Dân vận Đảng, dân vận chính quyền trong đại dịch Covid - 19
Đợt dịch Covid -19 hồi tháng 4/2021, huyện Nậm Pồ khi phát hiện ca dương tính đầu tiên, chỉ 5 ngày sau đó đã có hàng chục ca F0 và hơn 1.000 ca F1. Trong khi đó, f0 và f1 khi ấy chủ yếu là các em học sinh mầm non và tiểu học. Và huyện Nậm Pồ cũng là huyện đầu tiên của cả tỉnh Điện Biên có ca dương tính với số lượng nhiều nhất tỉnh và chủ yếu là học sinh. Chỉ sau 3 ngày, Nậm Pồ kích hoạt 12 khu cách ly tập trung với khoảng 1.311 người.
Bên cạnh đó, với tâm lý chung của người dân không muốn cách ly tập trung, thậm chí có những trường hợp trốn cách ly. Trước thực trạng đó, Nậm Pồ đã phải lên nhiều phương án, nhiều kịch bản để tuyên truyền, vận động người dân yên tâm cách ly tập trung để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid -19.
Trước tình thế cấp bách, để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra, hàng ngày, lãnh đạo huyện thường xuyên họp trực tuyến với điểm cầu tâm dịch Si Pa Phìn để sớm có biện pháp ứng phó linh hoạt kịp thời. Buổi tối, lãnh đạo huyện tổ chức giao ban Thường vụ huyện ủy với UBND huyện và các thành viên ủy ban; vừa ban hành chủ trương, vừa chỉ đạo điều hành, tổ chức triển khai thực hiện, trên tinh thần vướng mắc đâu tháo gỡ ở đó.
Trong khoảng thời gian này, Nậm Pồ Cũng có khoảng 680 trẻ em cách ly tập trung, việc lo thức ăn, chăm sóc, vệ sinh cho trẻ khá vất vả. Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Hoa, Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tân Phong, xã Si Pa Phìn, cho biết: Thời gian cách ly của các cháu thời điểm đó là 21 ngày; thời gian gần 1 tháng, trong khi số lượng học sinh phải cách ly khá lớn. Hàng ngày các cô giáo phải túc trực hướng dẫn các em vệ sinh thân thể, vệ sinh cá nhân, lo bữa ăn, giấc ngủ và tuân thủ những quy định của y tế về chống dịch… Đặc biệt đối với những em tiếng phổ thông còn chưa thạo việc hướng dẫn các em thực sự rất vất vả. Song, tất cả cô trò cùng các bác sỹ, phục vụ… đều nỗ lực cố gắng, dịp 1/6 Ngày Quốc tế thiếu nhi, các cháu trong khu cách ly đều được nhận của các bác trong huyện, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ, động viên các cháu. Có lẽ, đó là một kỷ niệm khó quên nhất trong nghề. – Cô Hoa chia sẻ.
Cũng trong thời điểm đó, Nậm Pồ vừa căng sức chống dịch vừa phải tổ chức thành công bầu cử HĐND các cấp. Mặc dù khó khăn, nhưng tỷ lệ cử tri đi bầu cử toàn huyện Nậm Pồ đạt 98%, riêng xã Si Pa Phìn tâm dịch, tỷ lệ bỏ phiếu vẫn đạt 100%.
Được biết, ngay sau khi Nậm Pồ phát hiện ca dương tính đầu tiên, lãnh đạo huyện đã huy động toàn bộ lực lượng, cả huyện tham gia chống dịch và truy vết, trên tinh thần truy vết thần tốc và xử lý thật nhanh với những ca f0. Đặc biệt, không để người dân và các cháu học sinh thiếu ăn, thiếu mặc trong khu cách ly… Trong khi đó, hầu hết các khu cách ly tập trung của huyện đều gặp một số khó khăn chung như: thiếu vệ sinh, bếp ăn, khu tắm giặt, thực phẩm… và hầu như cái gì cũng thiếu. Nhưng chỉ sau 1 tháng, với địa hình phức tạp, hiểm trở, dân trí thấp… Nậm Pồ đã khống chế hoàn toàn đại dịch Covid -19; không có ca lây nhiễm bị tử vong.
Trong lúc toàn dân chưa được tiêm vắc - xin phòng, chống Covid -19 thì đó là một thành công lớn. Công lao ấy thuộc về bà con các dân tộc ở Nậm Pồ; ý thức chấp hành, đoàn kết các dân tộc… chung tay cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền để làm nên sự yên bình ấy. Trong khi đó, tại Việt Nam và các nước trên thế giới chưa có vắc xin tiêm phòng dịch bệnh Covid -19. Mỗi ngày, các ca nhiễm trên thế giới và cả Việt Nam không ngừng gia tăng, số ca mắc tử vong toàn thế giới lên đến con số triệu người.
Đứng trước đại dịch, các nước phát triển, các thành phố lớn cũng phải suy kiệt kinh tế, bào mòn ý trí, nghị lực của con người. Thực tế, Nậm Pồ chỉ là một huyện miền núi nghèo nhất cả nước, dân trí thấp, sống rải rác ở các sườn đồi, giao thông hiểm trở, tiếng phổ thông (tiếng Việt) không biết… Thì đó quả là một “trận chiến cam go”. Nhưng có lẽ, trong khó khăn, hoạn nạn, ý trí và tinh thần đoàn kết lại được rấy lên thành một phong trào mạnh mẽ, tạo khối thống nhất trở thành sức mạnh phi thường. Và cũng trong thời khắc quan trọng ấy, buộc người đứng đầu địa phương phải đưa ra quyết sách thận trọng, mạnh mẽ, gần như mang tính quyết định đến sự an nguy của đồng bào các dân tộc Nậm Pồ.
Thật vậy, có sự yên bình bình nào lại không hao tâm, tổn lực. Có no ấm nào lại không đổ mồ hôi… Tất thảy là nhờ sự đoàn kết các dân tộc, ý trí quyết tâm, vượt khó, trên dưới đồng lòng của các cấp ủy Đảng, chính quyền ở nơi đây.
Những kinh nghiệm đi lên từ thực tiễn
Sau khi, đại dịch Covid -19 được kiểm soát tại Nậm Pồ, cùng với đó là người dân đã được tiêm vắc – xin đầy đủ. Dịch Covid -19 đến nay không còn lo ngại như trước đây khi toàn dân chưa được tiêm vắc – xin phòng chống, dịch Covid -19. Song, Nậm Pồ là huyện có 128km đường biên giới giáp Lào; 8/15 xã giáp nước bạn, với hơn 54,100 nhân khẩu, rải đều 135 bản. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khó khăn trong công tác giữ vững an ninh, trật tự xã hội khu vực biên giới, trong khi Nậm Pồ là địa phương hiện có 8 dân tộc anh em chung sống.
Bí thư Huyện ủy Lê Khánh Hòa, nhận định: Địa phương có nhiều dân tộc anh em sinh sống đó cũng là một thế mạnh, đa dạng về văn hóa, phong phú các phong tục.. tốt cho việc gìn giữ và phát huy truyền thống mỗi dân tộc, góp phần thúc đẩy sự đa dạng xã hội, đặc biệt trong việc khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi ấy còn có những khó khăn nhất định trong việc tập hợp ý trí, sức mạnh đoàn kết các dân tộc. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã quyết định thành lập 121 tổ dân vận cơ sở… Với mục tiêu phát huy thế mạnh địa phương, giá trị văn hóa các dân tộc góp phần tham gia mục tiêu phát triển kinh tế ở địa phương. 121 tổ dân vận sẽ sinh hoạt trực tiếp tại 121 bản trên địa bàn huyện, mỗi thành viên là lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên thuộc các chi bộ trực thuộc huyện. Trong đó, tổ trưởng là trưởng, phó các cơ quan, phòng ban, ngành đoàn thể, lực lượng vũ trang… có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội tại 121 bản trên địa bàn. Trực tiếp và chỉ đạo các ban, đoàn thể xã cùng tham gia bám nắm cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đời sống của Nhân dân kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc, giải quyết hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm những bức xúc, nhu cầu chính đáng của Nhân dân.
Ngoài ra, các tổ dân vận có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, chức năng, cấp ủy Đảng, chính quyền các xã tham mưu giúp Ban thường vụ Huyện ủy tổ chức hội nghị triển khai; đôn đốc, hướng dẫn hoạt động của các Tổ Dân vận cơ sở; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao chất lượng hiệu quả của các Tổ Dân vận cơ sở. Tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy sơ kết vào tháng 6 và tổng kết vào tháng 12 hàng năm.
Đây là mô hình mới của huyện Nậm Pồ; hình kiểu mẫu trong công tác dân vận để xây dựng hệ thống chính trị, giữ vững an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn, góp phần thúc đẩy kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc tại địa phương. Đặc biệt có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với các xã biên giới giáp Lào và huyện khó khăn biên giới của Nậm Pồ.
Chia tay Nậm Pồ trong cái bắt tay bịn rịn, câu chuyện về công tác dân vận của Nậm Pồ đã tạo thành một khối thống nhất; chỉ cần một mắt xích trồi lên sẽ khiến đoàn tàu trệch bánh lái, văng ra khỏi đường ray. Trên con đường về đích, đoàn tàu đó có thể gặp những trở ngại. Song với tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm của tập thể cùng với bản lĩnh của người đứng đầu bộ máy, chắc chắn không bao lâu Nậm Pồ sẽ đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đảng bộ huyện đã đề ra, đưa huyện vùng cao Nậm Pồ chuyển mình trên con đường phát triển bền vững mà ở đó, dẫu có thể kết quả chưa tròn vẹn, nhưng ý Đảng lòng dân hòa quyện là cơ sở để con tàu chuyển bánh nhanh hơn, về đích sớm hơn trong những chặng tiếp theo. Lời dạy của Bác “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” mãi còn nguyên giá trị.