Việt Nam - Ba Lan: Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu địa chất và khoáng sản
(TN&MT) - Sáng 10/4, tại Hà Nội, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản và Viện Khoa học Địa chất Ba Lan, Đại học Vác Sa Va Ba Lan phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Lịch sử và triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Ba Lan trong các lĩnh vực khoa học Trái Đất, Tài nguyên thiên nhiên, Bảo vệ môi trường và Bảo tồn di sản”.
TS. Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường và GS.TS Anna Justyna Wysocka, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất Ba Lan, Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan chủ trì hội thảo.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ thực hiện Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản với Viện Khoa học Địa chất Ba Lan, Đại học Vác Sa Va Ba Lan.
Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khoa học địa chất và khoáng sản và các liên ngành khác, mang đến những kết quả nghiên cứu đa dạng và phong phú từ các lĩnh vực khác nhau của khoa học địa chất và các khoa học liên ngành.
Phát biểu chào mừng, GS.TS Anna Justyna Wysocka, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất Ba Lan, Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan cho biết: Tiếp nối thành công của hội nghị khoa học quốc tế “Việt Nam - Ba Lan - Một khởi đầu mới” tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11/2023, đây là lần thứ hai và rất quan trọng, Viện Khoa học Địa chất Ba Lan và Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản có cơ hội ôn lại lịch sử hợp tác nghiên cứu khoa học lâu đời giữa hai nước trong các lĩnh vực địa chất và khoáng sản; học hỏi, trao đổi và thảo luận về những kết quả nghiên cứu bước đầu trong nghiên cứu bảo tồn di sản ở một số khu vực ở Hòa Bình, Huế, Hội An, Mỹ Sơn… của Việt Nam và Ba Lan.
GS.TS Anna hy vọng hai bên sẽ có thể tiếp tục phối hợp nhiều hơn nữa để hợp tác xây dựng một cộng đồng khoa học giữa Ba Lan và Việt Nam. Viện Khoa học Địa chất Ba Lan mong muốn triển khai một dự án chung với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản và kỳ vọng tất cả những dự án này sẽ có những giá trị khoa học to lớn.
Với chủ đề rất rộng, GS.TS Anna cho rằng hội thảo sẽ mở ra lĩnh vực rộng lớn khác cho quan hệ hợp tác, cùng làm việc giữa Việt Nam - Ba Lan.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết: Hai bên sẽ cùng trao đổi, thảo luận về lịch sử hợp tác nghiên cứu địa chất và khoáng sản lâu đời giữa Việt Nam và Ba Lan từ những năm 1955 và triển vọng hợp tác về nghiên cứu tài nguyên địa chất, bảo tồn di sản và bảo vệ môi trường. Đồng thời những kết quả ứng dụng công nghệ hiện đại để thu thập thông tin khảo sát địa chất, di sản ngoài thực địa của khoa học địa chất và khoa học liên ngành cũng sẽ được trình diễn.
Theo TS. Trịnh Hải Sơn, hội thảo này không chỉ là nơi đề trình bày những triển vọng trong nghiên cứu của khoa học địa chất và khoa học liên ngành mà còn là cơ hội để chia sẻ những ký ức về lịch sử nghiên cứu địa chất và khoáng sản giữa Việt Nam và Ba Lan nhằm kết nối giữa các thế hệ các nhà quản lý, các nhà khoa học địa chất và khoa học liên ngành. Từ đó, tạo ra những dự án nghiên cứu khoa học địa chất tương lai và thúc đẩy sự phát triển của Trung tâm nghiên cứu Nhiệt đới Việt Nam - Ba Lan một cách bền vững về tài nguyên địa chất, bảo tồn di sản và bảo vệ môi trường.
Chia sẻ về kết quả khảo sát địa chất của các chuyên gia Ba Lan ở Việt Nam, TS. Trần Mỹ Dũng - Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam cho biết: Trong lịch sử gần 80 năm phát triển, ngành địa chất Việt Nam đã nhận được nhiều sự giúp đỡ quý báu của các chuyên gia, các nhà địa chất Ba Lan, đặc biệt là trong những năm từ 1955 đến 1965, khi ngành gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao trong khi phải thực hiện rất nhiều các nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết Nhà nước đặt ra cho công tác điều tra cơ bản địa chất, tìm kiếm, thăm dò tài nguyên khoáng sản.
TS. Trần Mỹ Dũng nhấn mạnh, với sự hỗ trợ, hướng dẫn tận tình của các nhà địa chất Ba Lan, ngành địa chất Việt Nam đã phát hiện và đánh giá được tài nguyên, trữ lượng quặng sắt vùng quặng Quý Xa - Bảo Hà, tỉnh Lào Cai trong đó có mỏ sắt Quý Xa có trữ lượng trên 120 triệu tấn, 1 trong 2 mỏ sắt có quy mô lớn nhất Việt Nam. Vùng quặng này, hiện đã trở thành vùng nguyên liệu quan trọng cho ngành luyện kim Việt Nam, đóng góp một phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, dưới sự hướng dẫn tận tình của các nhà địa chất Ba Lan, ngành địa chất Việt Nam đã xây dựng được một nhóm các nhà địa chất có chuyên môn sâu về tìm kiếm, thăm dò khoáng sản kim loại, đặc biệt là quặng sắt, đủ năng lực làm chủ về thiết bị, chuyên môn để thực hiện, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao trên mọi miền tổ quốc.
Bên cạnh kết quả khảo sát địa chất của các chuyên gia Ba Lan ở Việt Nam, chương trình hội thảo còn diễn ra với hơn 10 bài trình bày với nhiều nội dung hấp dẫn như: Hợp tác Việt Nam - Ba Lan trong lĩnh vực khoa học Trái Đất; hợp tác địa chất Ba Lan - Việt Nam giai đoạn 2000 - 2024; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cho phát triển bền vững ở Việt Nam; các bài giới thiệu về địa vật lý, địa chất và địa vật lý biển, khảo cổ và con người, khảo cổ…