Môi trường

Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu: Sẽ tiếp tục xuất hiện động đất tại Kon Tum

Theo TTXVN/Báo Tin tức 30/07/2024 - 21:01

Từ ngày 28 đến trưa 30/7, tại khu vực huyện Kon Plong (tỉnh Kon Tum) đã xảy ra hàng loạt trận động đất lớn nhỏ; trong đó, trận lớn nhất có độ lớn 5.0.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam) để có thêm thông tin về tình hình động đất tại khu vực này cũng như những dự báo, cảnh báo của chuyên gia trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Khi động đất xảy ra, nhà chị Y Trinh làng Vi Xây xã Đăk Tăng huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum có viên gạch ốp tường bị rớt, vỡ. Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN

Xin ông cho biết diễn biến và nguyên nhân xảy ra hàng loạt trận động đất tại tỉnh Kon Tum những ngày qua?

Từ ngày 28 đến 29/7, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xảy ra 46 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 5.0; trong đó, trận động đất xảy ra lúc 11 giờ 35 phút ngày 28/7 với độ lớn 5.0; độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Đây là trận động đất mạnh nhất từng ghi nhận được ở khu vực này. Trước đó, năm 2022, khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn 4.7.

Tính đến trưa nay (30/7), khu vực này ghi nhận thêm 3 trận động đất khác có độ lớn từ 2.5 đến 3.1.

Khu vực Kon Tum là nơi có hoạt động địa chất tương đối ổn định so với nhiều khu vực trên cả nước, ít ghi nhận hoạt động động đất. Theo số liệu ghi nhận được từ năm 1903-2020, tại tỉnh Kon Tum chỉ có hơn 30 trận động đất, trong đó, trận lớn nhất có độ lớn 3.9. Từ tháng 4/2021 đến nay, hàng trăm trận động đất kích thích đã xảy ra tại Kon Tum, trong đó có những trận động đất gây rung chấn diện rộng. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, tại Kon Tum đã xảy ra hơn 170 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 5.0.

Các trận động đất xảy ra tại Kon Tum những ngày qua là động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên.

Động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập, có thời kỳ yên tĩnh hơn. Điều này liên quan chặt chẽ đến quá trình vận hành tích nước của hồ chứa thủy điện.

Việc phát sinh động đất kích thích phụ thuộc vào nhiều yếu tố hoạt động địa chấn kiến tạo, thủy văn, cần có các nghiên cứu chuyên sâu mới đánh giá được.

Một số yếu tố liên quan đến động đất kích thích như mực nước hồ chứa, tốc độ tích nước hồ chứa, tổng lượng nước sẽ tác động đến động đất. Tuy nhiên, những ảnh hưởng này có thể diễn ra sau vài tháng, vài năm nước khi ngấm đủ xuống bên dưới.

Việc phát sinh động đất kích thích đã từng xảy ra tại Việt Nam chưa thưa ông? Ông dự báo như thế nào về tình trạng này tại Kon Tum?

Tại Việt Nam, động đất kích thích từng xảy ra tại Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Sông Tranh 2, Thủy điện Sơn La; trong đó, động đất kích thích xảy ra tại sông Tranh 2 kéo dài hơn 10 năm với cả nghìn trận.

Dự báo động đất kích thích tại Kon Plong sẽ kéo dài trong nhiều năm, có thể là 10 năm sau đó mới ổn định do đặc điểm địa chất khu vực xảy ra động đất, nếu so sánh cùng đặc điểm địa chất với Thủy điện sông Tranh 2 ở tỉnh Quảng Nam. Động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5.5 độ.

Tuy nhiên, trên thế giới cũng ghi nhận mối liên quan chặt chẽ giữa môi trường địa chất với hoạt động động đất kích thích như tại Ấn Độ, từng ghi nhận động đất kích thích kéo dài gần 40 năm trong môi trường địa chất đá biến chất hay có những nơi động đất kích thích có độ lớn mạnh.

Tại khu vực Kon Plong, chúng tôi đã hoàn thiện hệ thống quan trắc động đất với 11 trạm. Một đề tài nghiên cứu về động đất kích thích trong khu vực đã được phê duyệt và triển khai. Đây sẽ cơ sở để làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến động đất kích thích ở khu vực này.

Động đất ở Kon Tum sẽ còn tiếp diễn và gây ảnh hưởng đến ở khu vực đông dân cư và công trình trọng điểm, nhất là vùng tâm chấn. Cơ quan chức năng cần cập nhật thường xuyên để đưa ra phương án thiết kế kháng chấn cho các loại công trình từ trọng điểm, khu dân cư…

Viện Vật lý Địa cầu sẽ tiếp tục khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận. Bên cạnh đó, Viện sẽ thông báo kịp thời về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này.

Trong tương lai, chúng ta cần đưa ra giải pháp gì để công tác cảnh báo, dự báo động đất ngày càng hiệu quả, thưa ông?

Hiện nay, Việt Nam đã có mạng lưới trạm quan trắc động đất từ độ lớn 3.5 trở lên. Các chuyên gia Việt Nam cũng đã xây dựng được bản đồ đánh giá nguy hiểm động đất tỷ lệ 1/1 triệu. Tuy nhiên, theo thông lệ thế giới, các quốc gia thường cập nhật số liệu mới sau 5-7 năm; đồng thời, đưa ra những phương pháp luận mới về xây dựng đo đạc, bản đồ.

Do đó, việc cập nhật bản đồ này là điều cấp thiết hiện nay. Trên thực tế, bản đồ này đang được sử dụng trong ngành xây dựng để phục vụ công tác kháng chấn. Chúng tôi cho rằng, việc đánh giá động đất tự nhiên cũng như động đất kích thích cần được cập nhật thường xuyên để phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, đối với những khu vực đông dân cư, đô thị, công trình quan trọng…, cần đánh giá chi tiết rủi ro, từ đó rút ra bức tranh tổng thể về động đất nhằm có những cảnh báo ngày càng chính xác.

Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu: Sẽ tiếp tục xuất hiện động đất tại Kon Tum
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO