Việt Nam còn đón bao nhiêu cơn bão từ nay đến cuối năm 2020?

Tuyết Chinh| 18/11/2020 23:05

(TN&MT) - Dự báo từ nay đến cuối năm 2020, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 1-2 cơn bão/áp thấp nhiệt đới và có thể ảnh hưởng trực tiếp đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam.

Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia vừa phát đi bản tin dự báo hạn dài từ nửa cuối tháng 11/2020 đến tháng 5/2021. Theo bản tin, xu thế nhiệt độ mặt nước biển tiếp tục lạnh đi và hiện tượng La Nina đã xuất hiện; dự báo hiện tượng La Nina sẽ tiếp tục duy trì từ nay cho tới những tháng đầu năm 2021.

Từ nay cho tới hết năm 2020, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 1-2 cơn bão/ATNĐ và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam.

Ảnh minh hoạ

Cơ quan khí tượng cảnh báo, cần tiếp tục đề phòng gió mạnh trên biển do tác động không khí lạnh (KKL) trên khu vực phía Bắc và Giữa Biển Đông vào các tháng chính của mùa Đông năm 2020-2021. Đồng thời, đề phòng các đợt mưa vừa, mưa to tại các tỉnh Trung Bộ từ nửa cuối tháng 11 đến tháng 12/2020.

Mùa đông năm nay băng giá sẽ lại xuất hiện

Theo đơn vị dự báo, tháng 12/2020, tháng 5/2021 trên phạm vi toàn quốc nhiệt độ phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Tháng 1/2021, tại khu vực Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng nhiệt độ thấp hơn từ 0,5-1 độ so với TBNN, các khu vực khác phổ biến xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.

Tháng 2/2021 chỉ riêng khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế nhiệt độ có khả năng thấp hơn từ 0,5-1 độ so với TBNN, các khu vực khác phổ biến xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.

Tháng 3-4/2021 khu vực Bắc và Trung Trung Bộ thấp hơn từ 0,5-1 độ so với TBNN, khu vực khác phổ biến xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.

Miền Bắc đón mùa đông rét, nhiệt độ thấp hơn 0,5 - 1 độ so với TBNN. Ảnh minh hoạ

Các đợt rét đậm, rét hại xảy ra trong thời kỳ từ nửa cuối tháng 12/2020 đến tháng 2/2021, tập trung trong tháng 1/2021 và có khả năng kéo dài từ 7-10 ngày, kéo dài hơn ở các tỉnh vùng vùng núi phía Bắc. Đề phòng các hiện tượng băng giá và sương muối trong các tháng chính của mùa Đông 2020-2021.

Lượng mưa phổ biến thấp hơn TBNN

Về lượng mưa, ở khu vực Bắc Bộ nguồn nước tháng 12/2020 trên các lưu vực sông phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN; riêng sông Thao, hạ lưu sông Lô và sông Hồng thiếu hụt từ 20-60%. Từ tháng 1-5/2021, nguồn nước trên các lưu vực sông phổ biến thiếu hụt từ 10-20%, thiếu hụt nhiều trên lưu vực sông Thao, hạ lưu sông Lô và hạ lưu sông Hồng từ 30-70%, riêng trong tháng 1-2/2021 vùng hạ lưu sông Hồng vượt từ 10-30% so với TBNN.

Đối với khu vực Trung Bộ, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, vào tháng 12/2020, tổng lượng mưa (TLM) từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh phổ biến thấp hơn từ 10-30% so với TBNN; các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận, Tây Nguyên, Nam Bộ phổ biến cao hơn từ 15-40% so với TBNN.

Tháng 1/2021, TLM phổ biến xấp xỉ so với TBNN; riêng các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận, TLM cao hơn từ 15-35% so với TBNN. Tháng 2/2021, TLM phổ biến xấp xỉ so với TBNN; riêng từ Bình Định đến Bình Thuận có thể xuất hiện mưa trái mùa TLM đạt từ 40-80 mm cao hơn TBNN;

Vào tháng 3 và tháng 5/2021, TLM phổ biến xấp xỉ; riêng từ Đà Nẵng đến Bình Thuận TLM cao hơn từ 10-30% so với TBNN. Tháng 4/2021, Bắc Trung Bộ TLM phổ biến xấp xỉ so với TBNN, khu vực Trung và Nam Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 20-40% so với TBNN cùng thời kỳ.

Trong khi đó, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, dự báo tháng 12/2020 TLM cao hơn TBNN từ 20-40%. Vào tháng 1-3/2021 có khả năng xuất hiện mưa trái mùa nên TLM cao hơn TBNN, TLM tháng phổ biến 20-50mm. Tháng 4/2021, TLM cao hơn từ 20-35% so với TBNN. Tháng 5/2021, TLM xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.

Bên cạnh những thông tin dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm trong thời hạn ngắn, người dân cần cập nhật tham khảo các bản tin dài hạn của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia để chuẩn bị kế hoạch sản xuất, kinh doanh nuôi trồng nông, lâm, ngư nghiệp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam còn đón bao nhiêu cơn bão từ nay đến cuối năm 2020?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO