Xã hội

Về nông thôn mới Hua La

Nguyễn Nga 30/05/2024 - 16:47

(TN&MT) - Góp nhặt chút tài nguyên đất, tài nguyên nước, nhào nặn cùng sự chân chất, cần cù là vốn truyền thống quý báu của những người dân bản Hua La (Sơn La), đã làm cho mảnh đất vốn ít ỏi tài nguyên, rừng thưa, đồi núi dốc ngày nào trở thành một miền quê trù phú, đáng sống nhất vùng Tây Nam thành phố Sơn La...

Hua La có 15 bản, gần 2.000 hộ gia đình và trên 9.000 nhân khẩu, với 4 dân tộc anh em là Kinh, Thái, Mường, Mông cùng sinh sống.

z5404837456903_5ca74c3b8847aa3dda2235920d7d5edd.jpg
Lãnh đạo tỉnh Sơn La trao Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hua La.

Còn nhớ, năm 2015, khi mới đặt chân về với mảnh đất Sơn La, chúng tôi có dịp đến với Hua La. Dù nằm ngay cạnh trung tâm thành phố nhưng để đến với Hua La khi đó chỉ có con đường đất trải dài bụi mờ.

Người dân “khát” nước sạch, hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu đồng bộ, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, cơ sở vật chất văn hóa. Tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống bà con còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân của người dân còn ở mức thấp.

Gần 10 năm sau, Hua La đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Vậy điều gì đã làm nên sự đổi thay ấy của Hua La?

Đón chúng tôi ở trụ sở UBND xã, ông Quàng Văn Biu, Chủ tịch UBND xã Hua La phấn khởi: Có lẽ, đó là nhờ sự linh hoạt trong tư duy và nhận thức của bà con nơi đây. Người dân Hua La đã vượt qua khó khăn, bằng tinh thần chịu thương, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đầu tư kinh doanh để chủ động vươn lên thoát khỏi cái đói, cái nghèo.

Một trong những lợi thế mà Hua La có đó chính là tài nguyên nước khoáng nóng. Không ai biết mạch nguồn suối nóng của Hua La có từ đâu và có từ bao giờ, chỉ biết rằng, khoảng những năm 1994, mó nước đùn lên, và cũng từ đó, bà con coi đây là “kho báu” để làm du lịch, thoát khỏi cái đói, cái nghèo.

img_2846.jpg
Sở Tài nguyên và Môi trường trao tặng tuyến đường hoa bản Mòng cho xã Hua La.

Có mặt tại hợp tác xã thương mại du lịch Quàng Hôm, sát ngày nghỉ lễ 30/4 – 1/5, gia đình anh Quàng Văn Tuyên đang miệt mài hoàn thiện bể bơi để kịp dẫn nước về đón du khách nghỉ lễ. Thấy chúng tôi đến, anh hồ hởi:

- Nhà báo đợi chút nhé, hôm nay nhà mình đang cải tạo lại bể bơi, đang dẫn nước vào bể xem có đủ độ ấm, độ sạch không. Mai là khai trương đón khách rồi.

Là người dân địa phương, trước đây, gia đình anh Quàng Văn Tuyên cùng nhiều hộ gia đình khác cũng chỉ biết gắn mình với cây lúa, nương ngô. Năm 1994, thấy được tiềm năng của nguồn nước khoáng, các hộ gia đình bắt đầu thử kinh doanh dịch vụ. Ban đầu, hình thức kinh doanh rất đơn sơ, nhỏ lẻ, nhiều khi chỉ là một lán dựng lên với vài bắp ngô, củ sắn.

Năm 1996, gia đình anh mạnh dạn kêu gọi các hộ gia đình khác cùng thành lập hợp tác xã, kinh doanh dịch vụ tắm khoáng kết hợp ẩm thực dân tộc.

Anh Quàng Văn Tuyên nhớ lại: Ấy thế mà đã gần 30 năm trôi qua. Giờ đây, Hợp tác xã của chúng tôi có 14 thành viên, vẫn duy trì các dịch vụ chính là ẩm thực và tắm khoáng. Đồng thời, chúng tôi đã liên kết với các công ty du lịch ở thành phố Sơn La, Hà Nội để đưa du khách đến với Hua La. Nhờ đó mà những năm qua, lượng du khách đến đây rất ổn định, cho bà con thu nhập cao hơn so với trồng ngô, lúa.

Và là người dân gắn bó với ruộng đồng, cùng với kinh doanh, chúng tôi vẫn trồng lúa, trồng cà phê, cây ăn quả, hoa màu, đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, được cung cấp từ chính bà con trong bản, cũng là duy trì được nét văn hóa ẩm thực cho Hua La.

img_6414.jpg
Cây cà phê trên đất Hua La.

Rời khỏi mô hình suối khoáng của gia đình anh Tuyên, tiếp câu chuyện về sự đổi thay của Hua La, vị Chủ tịch UBND xã không giấu được niềm xúc động: Năm 2018, thời điểm xã mới được đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người của bà con mới đạt 29 triệu đồng. Đến hết năm 2023, đã tăng gấp rưỡi, lên hơn 51 triệu đồng/người; trên 95% số hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,46%.

Nói rồi, ông Biu đưa chúng tôi đến thăm quan mô hình sản xuất của hợp tác xã cà phê Bích Thao, với 2 sản phẩm là trà quả cà phê đạt OCOP 4 sao và cà phê bột nguyên chất đạt OCOP 5 sao. Hợp tác xã cà phê Bích Thao đã triển khai mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, áp dụng cơ giới hóa các khâu, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ông Biu, bảo: Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thi đua sản xuất, liên kết các hộ thành lập hợp tác xã sản xuất tập trung, áp dụng quy trình sản xuất an toàn gắn với công tác bảo vệ môi trường. Đó chính là cách để chúng tôi làm giàu cho Hua La.

Được biết, từ năm 2020 đến nay, Hua La đã huy động được gần 9 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới nâng cao; trong đó, nhân dân đóng góp 825 triệu đồng, tham gia hiến đất, góp ngày công lao động xây dựng đường giao thông nông thôn, công trình điện chiếu sáng ngõ xóm, nhà văn hóa... đáp ứng cơ sở hạ tầng nông thôn, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.

Bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi, xanh – sạch – sáng hơn, thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua các năm, bà con từng bước vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

img_2935.jpg
Hội phụ nữ Hua La tạo dựng các tuyến đường hoa. Mỗi tuyến đường hoa được hình thành, mang trong đó là tình yêu bản làng, là công sức của mỗi chị em hội phụ nữ xã.

Tạm biệt Hua La, chỉ một con đường ngắn khoảng 2km dẫn ra trung tâm thành phố, nhưng tưởng như tách biệt ra hai thế giới, giữa một bên là phố thị ồn ào, một bên là bản làng bình yên. Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, Hua La luôn tấp nập đón khách du lịch, vào thăm quan suối nước nóng và trải nghiệm “du lịch chữa lành”...

Khắp các thôn, xóm ngập tràn tiếng cười, đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp, sự no ấm, bình yên hiện hữu trong từng căn nhà. Gần 10 năm qua từng người dân, cùng với sự hỗ trợ của chính sách, của các cấp chính quyền đã làm đổi thay một vùng đất khó....

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về nông thôn mới Hua La
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO