoa Kỳ.

Tháng 01/1999: Việt Nam dành Quy chế tối huệ quốc đối với các công ty Hoa Kỳ làm ăn ở Việt Nam mặc dù 2 nước vẫn chưa có Hiệp định thương mại song phương.

Ngày 19/6/2000: Hoa Kỳ cam kết viện trợ nhân đạo trị giá 1,7 triệu USD giúp Việt Nam tìm kiếm và phá hủy bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Ngày 13/7/2000: Hai nước ký kết Hiệp định thương mại song phương sau 25 năm kết thúc cuộc chiến.

Ngày 16 - 19/11/2000: Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton thăm chính thức Việt Nam.

Ngày 02 - 06/07/2001: Việt Nam và Hoa Kỳ đồng ý tiến hành 2 dự án nghiên cứu về tác hại chất độc da cam.

Ngày 08/10/2001: Thượng viện Hoa kỳ thông qua Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ.

Ngày 10/10/2001: Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Tâm Chiến trình quốc thư lên Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush.

Ngày 18/10/2001: Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush ký thông qua Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ.

Ngày 24/11/2001: Quốc hội Việt Nam thông qua Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ.

Ngày 10/12/2001: Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ có hiệu lực sau khi Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Zoellick trao đổi thư chấp thuận.

Ngày 02/04/2004: Thành lập Nhóm Những người bạn Việt Nam tại Quốc hội Hoa Kỳ.

Ngày 09/12/2004: Hãng hàng không United Airlines (Hoa Kỳ) có chuyến bay trực tiếp đầu tiên từ Hoa Kỳ tới Việt Nam.

Ngày 19 – 25/06/2005: Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải thăm chính thức Hoa Kỳ.

Ngày 31/05/2006: Ký kết hiệp định thương mại song phương về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Ngày 17 – 20/11/2006: Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC 2006.

Ngày 08/12/2006: Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Luật dành Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam. Dự luật trên sau đó đã được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua ngày 9/12/2006

Ngày 18 – 23/06/2007: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức Hoa Kỳ.

Ngày 22/01/2008: Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Công Phụng trình quốc thư lên Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush.

Ngày 23 - 26/06/2008: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Hoa Kỳ.

Ngày 07/07/2011: Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Cường trình quốc thư lên Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.

Ngày 24 - 26/07/2013: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Hoa Kỳ.

Ngày 25/07/2013: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama tuyên bố hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện.

Ngày 02/10/2014: Hoa Kỳ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam.

Ngày 23/02/2015: Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh trình quốc thư lên Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.

Ngày 01/06/2015: Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ ký tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ.

Ngày 06 - 10/07/2015: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ, hai nước ra Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.

Ngày 31/08 - 09/09/2015: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm chính thức Hoa Kỳ.

 Ngày 23/05/2016, Tổng thống Barack Obama tuyên bố Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam.

Ngày 22 - 24/05/2016: Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Ngày 29 - 31/05/2017: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Hoa Kỳ.

Ngày 11 - 12/11/2017: Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017.

Ngày 5 - 9/3/2018: Tàu sân bay Hoa Kỳ Carl Vinson thăm Việt Nam, tại cảng Đà Nẵng.

Ngày 17/9/2018: Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc trình quốc thư lên Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Ngày 27/2/2019: Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tiếp và hội đàm với Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Donald Trump dịp Việt Nam tổ chức Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội.

Ngày 5 - 9/3/2020: Tàu sân bay Hoa Kỳ Theodore Roosevelt thăm Việt Nam, tại cảng Đà Nẵng.         

Ngày 6/5/2020: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về hợp tác song phương và phối hợp phòng chống dịch COVID-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam - Hoa Kỳ, hàn gắn và kiến tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO