VICEM: Quản lý, khai thác khoáng sản gắn với phát triển bền vững

Linh Anh| 02/12/2021 15:04

(TN&MT) - Phát triển bền vững là một trong những định hướng ưu tiên hiện nay của Tổng Công ty xi măng Việt Nam (VICEM). Trước sức ép cạnh tranh ngày một gia tăng, VICEM đang nỗ lực tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản và hoạt động khai khoáng theo hướng khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả.

Nghị quyết số 02/NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là cơ sở quan trọng để ngành công nghiệp khai khoáng phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua 10 năm triển khai, việc xây dựng luật và chính sách đã tạo được sự quan tâm đồng bộ của các doanh nghiệp khai khoáng và cộng đồng dân cư về vai trò và hiệu quả trong hoạt động khai khoáng, lan tỏa tới các hoạt động bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, đảm bảo việc bảo vệ môi trường trong khai khoáng. Có thể nhận định, các hoạt động khoáng sản đã dần được kiểm soát. Đồng thời, chuyển dần hoạt động khai khoáng từ chiều rộng sang chiều sâu.

Ký kết hợp tác toàn diện nhằm thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất với Viện Vật liệu xây dựng (VIBM)

Mặc dù vậy, nhìn chung thực trạng khai thác tài nguyên khoáng sản tại Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn nhiều thách thức. Trong đó, dễ nhận thấy nhất là tình trạng tổn thất và lãng phí tài nguyên. Sản phẩm khai thác chế biến khoáng sản ở Việt Nam phần lớn mới dừng lại ở sản phẩm tinh quặng, giá trị và hiệu quả sử dụng thấp, chưa tương xứng với giá trị tài nguyên của khoáng sản. Do khai thác với mức độ cơ giới hóa thấp, nên đa số các mỏ nhỏ hiện nay chỉ lấy được những phần trữ lượng giàu nhất, bỏ đi toàn bộ quặng nghèo và khoáng sản đi kèm dẫn đến lãng phí tài nguyên.

Bên cạnh đó, tổn thất trong chế biến khoáng sản ở mức độ cao, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhiều mỏ, khu vực khai thác mỏ đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng về ô nhiễm nguồn nước do nước thải của mỏ trong quá trình sản xuất không được xử lý. Nhiều bãi thải không có các công trình xử lý đã bồi lấp ruộng vườn, sông, suối, làm ô nhiễm nguồn nước, lòng sông bị bồi lắng gây ra lũ lụt. Đối với chất thải lỏng, thành phần và tính chất nước thải có tính axít, chứa kim loại nặng, khoáng chất…

Riêng lĩnh vực xi măng, các doanh nghiệp xi măng quy mô lớn, dây chuyền hiện đại đang từng bước dẫn dắt thị trường lựa chọn các sản phẩm bền vững với môi trường. Ðây cũng là chọn lọc tự nhiên, phù hợp xu hướng phát triển, phải đầu tư công nghệ, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng...

Với mục tiêu sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản mỏ đá vôi, sét và hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác, sản xuất xi măng, VICEM đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, đẩy mạnh thăm dò, xin cấp phép các mỏ khoáng sản theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đảm bảo cung cấp đầy đủ nguyên liệu cho sản xuất ổn định, lâu dài.

Những năm gần đây, Ban lãnh đạo Tổng công ty đã chỉ đạo ưu tiên khai thác sử dụng tiết kiệm khoáng sản; khuyến khích khai thác âm. Sử dụng tối đa các chất thải, phế thải của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và chất thải sinh hoạt làm nguyên liệu, nhiên liệu, phụ gia cho quá trình sản xuất xi măng. Nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm tài nguyên, thực hiện công tác bảo vệ môi trường, hoàn nguyên mỏ theo quy định. Ứng dụng phương pháp nổ mìn vi sai phi điện, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường.

Việc ứng dụng công nghệ vào quản lý khai thác, sản xuất cũng đem lại hiệu quả tích cực. Công tác vận chuyển đã ứng dụng công nghệ GPS. Nguyên liệu thô được kiểm soát chất lượng theo hình thức trực tuyến trên băng (PGNAA) kết hợp phần mềm tối ưu hóa phối liệu tự động. Quản lý khai thác, sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng theo đúng quy định Luật khoáng sản số 2010.

VICEM Hoàng Thạch - Đơn vị thành viên của VICEM

Theo đại diện của VICEM cho biết, VICEM đã hối thúc và giao nhiệm vụ cho các đơn vị thành viên đẩy nhanh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, kinh doanh theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm môi trường. Trong đó, các nhà máy phải xây dựng lộ trình tự động hóa, trước mắt là khâu thí nghiệm và nghiền. Ðồng thời đẩy mạnh xây dựng văn phòng điện tử, kết nối kiểm soát khâu lưu thông và logistics, tiến tới hoàn thiện mô hình nhà máy hiện đại, kiểm soát, quản lý theo xu hướng công nghệ 4.0.

Được biết, mới đây, VICEM và Viện Vật liệu xây dựng (VIBM) cũng đã ký kết hợp tác toàn diện nhằm thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất, trong đó tập trung giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả, hướng tới sản xuất xi măng xanh và bền vững, trong đó sản phẩm xi măng với tiêu chí sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế, phát thải thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
VICEM: Quản lý, khai thác khoáng sản gắn với phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO