Vì sao hơn 100 tỷ từ bán tín chỉ carbon ở Thanh Hóa vẫn chưa thể giải ngân?
(TN&MT) - Việc chi trả tiền từ bán tín chỉ carbon cho các hộ gia đình thuận lợi, phát huy hiệu quả. Trong khi đó, tiền bán chỉ carbon thuộc các chủ rừng nhà nước vẫn đang loay hoay trong việc giải ngân. Hơn 100 tỷ đồng vẫn “đóng băng” trong ngân hàng.
Chưa thể giải ngân hơn 100 tỷ đồng
Thống kê của Quỹ bảo vệ, Phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa), cho thấy giai đoạn 2023-2025, Thanh Hóa có hơn 393.000 ha rừng tự nhiên được chi trả giảm phát thải nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, thu về hơn 162 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng quản lý Quỹ bảo vệ, Phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai cho biết, năm 2023, địa phương này có gần 25.000 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân; 336 chủ rừng là cộng đồng; 39 chủ rừng là tổ chức; 61 chủ rừng là UBND cấp xã trong diện được chi trả tiền bán tín chỉ carbon.
"Việc giải ngân tiền bán tín chỉ carbon năm 2023 chưa thực hiện xong. Năm 2024, kế hoạch tài chính chưa được phân bổ. Thực tế, trong 162 tỷ đồng Quỹ nhận từ Trung ương mới thì có 23 tỷ đồng tiền bán tín chỉ carbon được sử dụng có hiệu quả, hơn 100 tỷ đồng đang đóng băng ở ngân hàng", ông Tuấn nói.
Cuối năm 2023, Quỹ đã chuyển gần 49 tỷ đồng đến các đối tượng hưởng lợi từ bán tín chỉ carbon. Trong đó, hơn 23 tỷ đồng chi trả cho các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, chủ rừng cộng đồng. Việc chi trả cho các hộ gia đình thuận lợi, tiền bán tín chỉ phát huy hiệu quả.
Ông Tuấn thừa nhận, kế hoạch chi trả cho việc bán tín chỉ carbon là nội dung mới, trong quá trình triển khai phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.
Trong đó, tại điểm c khoản 2 điều 3 Nghị định 107, quy định nguyên tắc "chi không chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách nhà nước". Trong khi đó, phần lớn diện tích rừng tự nhiên ở Thanh Hóa đang được bố trí kinh phí từ các chương trình, dự án thuộc ngân sách nhà nước để bảo vệ, khoán bảo vệ rừng. Nếu thực hiện theo nguyên tắc của Nghị định 107 là "chi không chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách nhà nước", sẽ còn lại rất ít diện tích rừng đủ điều kiện chi trả từ nguồn bán tín chỉ carbon.
Đây chính là "nút thắt" dẫn đến nhiều đơn vị nhận tiền chi trả tín chỉ carbon nhưng chưa thể giải ngân.
Theo ông Tuấn, một bất cập, gây lúng túng trong quá trình triển khai nữa là tại khoản 2 điều 5 NĐ107, quy định về đối tượng tham gia thỏa thuận quản lý rừng với chủ rừng tổ chức là cộng đồng dân cư.
Trong khi đó, thực tế tại Thanh Hóa diện tích rừng tự nhiên ở vùng sâu, vùng xa, dọc biên giới Việt - Lào là những nơi có rất ít hoặc không có cộng đồng dân cư sinh sống. Do vậy, chủ rừng là tổ chức không thể thực hiện khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư.
Hiện, Quỹ bảo vệ, Phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai Thanh Hóa đã kiến nghị Quỹ Trung ương kéo dài thời gian thực hiện chi trả chi phí bán tín chỉ carbon đến năm 2027 và sớm báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ những vướng mắc trên.
Các chủ rừng nhà nước “mắc kẹt” chưa thể giải ngân
Ông Lê Xuân Điệp, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh, cho biết năm 2023, đơn vị nhận được hơn 1 tỷ đồng tiền bán tín chỉ carbon, tuy nhiên, đến thời điểm này, tiền vẫn để trong tài khoản, chưa thể giải ngân.
Tuy nhiên, số tiền trên chưa được giải ngân, Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh vẫn đang chờ hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền để lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt cho đơn vị tổ chức thực hiện.
Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh đang quản lý gần 5.700 ha rừng tự nhiên, năm 2023 đơn vị được chi trả hơn 741 triệu đồng tiền bán chỉ carbon. Đầu năm 2024, đơn vị đã được Quỹ bảo vệ, phát triển rừng và phòng chống thiên tai chi trả. Số tiền trên hiện vẫn đang “mắc kẹt” vì vướng mắc trong quy trình hồ sơ.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh cho biết: Hiện đơn vị đã lập kế hoạch tài chính, đồng thời quyết toán nguồn kinh phí năm 2023 là 0 đồng. Chúng tôi đang xin các cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển nguồn từ năm 2023 sang 2024 nên số tiền bán tín chỉ carbon vẫn chưa thể sử dụng.
Ông Dũng cho biết, theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ, số tiền bán tín chỉ carbon phải được chi ở các mục như: hỗ trợ sinh kế cho các cộng đồng sống gần rừng, tham gia bảo vệ rừng; chi cho hoạt động các biện pháp lâm sinh, làm giàu rừng, khoanh nuôi, trồng rừng bổ sung.
Ông Lại Thế Chiến, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh, cho biết năm 2023, huyện có gần 11.000 ha rừng tự nhiên đủ tiêu chuẩn bán tín chỉ carbon.
Trong đó, số diện tích rừng thuộc các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư quản lý khoảng 690 ha, thu được hơn 90 triệu đồng và đã được chi trả.
Số diện tích lớn còn lại thuộc quản lý của các chủ rừng nhà nước, các tổ chức rừng như: Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh là hơn 5.100 ha, Vườn Quốc gia Bến En là hơn 3.200 ha, UBND các xã... Các chủ rừng, tổ chức rừng đều đã nhận được tiền chi trả tín chỉ carbon nhưng chưa thể giải ngân.