Ngát thơm hương dứa Mường Khương
Từ trung tâm huyện Mường Khương xuôi về xã Bản Lầu đi trên con đường vành đai biên giới qua các thôn Na Mạ rồi chạy qua các thôn Đồi Gianh, Pạc Bo… đâu đâu cũng gặp bạt ngàn ruộng dứa. Chúng tôi dừng xe ghé thăm, vui với bà con thôn Pạc Bo, xã Bản Lầu đang thu hoạch vụ dứa cuối cùng trong năm. Trưởng thôn Pạc Bo ông Lý Văn Lộc cho biết: Tất cả 132 hộ thôn nơi đây đều trồng dứa. Năm nay, dứa chất lượng quả tốt, được mùa được giá, bà con thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Những năm qua, nhờ có thu nhập từ quả dứa mà đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, số hộ nghèo chỉ còn khoảng 5,8%...
Từ khi một số bà con người Mông đầu tiên ở các xã Dìn Chin, Tả Ngài Chồ đến các thôn Na Lốc, Cốc Phương lập nghiệp vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, mảnh đất biên cương đến nay đã thay đổi với sự no ấm, trù phú. Dọc theo đường biên giới thuộc khu vực xã Bản Lầu với hơn 800 hộ đồng bào dân tộc (chủ yếu là đồng bào Mông, Dao) sinh sống. Đồng bào được Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi diện tích trồng ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng dứa, chuối, giúp tăng thu nhập, bình quân lên 30 - 50 triệu đồng/hộ/năm. Rất nhiều hộ có thu nhập từ trồng dứa, chuối lên đến 500 triệu đồng/năm.
Ông Thào Dìn (thôn Cốc Phương) chia sẻ: Năm 1989, gia đình ông cùng 24 hộ từ xã Tả Ngài Chồ và xã Dìn Chin về đây lập nghiệp. Cuộc sống ngày ấy cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc, nói gì đến chuyện học hành của con cái. “Lúc bấy giờ, thấy người dân bên kia biên giới trồng cây dứa có hiệu quả kinh tế cao, một số người đã sang đó làm thuê, tôi cũng đi theo. Vừa làm thuê, vừa học hỏi cách trồng, cách chăm sóc cây dứa, rồi tôi quyết định mua vài nghìn cây giống về trồng thử ở Na Lốc. Na Lốc, Cốc Phương thay đổi nhiều lắm! Thôn có nhiều hộ từ nghèo đói đã vươn lên giàu có nhờ trồng dứa, như Giàng Chúng, Sùng Sử, Thào Thắng, Thào Minh, Thào Sang, Sùng Phử... Một số hộ xây nhà ở kiên cố, mua sắm được xe ô tô tải làm dịch vụ vận tải” - ông Thào Dìn hồ hởi nói như khoe.
Đổi thay cuộc sống người dân
Dưới ánh nắng vàng trải khắp những nương đồi, sườn núi cuối thu ở huyện Mường Khương, Lào Cai, ta dễ dàng thấy bạt ngàn đồi quýt thuộc các thôn Sả Hồ, Dì Thàng, Sa Pả, Chúng Chải A, Chúng Chải B... Thấp thoáng dưới làn mây phủ là những bản làng trù phú của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Pa Dí, Tu Dí… đang vào vụ thu hoạch quýt.
Người dân tộc Tu Dí, ở thôn Sả Hồ được mệnh danh là người mở đường cho cây quýt bén rễ, kết trái trên đất Mường Khương. Anh Làn Mậu Thành - một trong những người đầu tiên mang cây quýt về đất Mường Khương chia sẻ: “Cuộc sống của gia đình tôi trước đây rất khó khăn, chỉ biết trồng ngô trên đất cằn cỗi, thế rồi, thấy một số vùng có khí hậu tương tự phát triển được giống quýt ngọt, tôi quyết tâm học trồng bằng được”.
Năm 2002, sau thời gian dài học tập kỹ thuật, anh Làn Mậu Thành đã mạnh dạn đầu tư trồng thí điểm 2.000 cây quýt trên nương của gia đình. Năm 2006, vợ chồng anh thu hoạch vụ quýt đầu tiên. Anh Làn Mậu Thành cho biết: Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm gia đình thu hoạch 50 - 100 tấn quả, nguồn thu từ bán quả quýt và cây giống các loại đạt khoảng 500 triệu - 1 tỷ đồng/năm.
Tính đến nay, các xã rẻo cao biên giới của huyện Mường Khương đã có hơn 815ha quýt, hằng năm đưa ra thị trường khoảng 3.738 tấn quả, thu về hơn 44,8 tỷ đồng. Điều quan trọng là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng núi cao đã phát huy được lợi thế khí hậu, đất đai để xây dựng được vùng hàng hóa có chất lượng cao, được thị trường chấp nhận, tạo việc làm và nguồn thu ổn định.
Ông Lê Thanh Hoa - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết: Để có thu nhập ổn định, Mường Khương đã nghiên cứu trồng cả cây quýt chín sớm và chín muộn. Cây quýt chín sớm cái lợi nhất là dễ bán, dễ thu hoạch, ít bị “dồn ứ” hàng, người dân lại có nguồn thu nhập khá. Cây quýt chín muộn (thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau, trùng vào dịp Tết Nguyên đán) năng suất trung bình 12 tấn/ha, giá bán bình quân 25.000 đồng/kg, giá trị thu nhập đạt 300 triệu đồng/ha.
Gần 20 năm qua, sản phẩm quýt Mường Khương đã khẳng định chất lượng, uy tín trên thị trường, được người tiêu dùng lựa chọn. Quýt Mường Khương đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu vào năm 2017. Cây quýt, dứa đã làm đổi thay những bản làng của huyện nghèo Mường Khương, đưa thu nhập của người dân Mường Khương từ 8,5 triệu/ người (năm 2012) lên 26,51 triệu/ người (năm 2022).