Việt Nam cần tăng cường áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

30/01/2015 00:00

(TN&MT) – Đó là một trong những ý kiến được các đại biểu quan tâm tại Hội thảo “Sản xuất sạch hơn - Bảo vệ môi trường và lợi ích doanh nghiệp”.

(TN&MT) – Đó là một trong những ý kiến được các đại biểu đặc biệt quan tâm tại Hội thảo “Sản xuất sạch hơn - Bảo vệ môi trường và lợi ích doanh nghiệp” do Tạp chí TN&MT (Bộ TN&MT) phối hợp với Tập đoàn Truyền thông quốc gia Việt Nam và Công ty CP Phát triển truyền thông, thông tin Việt Nam tổ chức vào ngày 30/1 tại Hà Nội.
   
  Đến tham dự Hội thảo có TS. Võ Tuấn Nhân – Phó Chủ nhiệm, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, TS. Chu Thái Thành – Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Viện trưởng Viện CLCS TN&MT cùng nhiều đại diện các Bộ, ngành, các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp đến từ Trung ương và địa phương như: Bộ Công thương, Viện Khoa học Môi trường, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Đại Việt Hương.
   
  Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận xoay quanh các nội dung sau: Đánh giá khách quan, toàn diện về việc áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp trong giai đoạn vừa qua theo các khía cạnh, quan điểm của phát triển bền vững; Đánh giá kết quả, hạn chế, vướng mắc về cơ chế, chính sách cho hoạt động đầu tư, áp dụng SXSH trong lĩnh vực công nghiệp; Đúc kết, chia sẻ những kinh nghiệm về áp dụng mô hình SXSH và đề xuất những giải pháp, kiến nghị nâng cao hiệu quả đầu tư, áp dụng SXSH để phát huy tối đa các nguồn lực cho bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đất nước.
   
   
TS. Võ Tuấn Nhân – Phó Chủ nhiệm, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu khai mạc Hội thảo
   
  Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Võ Tuấn Nhân cho biết: Áp dụng SXSH là quá trình thực hiện liên tục một chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quy trình sản xuất, các sản phẩm và dịch vụ, nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường. “Đến nay, việc phổ biến và xúc tiến áp dụng SXSH, các doanh nghiệp đã thu được những lợi ích thiết thực về tiết kiệm nguyên, vật liệu, năng lượng, nước và giảm thiểu chất thải ngay tại dây chuyền sản xuất đã giúp nhiều doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường lao động và giảm chi phí môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu” – TS. Võ Tuấn Nhân chia sẻ.
   
  Đồng quan điểm với TS. Võ Tuấn Nhân, Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT Chu Thái Thành cho rằng SXSH là một giải pháp góp phần giải quyết những thách thức về môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. “Do vậy, SXSH vừa là xu hướng phát triển tất yếu và là lựa chọn hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam” – ông Chu Thái Thành nói.
   
   
TS. Chu Thái Thành – Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT phát biểu tại Hội thảo
   
  Theo ông Chu Thái Thành thì hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, các nhà khoa học và doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và đề xuất, kiến nghị giải pháp áp dụng SXSH, góp phần thực hiện hiệu quả “Chiến lược sản xuất trong công nghiệp đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
   
  Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cho biết, SXSH là vấn đề không mới, quá trình thực hiện đã triển khai ở nhiều ngành và lĩnh vực công nghiệp quan trọng, đã có nhiều doanh nghiệp điển hình thực hiện các biện pháp SXSH hiệu quả. Tuy nhiên quá trình thực hiện và kết quả đạt được chưa đáp ứng mục tiêu và yêu cầu của chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020, cần phải tiếp tục có những giải pháp tốt hơn về cơ chế chính sách của Nhà nước nhằm khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp thực hiện các biện pháp SXSH.
   
   
Toàn cảnh Hội thảo
   
  PGS.TS Nguyễn Thế Chinh đề xuất một số giải pháp thực hiện áp dụng SXSH trong công nghiệp: Thứ nhất, xem xét đánh giá và rà soát lại 5 đề án đã ban hành để tìm ra những vướng mắc trong quá trình thực hiện, có sự điều chỉnh kịp thời; Thứ hai, xem xét đánh giá lại những ưu đãi khuyến khích đã có đối với SXSH trong công nghiệp, từ đó có những giải pháp cụ thể và hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển giao công nghệ; Thứ ba, tăng cường hơn nữa hỗ trợ tư vấn của Nhà nước đối với hoạt động SXSH cho các doanh nghiệp công nghiệp; Thứ tư, rà soát đánh giá lại các văn bản đã có liên quan đến khuyến khích doanh nghiệp công nghiệp áp dụng các biện pháp SXSH để bổ sung kịp thời; Thứ năm, Nhà nước cần hỗ trợ đào tạo cán bộ kỹ thuật về SXSH cho các doanh nghiệp công nghiệp; Thứ sáu, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế không chỉ đối với các đối tác truyền thống trước đây như UNIDO, UNDP… mà còn mở rộng những tài chính mới.
   
  Đến từ Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường, PGS.TS Phạm Văn Lợi cũng kiến nghị những giải pháp nhằm triển khai rộng rãi SXSH tại các doanh nghiệp như: Chính phủ cần tiếp tục và tăng cường hơn nữa các hoạt động phổ biến SXSH như một công cụ chính cho việc ngăn ngừa ô nhiễm từ các cơ sở công nghiệp; Bộ Công thương, Sở Công thương cần có cơ chế phối hợp với Bộ TN&MT, Sở TN&MT trong việc phổ biến SXSH tại các doanh nghiệp; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và áp dụng SXSH; củng cố mạng lưới hỗ trợ SXSH từ Trung ương tới địa phương, phân công đầu mối cụ thể trên địa bàn từng địa phương; mở rộng các khoá đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp về phương pháp kỹ thuật; tuyên truyền, phổ biến kiến thức SXSH, các tài liệu hướng dẫn SXSH cho các ngành công nghiệp…
   
  Kết thúc Hội thảo, Tổng biên tập Tạp chí TN&MT Chu Thái Thành khẳng định lại vai trò quan trọng của việc áp dụng SXSH trong chiến lược phát triển bền vững đối với các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam. Ông Chu Thái Thành cho rằng, những ý kiến tham luận tại Hội thảo là những thông tin vô cùng quý báu có thể kiến nghị đến các cơ quan chức năng để thực hiện chiến lược SXSH ngày càng thành công hơn.
   
        
       Khái niệm về SXSH đã được biết đến từ những năm đầu thập niên 2000, sau đó từng bước được triển khai và nhân rộng với sự giúp đỡ của tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), đến năm 2009 việc triển khai biện pháp SXSH trong công nghiệp đã chính thức trở thành một chính sách khuyến khích thực sự ở Việt Nam sau Quyết định 1419/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 7/9/2009 về “Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020”.
        
   
Mai Đan
Ảnh:Hoàng Minh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam cần tăng cường áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO