Việt Nam đang nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam, mỗi năm, có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Dự báo đến năm 2030, con số này có thể tăng lên tới 70.000 người/năm. Nhận thức rõ tác hại của thuốc lá, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước đã xây dựng mô hình làm việc không khói thuốc như: mô hình trường học, bệnh viện, công sở, khách sạn, nhà hàng... không khói thuốc.
Xây dựng mô hình công sở “không khói thuốc”
Trước đây, đi đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, điều dễ nhận thấy là hình ảnh một số cán bộ, công chức nam vẫn có thói quen hút thuốc ở nơi làm việc ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh. Nhưng đến nay đã giảm đáng kể từ khi khẩu hiệu “Cấm hút thuốc lá” được gắn tại các cơ quan, phòng làm việc. Đặc biệt, một số cơ quan còn đưa các nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, nhất là tác hại của thuốc lá điếu, các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha); các địa điểm cấm hút thuốc lá; nội dung xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống tác hại của thuốc lá theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động góp phần nâng cao ý thức tự giác của mỗi người trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Nhờ đó, nhận thức của công dân đã nâng lên rõ rệt. Hầu như không còn hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức hút thuốc trong phòng họp, không còn tình trạng mời, ép buộc sử dụng thuốc lá; đồng thời, giảm việc mời thuốc lá trong các dịp lễ, Tết, đám cưới, đám hiếu…
Khẩu hiệu “Cấm hút thuốc lá” được gắn tại các cơ quan, phòng làm việc
Đặc biệt, theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, đã có 1.560 cơ quan hành chính, 3.778 trường mẫu giáo, 3.577 trường tiểu học, 2.502 trường trung học cơ sở, 1.010 trường trung học phổ thông thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên và trong nhà.
Ngoài ra, 169 trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc thực hiện cấm hút thuốc lá tại khu vực trong nhà, 208 công ty xe khách thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và trên xe khách… Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động cũng giảm xuống ở hầu hết các địa điểm. Cụ thể, tại nơi làm việc giảm 13,3% (xuống còn 42,6%); tại các trường đại học, cao đẳng giảm 16,4% (xuống còn 37,9%); trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15% (xuống còn 19,4%); tại gia đình giảm 13,2% (xuống còn 59,9%).
Mô hình bệnh viện không khói thuốc
Để tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về việc phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế đã đề xuất với Chính phủ bổ sung quy định thực hiện thí điểm việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá trong các văn bản pháp luật liên quan.
Bên cạnh đó, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đang xây dựng ứng dụng phần mềm (app) trên điện thoại di động để tiếp nhận phản ánh của người dân đối với việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Thông qua ứng dụng này, người dân có thể ghi lại các hình ảnh, hành vi vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và gửi tới cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Bằng những nỗ lực trong xây dựng môi trường trường làm việc không khói thuốc, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước đã góp phần tạo nên môi trường lành mạnh, đảm bảo quyền của những người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành không có khói thuốc. Qua đó, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.