Về nơi bồng bềnh mây trắng

Ghi chép của Bùi Thanh Tùng| 15/01/2023 12:29

(TN&MT) - Lạng Sơn đón chúng tôi bằng trận gió mùa Đông Bắc mạnh nhất từ đầu đông. Trên đỉnh Mẫu Sơn, nhiệt độ đã xuống dưới 4oC. Cái rét sâu đầu mùa khiến áo ai cũng dày hơn, giọng nói run run, núi trầm mặc và sương mù giăng mắc khắp không gian xứ Lạng. Còn gì đẹp hơn khi ngắm nhìn Mẫu Sơn ẩn hiện trong sương và bồng bềnh mây trắng.

Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, sẽ thấy dưới lớp sương dày nên thơ ấy, những “kỹ sư thời tiết” đang ngày đêm âm thầm gắng sức với công việc “đo gió”, “đếm mây”, để những bản tin thời tiết đến kịp với muôn nơi.

“Bắt mạch trời”

6 giờ sáng, chúng tôi lên xe rời Hà Nội hướng về thành phố Lạng Sơn. Quãng đường 150km giờ chủ yếu là đường cao tốc nên chạy khá “nhàn”. Đến thành phố, mở cửa xe bước xuống. Bỗng rùng mình! Cái lạnh của trận gió mùa Đông Bắc không thể cảm nhận được khi ngồi trong xe giờ lặng lẽ trườn vào sau lớp áo, mang đến một cảm giác buổi sớm vùng cao… tê tái.

44-3-.jpg

Trạm Khí tượng Nông nghiệp Lạng Sơn nằm ở thôn Khòn Khuyên, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn. Đây là trạm hạng I, có vai trò quan trọng trong mạng lưới trạm Khí tượng thủy văn (KTTV) của Đài KTTV khu vực Đông Bắc. Theo Trạm trưởng Vũ Kim Thành Trung, Trạm được biên chế 6 viên chức, gồm 1 trạm trưởng và 5 quan trắc viên. Nhiệm vụ chính của trạm là quan trắc, thu thập số liệu khí tượng mặt đất 8 ốp/ngày; quan trắc pilot bằng máy kinh vĩ quang học 1 ốp/ngày và quan trắc khí tượng nông nghiệp phổ thông gồm giống cây lúa hai vụ xuân và mùa, giống cây ngô vụ xuân. Ngoài ra, trạm còn có thêm hệ thống quan trắc hiệu ứng khí nhà kính, quan trắc tổng bức xạ mặt trời, phục vụ công tác dự báo, nghiên cứu về khí hậu địa phương.

Anh Trung phấn khởi cho biết, những năm qua, trạm luôn thực hiện quan trắc và thu thập số liệu đầy đủ, đúng quy trình, quy phạm, thực hiện nghiêm túc kỷ luật quan trắc. Máy thiết bị và phương tiện đo của trạm được tổ chức kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ. Số liệu quan trắc của các loại sổ, giản đồ máy tự ghi luôn được soát xét kỹ càng và cập nhật ngay trên máy vi tính, trên hệ thống dữ liệu của Tổng cục KTTV và Đài khu vực. Trạm cũng luôn thực hiện việc giao nộp tài liệu đúng thời gian quy định, chất lượng tài liệu qua thẩm định luôn đạt kết quả cao.

“Lính mới” nhất tại Trạm là Lý Mạnh Trường. Nói là “lính mới” nhất vì Trường mới được luân chuyển về từ Trạm Khí tượng, Hải văn, Môi trường Bạch Long Vĩ tháng 11/2022. Với anh - một quan trắc viên, điều quan trọng nhất là phải có tính kỷ luật. Bởi công việc quan trắc có quy trình, quy định của ngành, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác, kịp thời, phải làm đúng, đủ tất cả các khâu. Do vậy, dù điều kiện có khó khăn mấy cũng phải tìm cách khắc phục để hoàn thành tốt nhất công việc của mình.

Nằm cách Trạm Khí tượng Nông nghiệp Lạng Sơn khoảng 2km qua bên kia sông Kỳ Cùng, Trạm Thủy văn Lạng Sơn được xây dựng trên đường Nguyễn Du, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn. Đây là trạm cấp I, thực hiện đo đầy đủ các yếu tố thủy văn như lưu lượng phù sa, lưu lượng nước, nhiệt độ nước, mực nước trên sông Kỳ Cùng, chuyển về phòng thông tin của Đài KTTV khu vực Đông Bắc. Trạm có vai trò quan trọng trong công tác dự báo lũ lụt cho tỉnh Lạng Sơn.

Đón chúng tôi với cái bắt tay thật chặt, Trạm trưởng Giang Thanh Hải cho biết, Trạm thủy văn Lạng Sơn là 1 trong 3 trạm thực hiện trao đổi số liệu quốc gia với nước bạn Trung Quốc. Phía bạn cấp số liệu quan trắc sông Hồng cho nước ta, còn nước ta cấp số liệu sông Kỳ Cùng, sông Bằng Giang cho nước bạn. Các số liệu quan trắc được cung cấp hằng ngày, 1 ngày 4 lần vào 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ và 19 giờ trong mùa lũ từ 1/5 đến 31/10. Số liệu chuyển về Đài KTTV khu vực Đông Bắc, sau đó được tổng hợp và chuyển sang Trung Quốc. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng mà Trạm đảm nhiệm trong nhiều năm qua.

“Chỉ có chúng tôi và chúng tôi”

Từ Trạm Thủy văn Lạng Sơn, xe chúng tôi chạy dọc theo đường Nguyễn Du, sau đó rẽ vào quốc lộ 4B. Đi khoảng 15km trên quốc lộ, xe rẽ ngược lên núi theo tỉnh lộ 237B để lên Trạm Khí tượng Mẫu Sơn. Quãng đường hơn 15km này đường rất nhỏ, quanh co với các khúc cua tay áo liên tục. Trời về chiều, sương bay giăng mắc mờ ảo, bủa vây vạn vật, khách như lạc vào thế giới khác. Chỉ hơi mở hé cửa xe, lập tức có thể cảm nhận được luồng gió rét luồn vào da thịt, lạnh thấu xương. Trong tiết trời đó, bất giác mấy câu thơ của Kim Dung trong “Lạng Sơn vào xuân” cứ vang vọng trong đầu: “Đổ dốc cùng anh những dải cheo leo/Ruộng bậc thang rơi trong veo suối nhạc/Mây quấn quanh núi bao nhiêu vòng bạc/Mênh mông rừng chiều lác đác giọt mưa”.

44-2-.jpg

Trạm trưởng Trạm Khí tượng Mẫu Sơn trên vườn Khí tượng. Ảnh: Thanh Tùng

Nằm trên đỉnh núi ở độ cao 1.155m so với mực nước biển, Trạm Khí tượng Mẫu Sơn có vườn khí tượng và 2 khối nhà vừa là nơi làm việc, vừa là nơi ở của các quan trắc viên. Trạm trưởng Hoàng Quốc Huy cho biết, Trạm được lãnh đạo Đài bố trí 3 viên chức. Ngoài Huy còn có Dương Xuân Thái và Hoàng Văn Hùng. Trạm có vị trí rất quan trọng trong việc dự báo gió mùa đông bắc và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác vào mùa đông nước ta. Do đó, hằng ngày, các quan trắc viên phải trực 24/24 giờ, thu thập số liệu quan trắc gửi về Trung tâm Dự báo tại Hà Nội.

Ở Mẫu Sơn lúc này, nhiệt độ chỉ khoảng 4oC, gió mạnh từng cơn phả vào mặt tê tái. Biểu hiện của đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu đông đang hiển hiện rõ nhất ở nơi này. Đứng giữa cái rét sâu trong trời chiều đã gần tắt ánh sáng ban ngày mới thấy hết cái hoang vắng, cô liêu của cảnh vật lẫn con người. Nhìn Nguyễn Quốc Huy trùm kín mít trong chiếc áo khoác lông lom khom trên vườn khí tượng, cần mẫn với từng con số giữa bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo, bất giác, hình ảnh “anh thanh niên” trong “Lặng lẽ Sapa” của nhà văn Nguyễn Thành Long tưởng như đã xưa cũ lắm, hôm nay lại hiện về trên đỉnh Mẫu Sơn. Có khác chăng là bên cạnh Huy còn có Thái, có Hùng bầu bạn, không như “anh thanh niên” chỉ đơn độc một mình.

“Trạm cách khá xa trung tâm thị trấn, thời tiết ở đây cũng rất khắc nghiệt, mùa đông vắng vẻ, chỉ có “chúng tôi và chúng tôi” thôi nên có nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Mùa đông, nhiệt độ có thể xuống đến -5oC, gió có thể đạt cấp 17, 18. Thời tiết như vậy là quá khắc nghiệt đối với các hoạt động hằng ngày. Trong khi đó, chúng tôi phải trực 24/24 giờ bất kể thời gian nào, kể cả những ngày lễ Tết”, Hoàng Quốc Huy tâm sự. Nói là nói vậy, nhưng Huy vẫn tâm niệm: “Đã theo nghề thì xác định là yêu nghề, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ lãnh đạo đã giao”!

Dương Xuân Thái, chàng trai sinh năm 1988 đã gắn bó 10 mùa đông giá lạnh ở Trạm Khí tượng Mẫu Sơn. Thái cho biết, ở đây, vào tháng 1 hằng năm sẽ có nồm ẩm, rất khó chịu. Đặc biệt, việc đi ốp lúc 1 giờ sáng trong mùa đông nhiệt độ xuống âm là thách thức không nhỏ.

Thái cho biết, trình tự quan trắc thường gồm các công đoạn trước giờ tròn từ 11 đến 15 phút, đúng giờ tròn và sau quan trắc, với những việc như quan trắc gió, xác định trạng thái mặt đất, nhiệt độ mặt đất, xác định mây, đọc nhiệt kế khô, xác định thời tiết hiện tại, thời tiết đã qua, quan trắc khí áp… Tất cả đều được tiến hành rất nhanh để hoàn chỉnh số liệu, thảo mã điện để kịp chuyển số liệu không chậm quá 5 phút sau giờ tròn về Đài KTTV khu vực Đông Bắc. Cứ thế hàng ngày, một quan trắc viên trực phải thực hiện quan trắc vào 4 khung giờ cố định là 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ và 19 giờ. Dù điều kiện làm việc có nhiều khó khăn, nhưng Thái cho biết rất ấn tượng với mùa đông ở Mẫu Sơn. “Đột nhiên sau một đêm ngủ dậy thấy xung quanh trắng xóa băng! Cảm giác rất khó diễn tả bằng lời”, Thái vui vẻ nói.

Vượt chỉ tiêu chất lượng

Đài KTTV tỉnh Lạng Sơn thuộc Đài KTTV khu vực Đông Bắc, có 38 viên chức, phân cho 6 trạm khí tượng, 3 trạm thủy văn và 1 Đài KTTV tỉnh. Nhiệm vụ của các trạm là làm công tác thu thập số liệu phục vụ cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Thông tin từ Đài KTTV tỉnh cho biết, những năm qua, các trạm đã thực hiện tốt công tác thu thập số liệu, cảnh báo dự báo thời tiết, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa lớn, gió mùa, không khí lạnh, lũ quét, sạt lở đất… đảm bảo kịp thời trong công tác phòng chống thiên tai của tỉnh.

44-4-.jpg

Đánh giá về việc thực hiện nhiệm vụ của hệ thống Trạm trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Đài KTTV tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Văn Sơn cho biết, thời gian qua, công tác thu thập số liệu từ các trạm KTTV trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trạm đầu sóng ngọn gió Mẫu Sơn được thực hiện rất tốt. “Trạm Khí tượng Mẫu Sơn có độ cao trên 1.150m, địa hình phức tạp. Nơi đây là điểm đầu tiên đón gió mùa Đông Bắc của nước ta, giúp xác định cấp độ gió mỗi đợt không khí lạnh về, khả năng xảy ra băng tuyết và xác định các đợt mưa lớn phục vụ công tác phòng chống thiên tai của tỉnh. Các cán bộ của trạm luôn đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ, vượt chỉ tiêu chất lượng Đài giao”, ông Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.

Trời xứ Lạng đang rét, không khí y như đã vào những ngày Tết Nguyên đán cổ truyền. Khi xe đã bắt đầu chuyển bánh về xuôi, từ xa ngước nhìn về phía đỉnh Mẫu Sơn mờ đục trong sương chiều, không hiểu sao tôi cứ hình dung ra khung cảnh những chàng trai, cô gái người Dao sặc sỡ trong bộ trang phục dân tộc, đứng ngồi e ấp bên những gốc đào đỏ thắm. Rồi họ tụ tập bên khoảng sân rộng chơi các trò chơi dân gian ngày Tết, tiếng cười giòn tan vang khắp núi đồi. Và ở đó, tôi cũng thấy bóng dáng của Huy, Hùng, Thái đang lục đục chuẩn bị bữa cơm chiều để kịp đi ốp trên vườn khí tượng. Ngoài cổng Trạm, lá cờ đỏ sao vàng tung bay, hòa lẫn trong sắc đỏ của hoa đào, đẹp đến nao lòng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về nơi bồng bềnh mây trắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO