Tại Hội nghị này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đã nêu các đề xuất của Việt Nam với ASEAN trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể là:
ASEAN cần đẩy mạnh sâu rộng hơn các hợp tác trong và ngoài khối ASEAN để hỗ trợ các nước thành viên ASEAN tăng cường năng lực ứng phó với các thiên tai do biến đổi khí hậu như bão, lũ lụt, nắng nóng thông qua tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan, năng lực ứng phó khẩn cấp cho người dân nhằm mang lại thêm nhiều lợi ích cho Cộng đồng ASEAN.
Tăng cường bảo tồn và quản lý bền vững tài nguyên rừng nhằm cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái, góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn áp dụng các công cụ thị trường và thiết lập các cơ chế trao đổi tín chỉ các-bon trong khu vực ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Cần xây dựng một lộ trình rõ ràng nhằm huy động nhiều hơn nữa hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về tài chính, kỹ thuật và nâng cao năng lực cho giai đoạn 2020 - 2030 để tăng cường kỳ vọng của cá nước ASEAN về ứng phó với biến đổi khí hậu.
“Các sáng kiến của ASEAN phải nhanh chóng được chuyển thành hành động với những biện pháp và dự án chung nhằm giải quyết thách thức biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng...” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ASEAN là một trong những khu vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu là các thách thức nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia ASEAN. Trong gần 10 năm kể từ khi Tuyên bố lần đầu tiên của dự Hội nghị đặc biệt của ASEAN về biến đổi khí hậu được thông qua tại Hua Hin, Thái Lan, các nước ASEAN đã có rất nhiều nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu to lớn ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tuy nhiên, ASEAN cần có các giải pháp cụ thể hơn, nỗ lực mạnh mẽ hơn để đảm bảo cộng đồng ASEAN đạt được các mục tiêu trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở các cấp địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh: Việt Nam coi biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng đối với phát triển bền vững đất nước. Trong những năm qua, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm vượt qua thách thức này. Cụ thể là, nhiều văn bản pháp luật, chiến lược, và kế hoạch hành động đã được thông qua nhằm tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhận thức về biến đổi khí hậu: thách thức và cơ hội, được nâng cao từ chính phủ đến khu vực tư nhân, giới truyền thông và người dân.
Việt Nam ưu tiên và lồng ghép vấn đề thích ứng vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở những vùng dễ bị tổn thương như vùng ven biển và vùng núi. Chính phủ Việt Nam ưu tiên tập trung xây dựng quy hoạch phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu cho Đồng bằng sông Cửu Long, tạo lập quá trình chuyển đổi quy mô lớn cho vùng này với sự tham gia của tất cả các bên liên quan.
Trong NDC, Việt Nam cam kết giảm 8% phát thải khí nhà kính do với kịch bản phát triển thông thường vào năm 2030 và sẽ tăng mức giảm lên 25% với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Hiện nay, Việt Nam cũng đang trong quá trình rà soát, cập nhật NDC với nhiều giải pháp nhằm nâng cao các mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính.
Trước đó trong ngày 08 và 09/7, Bộ trưởng cũng đã tham dự các sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao về môi trường, tài nguyên nước do Singapore tổ chức.
Trong thời gian tham dự Hội nghị, Bộ trưởng cũng đã có các cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Bộ Môi trường và Tài nguyên nước Singapore Masagos Zulkifli để thảo luận về việc phối hợp triển khai các hoạt động hợp tác giữa hai Bộ cũng như phối hợp thực hiện các sáng kiến của ASEAN về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đã gặp Quốc vụ khanh phụ trách môi trường của Nhật Bản, bà Naomi Tokashiki, để thảo luận về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, như giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương, xử lý nước thải, phát triển thành phố bền vững trong khuôn khổ hợp tác ASEAN- Nhật Bản.