Vi bằng có thể thay thế hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hay không?

Phạm Oanh| 01/07/2021 14:24

(TN&MT) - Khi mua bán nhà đất, các bên có thể lập vi bằng hay không? Vi bằng có thể làm căn cứ để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không… là những câu hỏi nhiều người dân đặt ra khi được các “cò đất” chào mua bán đất.

Để trả lời những câu hỏi trên, trước tiên, phải hiểu vi bằng là gì? Theo Khoản 3 Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định, vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định…. Như vậy, Vi bằng do Thừa phát lại lập để ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc.

Bên cạnh đó, Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng, giá trị pháp lý của vi bằng như sau: Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp quy định tại Điều 37 của Nghị định này; Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.

Vi bằng không phải là văn bản thay thế hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Đồng thời, Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân triệu tập.”.

Theo đó, vi bằng không thay thế hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán nhà ở được công chứng hoặc chứng thực.

Đặc biệt, Điều 37 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định không được lập vi bằng trong trường hợp ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.

Căn cứ theo quy định trên, Nhà nước cấm Thừa phát lại lập vi bằng để: Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (chỉ có đất), hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (chuyển nhượng nhà đất và tài sản khác gắn liền với đất nếu có); Ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng đất, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.

Như vậy, người dân không được lập vi bằng để chuyển nhượng nhà đất. Tuy nhiên, có thể lập Vi bằng để ghi nhận sự kiện liên quan đến chuyển nhượng nhà đất khi cần xác nhận tình trạng nhà, đất; Giao nhận tiền khi chuyển nhượng nhà đất hợp pháp, khi hợp đồng chuyển nhượng đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định; Ghi nhận việc đặt cọc,…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vi bằng có thể thay thế hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hay không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO