VICEM: Quyết tâm tái cơ cấu toàn diện, đủ khả năng cạnh tranh quốc tế

Phương Linh| 14/12/2021 14:52

(TN&MT) - Trong giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) quyết tâm tái cấu trúc toàn diện để xây dựng VICEM trở thành một Tổng công ty có tiềm lực kinh tế mạnh, có quy mô đủ lớn, có trình độ công nghệ tiên tiến, mô hình quản trị hiện đại, khả năng cạnh tranh quốc tế, đủ sức lan tỏa, dẫn dắt định hướng ngành xi măng phát triển theo đúng các mục tiêu chiến lược phát triển ngành xi măng được Chính phủ phê duyệt.

Đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa

Là một trong những trụ cột của ngành Xi măng Việt Nam, hiện nay, VICEM đang chiếm thị phần trong nước khoảng 34%. VICEM đang sở hữu 8 thương hiệu, bao gồm: Vicem Hoàng Thạch, Vicem Hà Tiên 1, Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hải Phòng, Vicem Bút Sơn, Vicem Hoàng Mai, Vicem Sông Thao và Vicem Hạ Long. Với nội lực vững vàng, VICEM đã thực hiện vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong ngành Xây dựng, dẫn dắt chuỗi giá trị từ cung cấp nguyên vật liệu đến lưu thông phân phối. Trong đó, các nhà máy sản xuất xi măng của VICEM là trung tâm tạo giá trị, điều phối, dẫn đắt và định hướng chuỗi giá trị ngành Xi măng; thu hút và tạo việc làm cho trên 12.000 cán bộ, công nhân viên.

Bến xuất VICEM Hạ Long

VICEM đã khẳng định năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước so với các doanh nghiệp trong khu vực và quốc tế do ngành Xi măng Việt Nam đã làm chủ được công nghệ, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất xi măng và trình độ công nghệ sản xuất xi măng tiệm cận thế giới.

Để tiếp tục là trụ cột, định hướng phát triển ngành Xi măng Việt Nam, 5 đến 10 năm tới là giai đoạn chuyển mình quan trọng của VICEM. Một trong những trọng tâm là tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh, mô hình tổ chức. VICEM sẽ tổ chức lại theo hướng là một Tổng công ty đơn ngành (tập trung vào ngành nghề cốt lõi là kinh doanh xi măng) hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Tổng công ty (VICEM Holding) sẽ đảm nhiệm chức năng chính là quản lý vốn và điều phối hoạt động các công ty thành viên. Các công ty xi măng là trung tâm tạo giá trị, dẫn dắt và định hướng chuỗi giá trị của ngành xi măng từ khâu cung ứng, sản xuất đến khâu lưu thông hàng hóa.

Thời gian tới, VICEM sẽ khẩn trương hoàn thành cổ phần hóa Công ty mẹ và các Công ty TNHH MTV theo lộ trình cổ phần hóa của Chính Phủ, kế hoạch, tiến độ cổ phần hóa của Bộ Xây dựng để Công ty mẹ VICEM tiếp tục giữ vai trò là trung tâm điều phối, định hướng, hỗ trợ, kiểm soát các công ty thành viên sản xuất kinh doanh để tạo giá trị gia tăng.

Nâng cao năng lực sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường

Theo đại diện Ban lãnh đạo VICEM, để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và sản phẩm trên thị trường, VICEM sẽ tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, cải tạo các dây chuyền công nghệ. Từ đó, tăng năng suất và tiết giảm định mức tiêu hao, cải thiện chất lượng và giảm chi phí sản xuất.

Đặc biệt, đầu tư thêm dây chuyền sản xuất mới theo hướng tự động hóa, số hóa (Smart Factory), ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sẽ nghiên cứu thực hiện việc mua bán, sáp nhập (M&A) các doanh nghiệp xi măng có thuơng hiệu/khả năng cạnh tranh yếu để tăng năng lực sản xuất.

VICEM Hoàng Thạch

Chủ động nắm bắt xu hướng sản xuất xanh, VICEM cũng đang tăng cường các giải pháp sản xuất, kinh doanh bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên dựa trên đặc thù ngành nghề. Các giải pháp mang lại hiệu quả cao đang được nhiều nhà máy áp dụng là tận dụng nhiệt đốt rác thải, sử dụng bùn thải để thay thế nguyên nhiên liệu sét nhằm giảm bớt sử dụng tài nguyên không tái tạo, sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo, hình thành vòng kinh tế tuần hoàn.

Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật cũng giảm tiêu hao nhiên liệu, giảm thiểu lượng bụi phát sinh trong dây chuyền và khu vực sản xuất. Sử dụng nhiệt khí thải để phát điện, tự cung tự cấp một phần sản lượng điện tiêu thụ, đồng thời giảm lượng phát thải bụi và khí CO2.

Tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp

Trong giai đoạn tới, VICEM dự kiến thực hiện việc cấp thêm vốn điều lệ các Công ty TNHH 100% vốn VICEM và đầu tư góp thêm vốn vào Công ty cổ phần có vốn góp/cổ phần chi phối của VICEM đối với các Công ty sản xuất kinh doanh xi măng theo quy định pháp luật, đảm bảo các Công ty này có cơ cấu vốn điều lệ > 40% tổng tài sản.

Để tập trung tài chính, doanh nghiệp dự tính sẽ thoái vốn hoặc chuyển giao vốn đầu tư khỏi các Công ty không thuộc ngành nghề kinh doanh chính để thu hồi vốn, trong đó, một phần nộp về ngân sách Nhà nước và một phần tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao năng lực theo các quy định pháp luật. Bên cạnh đó, xử lý các khoản đầu tư không sinh lời, không hiệu quả.

Một mục tiêu quan trọng nữa... là thực hiện tự động hóa, số hóa các nhà máy (Smart factory). VICEM sẽ ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 trong các dây chuyền sản xuất trên các lĩnh vực: quản lý, lưu thông và phân phối, quy trình sản xuất; ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát nhà phân phối, vận tải, hệ thống bán lẻ, kiểm soát xi măng lưu thông trên thị trường và tối ưu hóa Logistic.

Đối với phát triển nguồn nhân lực, doanh nghiệp cũng đang áp dụng một loạt chính sách tuyển dụng; đào tạo; chính sách lương, thưởng đãi ngộ; chính sách thăng tiến, đề bạt; xây dựng văn hóa doanh nghiệp... nhằm mục tiêu xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu vận hành sản xuất chuyên nghiệp hơn.

Việc tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp cũng hướng tới tăng cường kiểm soát nội bộ; thực hiện công khai, minh bạch công tác quản lý, hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng. Đồng thời, kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự quản lý và điều hành; tiếp tục rà soát, cập nhật và hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định quản lý nội bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
VICEM: Quyết tâm tái cơ cấu toàn diện, đủ khả năng cạnh tranh quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO