Việt Nam tham gia IAEA từ năm 1978, trong đó đã 3 lần được bầu làm thành viên Hội đồng Thống đốc.
Ngày 23/9, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) niên khóa 2013 - 2014 tại trụ sở Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế ở Viene, Cộng hòa Áo, 35 nước thành viên Hội đồng đã nhất trí bầu Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng cho niên khóa này.
Trước đó, ngày 19/9, tại Khóa họp 57 Đại Hội đồng Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, các nước thành viên đã đồng thuận bầu Việt Nam và 10 nước khác làm thành viên Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế nhiệm kỳ 2013 - 2015.
Tại phiên họp, Đại sứ Nguyễn Thiệp, thành viên Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Thống đốc đã cảm ơn sự tin tưởng và ủng hộ của các nước thành viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế dành cho Việt Nam. Việc Việt Nam lần đầu đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội đồng Thống đốc đánh dấu sự trưởng thành rõ rệt của Việt Nam tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và các diễn đàn đa phương, đồng thời là một bước tiến mới thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế chủ động và tích cực của Việt Nam.
Ngày đầu tiên của Khóa họp 57 Đại hội đồng IAEA tại Viên, Áo, ngày 16/9 (Ảnh IAEA)
Đại sứ Nguyễn Thiệp khẳng định, với chương trình Điện hạt nhân đang được triển khai ở Việt Nam, việc tham gia và làm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc chắc chắn sẽ là cơ hội để Việt Nam đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, thể hiện chính sách nhất quán của mình về việc thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình cũng như chủ trương chống phổ biến vũ khí hạt nhân tiến tới giải trừ hoàn toàn và triệt để vũ khí hạt nhân.
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), một tổ chức quốc tế liên chính phủ, thành lập năm 1957 đóng vai trò trung tâm trong hợp tác quốc tế để thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, nâng cao đời sống người dân, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường.
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đồng thời cũng có chức năng kiểm soát, ngăn ngừa việc phổ biến vũ khí hạt nhân, bảo đảm để việc sử dụng nguồn năng lượng này không phục vụ cho mục đích quân sự, tăng cường an ninh và an toàn hạt nhân thông qua việc xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh, an toàn hạt nhân, triển khai thực hiện các quy định về thanh sát hạt nhân.
Gần đây, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế còn giữ vị trí hàng đầu trong bảo đảm an toàn hạt nhân, xây dựng và thực hiện các Quy định, Quy tắc ứng xử, chỉ dẫn trong lĩnh vực này cũng như hỗ trợ các nước thực hiện Kế hoạch hành động về an ninh hạt nhân đã được thông qua vào tháng 9/2011.
Hội đồng Thống đốc, với 35 thành viên, trong đó nhiều nước có công nghệ hạt nhân tiên tiến, là cơ quan hoạch định chính sách của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, thông qua các cuộc họp thường kỳ trong năm, xem xét các hoạt động của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế dưới sự điều hành của ông Tổng Giám đốc. Hội đồng Thống đốc có chức năng bổ nhiệm Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, thảo luận, ra quyết định về chương trình hoạt động của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, thúc đẩy thực hiện Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), phê duyệt các Hiệp định bảo đảm (Safeguards Agreements) và Nghị định thư bổ sung do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế ký với các nước thông qua các tiêu chuẩn về an toàn, an ninh hạt nhân, thúc đẩy hợp tác kỹ thuật giữa Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và các nước, đề xuất ngân sách để Đại Hội đồng thông qua…
Việt Nam tham gia Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế từ năm 1978, trong đó đã 3 lần được bầu làm thành viên Hội đồng Thống đốc (1991-1993; 1997-1999; 2003-2005) với những tham gia, đóng góp tích cực vào công việc của Hội đồng Thống đốc được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và các nước đánh giá cao. Sự tham gia của Việt Nam đã góp phần thúc đẩy hợp tác giữa Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và Việt Nam nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình ở Việt Nam.
Theo Bộ Ngoại giao