(TN&MT) - Ngày 7/9, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Vốn để phát triển hạ tầng giao thông – Nhu cầu và giải pháp”.
Hội thảo nhằm phân tích, đánh giá và thống nhất những vấn đề của hạ tầng giao thông Việt Nam hiện nay, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp để phát triển trong tương lai, đặc biệt là làm sao khơi thông được nguồn vốn tư nhân cho phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam trong thời gian tới. Tham dự hội thảo có hơn 200 chuyên gia nghiên cứu đến từ Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch Nước, Văn phòng Chính phủ, các doanh nghiệp phát triển hạ tầng, các nhà quản lý và hoạch định chính sách, đại diện các cơ quan chính phủ và các tổ chức quốc tế liên quan lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông.
Hạ tầng giao thông, huyết mạch của mỗi nền kinh tế, quyết định sự thịnh vượng của mỗi quốc gia. Trong quá khứ, gánh nặng phát triển hạ tầng giao thông được đặt lên vai của chính phủ. Những cải cách thể chế trong thời gian vừa qua đã đặt nền tảng cho sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, mặc dù phạm vi và mức độ tham gia của khu vực tư nhân còn nhiều hạn chế. Nhu cầu phát triển một mạng giao thông hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới sẽ tăng cao.
Trong bối cảnh năng lực tài trợ từ nguồn vốn ngân sách và có nguồn gốc ngân sách (ODA, trái phiếu Chính phủ) bị thu hẹp, yêu cầu quản lý rủi ro nợ công và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công tăng cao, đột phá về thể chế chính sách nhằm khuyến khích khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam một cách tích cực hơn được đặt ra. Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam cần khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông nhưng ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 28%.
Tuy vậy, theo kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khả năng ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 7% nhu cầu (tương đương 66 nghìn tỷ đồng). Do đó, trong bối cảnh này, đầu tư hạ tầng theo hình thức PPP cũng có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia có ngân sách hạn chế và nợ công lớn như Việt Nam.
Từ thực tế đó, BIDV đã đề xuất một số giải pháp mang tính chiến lược cho bài toán vốn cho hạ tầng giao thông. Đó là cần xây dựng cơ chế để các Quỹ đầu tư tài chính trong và ngoài nước, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tham gia đầu tư vốn cho các dự án phát triển hạ tầng; xem xét thành lập công ty tài chính hoặc giao nhiệm vụ cho tổ chức tài chính trong nước đóng vai trò đầu mối trong việc huy động vốn từ nhiều nguồn khác và cho vay các dự án hạ tầng giao thông. Một số giải pháp khác được BIDV nghiên cứu chi tiết và đưa ra đề xuất tại hội thảo là phát triển đa dạng các kênh huy động vốn dài hạn và chuyên biệt phục vụ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, giảm dần sự phụ thuộc vào vốn của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, cần có chính sách tạo điều kiện và thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông.
Hoàng Liêm