Vì tương lai không tổn hại bởi hóa chất, hãy tăng cường hành động và tham vọng
(TN&MT) - Đó là lời kêu gọi của người đứng đầu Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tại Hội nghị Quốc tế về Quản lý Hóa chất lần thứ 5 (ICCM5) do UNEP vừa tổ chức ở thành phố Bonn, Đức. Tại đây, chính phủ các nước tham dự đã thông qua Khuôn khổ toàn cầu về hóa chất nhằm giảm thiểu rủi ro môi trường từ hóa chất và chất thải, trong đó các quốc gia cam kết loại bỏ dần những chất độc hại nhất.
Khuôn khổ đặt ra mục tiêu và khuyến nghị cụ thể
Khuôn khổ toàn cầu về hóa chất đưa ra tầm nhìn về một hành tinh không bị tổn hại do hóa chất và chất thải, vì một tương lai an toàn, lành mạnh và bền vững, đồng thời là một phần quan trọng trong một loạt các thỏa thuận, như Mục tiêu Phát triển Bền vững, Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal và Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa đang được đàm phán.
Khuôn khổ toàn cầu về hóa chất đặt ra các mục tiêu và khuyến nghị cụ thể cho các lĩnh vực quan trọng trong toàn bộ quy trình sử dụng hóa chất, từ khâu sản xuất hàng hóa đến xử lý chất thải. Những mục tiêu và khuyến nghị này bao gồm: ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép hóa chất và chất thải; đưa quản lý hóa chất vào luật quốc gia và loại bỏ dần các loại thuốc trừ sâu có độ nguy hiểm cao trong lĩnh vực nông nghiệp vào năm 2035.
Cụ thể, Khuôn khổ này đặt ra 28 mục tiêu, được xây dựng để cải thiện việc quản lý có trách nhiệm đối với hóa chất và chất thải. Các mục tiêu này cũng nhằm thiết lập mối liên hệ mạnh mẽ hơn với các chương trình nghị sự toàn cầu quan trọng khác, bao gồm biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, nhân quyền và sức khỏe.
Các chính phủ đã cam kết thiết lập các chính sách và quy định nhằm giảm ô nhiễm hóa chất vào năm 2030 cũng như thúc đẩy các giải pháp thay thế an toàn hơn. Các ngành công nghiệp cũng cam kết quản lý hóa chất theo cách giảm ô nhiễm và các tác động bất lợi của nó.
Đến năm 2035, khuôn khổ này nhằm mục đích loại bỏ dần các loại thuốc trừ sâu có độ độc hại cao trong nông nghiệp, lĩnh vực chưa quản lý được rủi ro.
Điều quan trọng là một cách tiếp cận tổng hợp về tài chính đã được thống nhất, trong đó nguồn tài trợ của khu vực tư nhân phù hợp với các mục tiêu của khuôn khổ. Một quỹ ủy thác chuyên dụng sẽ do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc thành lập và quản lý. Tham gia vào quỹ này, các chính phủ, khu vực tư nhân, các tổ chức và tổ chức phi chính phủ có thể bổ sung vào khoản tiền 20 triệu EUR Đức đã cam kết ban đầu.
Thông qua Tuyên bố Bonn
Tại hội nghị, các bên tham gia cũng đã thông qua Tuyên bố Bonn, trong đó có cam kết ngăn chặn tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, loại bỏ dần những hóa chất này ở những khu vực thích hợp, đồng thời tăng cường quản lý hóa chất an toàn ở những nơi cần thiết.
Tuyên bố Bonn cũng khuyến khích các nước hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy phát triển các giải pháp thay thế an toàn và thay thế cho hóa chất. Cách tiếp cận này nhằm mục đích không chỉ bảo vệ sức khỏe và môi trường mà còn giảm chất thải và tăng cường nỗ lực tái chế.
Bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành UNEP kêu gọi tất cả các bên bắt đầu hành động ngay lập tức. Bà cho biết: “Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm hóa chất trực tiếp trong không khí, đất, nước và nơi làm việc đang gây ra 2 triệu ca tử vong mỗi năm. Các chính phủ, ngành công nghiệp hóa chất và tất cả những người liên quan hãy nỗ lực vượt qua cả những gì đã được thống nhất để bảo vệ con người và hành tinh mà tất cả chúng ta phụ thuộc vào”.
Theo bà, các công ty hóa chất có thể đưa ra những ý tưởng sáng tạo và bắt đầu đầu từ ngay bây giờ để thay thế các hóa chất độc hại bằng các chất thay thế thân thiện với con người và thiên nhiên. Ngành công nghiệp hóa chất phải trở nên xanh và bền vững. Ngành công nghiệp này phải thay đổi, nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau, bởi vì dựa trên thông tin khoa học và dữ liệu, chính phủ và người dân sẽ yêu cầu một tương lai không có chất độc hại. Bà Andersen kêu gọi ngành hóa chất hãy tham gia vào việc xây dựng tương lai - một động thái có lợi cho giá trị cổ đông, cho nhà đầu tư, cho thương hiệu và niềm tự hào của người lao động trong công ty.
Các quốc gia giàu có, ngân hàng phát triển, nhà từ thiện, nhà đầu tư và ngành công nghiệp hóa chất có thể đổi mới các giải pháp tài chính hỗ trợ các quốc gia đang phát triển bảo vệ người dân, tài sản thiên nhiên và nền kinh tế của họ.
Mọi người trên hành tinh này đều có thể sống và làm việc mà không sợ bị bệnh hoặc chết vì tiếp xúc với hóa chất. Thiên nhiên, không bị ô nhiễm, sẽ có thể hỗ trợ nhân loại trong nhiều thiên niên kỷ tới. Tất cả chính phủ các nước tham gia vào Khuôn khổ toàn cầu về hóa chất hãy tăng cường hành động và tham vọng vì một hành tinh không bị tổn hại bởi hóa chất và chất thải”.
Bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành UNEP