Vì sao Nghị định số 155/2016/NĐ-CP khó đi vào thực tiễn? - Bài 1: Nhiều điều khoản không còn phù hợp

11/07/2019 11:29

(TN&MT) - Nghị định số 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã tạo chuyển biến trong việc bảo vệ môi trường, tuy vậy, vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực hiện các quy định.

T6
Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Ảnh: MH

Không đáp ứng được yêu cầu thực tế

Theo ông Nguyễn Hưng Thịnh, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP được ban hành với khung và mức phạt cao, hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả nghiêm khắc đã tạo sự chuyển biến tích cực đối với doanh nghiệp. Đối với người dân, việc quy định thẩm quyền lập biên bản và xử phạt các vi phạm về xả thải tại các khu vực đô thị, khu dân cư, khu vui chơi, giải trí… đã góp phần nâng cao ý thức và nhận thức của người dân về thu gom, phân loại, xử lý rác, giữ gìn vệ sinh môi trường ở các khu đô thị, khu dân cư và nơi công cộng.

Tuy vậy, thực tế triển khai Nghị định này cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, Nghị định không có quy định đình chỉ cơ sở không có kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc đối tượng cấp huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; mặc dù, có quy định phạt cảnh cáo đối với hành vi thải mùi hôi vào môi trường nhưng chưa có quy chuẩn kỹ thuật để xác định được hành vi thải mùi hôi vào môi trường, đồng thời, mức phát cảnh cáo chưa đủ tính răn đe đối với hành vi này.

Đối với quy định xử phạt đối với hành vi xả thải vượt quy chuẩn, ngoài hình thức phạt chính là phạt tiền còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Nhưng khái niệm “tình trạng ô nhiễm môi trường” lại chưa cụ thể, có thể hiểu là “trả lại hiện trạng môi trường ban đầu” hay “khắc phục hành vi gây ô nhiễm (như buộc xây dựng, cải tạo hệ thống xử lý nước thải, buộc xử lý nước thải đạt quy chuẩn)”.

Điều đáng nói, Nghị định chưa quy định cụ thể về biện pháp cưỡng chế đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không chấp hành quyết định áp dụng hình thức tạm thời đình chỉ hoạt động, buộc di dời, cấm hoạt động; chưa quy định hành vi không gửi báo cáo quản lý chất thải nguy hại theo quy định (có trường hợp tổ chức, cá nhân đã lập báo cáo nhưng không gửi báo cáo đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định),... chưa thống nhất mức phạt tiền về hành vi thải rác thải giữa các Nghị định có liên quan. Ngoài ra, chỉ quy định xử phạt các vi phạm liên quan đến chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường mà không quy định hành vi vi phạm liên quan đến quản lý chất thải rắn xây dựng.

Đối với nội dung vi phạm các quy định về hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, cần sửa đổi, bổ sung đối với hành vi không đầu tư đầy đủ thay vì đối với hành vi không đầu tư trang thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu.

Một số hành vi ngoài việc áp dụng hình thức xử phạt chính nhưng chưa được quy định áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động dẫn đến các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc đình chỉ khó thực hiện do không có quy định cụ thể về hình thức, biện pháp, trình tự thực hiện đặc biệt đối với trường hợp các tổ chức, cá nhân vi phạm không tự nguyện chấp hành.

Nghị định đang thiếu quy định về xử phạt đối với hành vi không thực hiện giám sát môi trường định kỳ theo quy định đối với các hồ sơ: Kế hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo ĐTM thuộc thẩm quyền xác nhận, phê duyệt của Sở TN&MT, Ban Quản lý Khu kinh tế (được UBND cấp tỉnh ủy quyền), Bộ TN&MT.

Không tương thích với các quy định mới

Nghị định số 155/2016/NĐ-CP được xây dựng trên cơ sở pháp lý là Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Thanh tra 2010 và Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; các Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường như: số 18/2015/NĐ-CP; số 19/2015/NĐ-CP; số 38/2015/NĐ-CP; số 127/2014/NĐ-CP. Nhưng thời gian qua, do một số các quy định của Bộ luật Hình sự đã được thay đổi, các Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường đã sửa đổi, bổ sung một số điều, do đó, nhiều quy định trong Nghị định số 155/2016/NĐ-CP không còn tương thích, phù hợp.

Đơn cử như Nghị định số 19/2015/NĐ-CP: Sửa đổi, bổ sung một số điều về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; về xác nhận hệ thống quản lý môi trường; kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm môi trường xung quanh (nước mặt, trầm tích, không khí, đất); sửa đổi quy định BVMT đối với cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, quy định về ưu đãi hỗ trợ hoạt động BVMT; bãi bỏ danh mục và biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường, trình tự, thủ tục quyết định danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, công khai danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…

Nghị định số 38/2015/NĐ-CP: Sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và nguy hại; quản lý nước thải, khí thải; quan trắc môi trường định kỳ của doanh nghiệp; bổ sung phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; sửa đổi cơ bản quy định về nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất…

Nghị định số 127/2014/NĐ-CP: Bổ sung quy định về điều kiện để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; thay đổi nội dung liên quan đến điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường…

Ngoài ra, ngày 20/6/2017, Quốc hội đã ban hành Luật số 12/2017/QH14 - Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Theo đó, Chương tội phạm môi trường đã được sửa đổi, bổ sung nhiều điều. Trong đó, có chỉnh sửa các tội danh về môi trường, ô nhiễm môi trường; quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, tạo cơ sở pháp lý để xử lý hình sự đối với những chủ thể này khi có những hoạt động có dấu hiệu tội phạm trong việc gây ô nhiễm môi trường; định lượng hóa đối với hành vi phạm tội của các tội phạm môi trường một cách cụ thể hơn như: tội phạm các quy định về quản lý chất thải nguy hại (ô nhiễm chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất hữu cơ khó phân hủy từ 3.000 kg đến dưới 5.000 kg; từ 5.000 kg đến dưới 10.000 kg....).

Một số hành vi vi phạm hành chính trong Nghị định số 155/2016/NĐ-CP đã chuyển sang xử lý hình sự như hành vi quy định tại Điểm k, Khoản 6, Điều 14; Khoản 10, Điều 14…

Với  những bất cập và nhiều điểm mới quy định trong các luật liên quan như đã nêu trên, đòi hỏi một số quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP cần được nhanh chóng sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao Nghị định số 155/2016/NĐ-CP khó đi vào thực tiễn? - Bài 1: Nhiều điều khoản không còn phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO