Việt Nam có thể tiên phong thực hiện các tiêu chuẩn xanh của EU
Chiều 24/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Julien Guerrier, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam.
Thủ tướng chúc mừng Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU vừa đảm nhận cương vị tại Việt Nam, tin tưởng Đại sứ sẽ có một nhiệm kỳ thành công, đóng góp tích cực vào hợp tác toàn diện giữa Việt Nam-EU; khẳng định phía Việt Nam sẽ tạo điều kiện tốt nhất có thể để Phái đoàn và Đại sứ hoàn thành nhiệm vụ.
Thủ tướng và Đại sứ bày tỏ vui mừng khi thời gian qua, quan hệ Việt Nam-EU đang ở giai đoạn rất tốt đẹp, đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Về chính trị-ngoại giao, trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao được tăng cường, hai bên phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương.
Về kinh tế, EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5, nhà đầu tư lớn thứ 6 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN (thương mại hai chiều năm 2022 đạt 62,4 tỷ USD).
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam–EU (EVFTA) đi vào thực thi hiệu quả đã giúp thương mại hai chiều Việt Nam-EU tăng trưởng tích cực; Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam–EU (EVIPA) sau khi được phê chuẩn sẽ tạo đột phá mới trong hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai bên.
Hợp tác quốc phòng-an ninh được mở rộng với việc triển khai Hiệp định thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA). Đặc biệt, một điểm sáng trong quan hệ giữa hai bên thời gian qua là hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu với việc thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam với Nhóm đối tác quốc tế, trong đó có EU.
Thông báo những nét chính về tình hình kinh tế-xã hội, đường lối phát triển đất nước, chính sách đối ngoại và quốc phòng của Việt Nam, theo đó Việt Nam là một hình mẫu về khôi phục và hàn gắn vết thương chiến tranh, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, Thủ tướng khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng thúc đẩy quan hệ với EU, một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam.
Để đưa quan hệ Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam–EU phát triển thực chất, hiệu quả thời gian tới, Thủ tướng đề nghị hai bên nghiên cứu khả năng nâng tầm quan hệ; tăng cường trao đổi đoàn các cấp; tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác, đối thoại đã có, đề xuất các biện pháp mới thúc đẩy hợp tác, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn; triển khai hiệu quả Hiệp định EVFTA; EU thúc đẩy 10 nước thành viên còn lại phê chuẩn Hiệp định EVIPA để tạo đột phá mới trong hợp tác thương mại-đầu tư.
Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam tích cực ủng hộ các sáng kiến, giải pháp của EU trong phát triển xanh, bền vững, trong đó có việc áp dụng các tiêu chuẩn xanh với hàng hóa, trên tinh thần ‘đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện’; đề nghị EU hỗ trợ Việt Nam tối đa về nguồn vốn, công nghệ, hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực để cùng chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên triển khai hiệu quả Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), hỗ trợ Việt Nam triển khai chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL, phát triển năng lượng tái tạo…
Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị EC xem xét tích cực việc sớm gỡ bỏ “Thẻ vàng” IUU trên cơ sở ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU, có tính đến những khó khăn, khác biệt về trình độ phát triển giữa Việt Nam và EU về năng lực quản lý nghề cá và sinh kế của ngư dân; đẩy mạnh hợp tác trong phát triển kinh tế biển bền vững bao gồm nghề cá hiện đại, bền vững, nuôi trồng hải sản, phát triển logistics, điện gió ngoài khơi, khai thác nguồn lợi từ biển, bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam hoan nghênh EU ngày càng đóng vai trò tích cực tại khu vực; luôn ủng hộ tăng cường quan hệ ASEAN–EU và việc EU tham gia các cơ chế hợp tác của khu vực với ASEAN đóng vai trò trung tâm.
Về phần mình, Đại sứ Julien Guerrier khẳng định ông là người bạn lâu năm của Việt Nam; đánh giá cao đường lối, chính sách phát triển của Việt Nam được Thủ tướng chia sẻ, đặc biệt là quan điểm không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; bày tỏ ấn tượng với những thành tựu đã đạt được, những mục tiêu phát triển thời gian tới và cam kết, nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu. Đại sứ cũng đánh giá cao việc Việt Nam tích cực ủng hộ và có thể trở thành một trong những nước tiên phong thực hiện các tiêu chuẩn xanh của EU.
Đại sứ nhấn mạnh Việt Nam-EU có nhiều điểm chung và tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn, nhất là trong giai đoạn phát triển bước ngoặt sắp tới của Việt Nam; khẳng định EU sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển như trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đại sứ cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của hai bên để triển khai các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực mà Thủ tướng đã đề cập, góp phần vì lợi ích, hạnh phúc, thịnh vượng của người dân Việt Nam và EU; trong đó ưu tiên những lĩnh vực như thương mại, đầu tư, đặc biệt là việc thúc đẩy phê chuẩn EVIPA; hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu, trước hết là ủng hộ Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh COP 28 sắp tới; hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực…
Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, Đại sứ EU khẳng định ủng hộ lập trường của ASEAN về bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng không, hàng hải trên Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên Hợp Quốc và UNCLOS 1982. Ông cũng đề nghị phía Việt Nam tích cực ủng hộ các sáng kiến, hoạt động của EU để góp phần giải quyết các vấn đề chung của thế giới.