Thông tin tại hội thảo cho biết, Việt Nam có 2372 con sông có chiều dài từ 10km trở lên, trong đó có 13 sông chính và sông nhánh lớn có diện thích lưu vực lớn hơn 10.000km2. Hiện tài nguyên nước Việt Nam cả nước mặt và nước ngầm đang đứng trước nguy cơ suy thoái, cạn kiệt do bị ô nhiễm, khai thác quá mức, sử dụng kém hiệu quả và quản lý yếu.
Một trong những nguyên nhân được cho là việc phát triển dày các hệ thống công trình hồ đập trên tất cả các dòng sông, đặc biệt là sự phát triển ồ ạt các công trình thủy điện trong những năm qua trên tất cả các hệ thống sông suôi của Việt Nam đã và đang đặt tài nguyên nước nói riêng và hệ sinh thái của các vùng đầu nguồn, các sông suối Việt Nam trong tình trạng báo động về cạn kiệt và suy thoái khó hồi phục. Bên cạnh các tác động tiêu cực như mất rừng, di dân và tái định cư, việc thay đổi cơ bản dòng chảy tự nhiên hạ lưu làm tăng nguy cơ xả lũ vào mùa mưa và thiếu nước mùa khô. Từ việc giữ phù sa thượng lưu dẫn đến cạn kiệt nguồn dinh dưỡng cho các đồng bằng gây tác động lớn đến lòng dẫn hạ lưu làm gia tăng sói lở… Mất nguồn cá tự nhiên, ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa…
Việc lấn chiếm hành lang tiêu thoát lũ, xả thải từ khu công nghiệp - đô thị - làng nghề không qua xử lý gây ô nhiễm cũng được coi là nguyên nhân dẫn đến việc nguồn nước mặt và nước ngầm bị ô nhiễm.