Xã hội

Về miền nắng gió

Bùi Duy Phong 08/02/2024 - 22:42

(TN&MT) - Về với nơi nắng gió Bác Ái, về với nơi của “giấc mơ Chapi” để được nghe, được tận mắt chứng kiến một vùng văn hóa đã tồn tại lâu đời vẫn ngời ngời bản sắc mặc cho bao thay đổi của thời cuộc...

tieng-dan-chapi.png
suoi-o-cam.png

Sau nhiều năm, tôi có dịp về lại vùng đất của người Raglai. Không có nhiều đổi thay là mấy. Vẫn mênh mông nắng gió của đất trời. Những con đường rộng thênh thang phẳng lì vắng hoe trong những ngày cuối tuần. Cơn mưa bất chợt như tưới thêm chút sinh tồn cho cỏ cây hoa lá nơi đây. Giữa màu xanh bao la của thảo nguyên cỏ, những đàn dê trắng, những đàn bò vàng đủng đỉnh thong dong gặm cỏ, dường như chẳng đoái hoài gì đến sự có mặt của con người. Trên vùng đất rộng người thưa và thiên nhiên khắc nghiệt, một vùng văn hóa đặc trưng của đồng bào Raglai vẫn âm thầm trường tồn đầy bản sắc mặc cho bao vật đổi sao dời của thế giới xung quanh mình.

Biết tôi là người hay viết và thích tìm hiểu những miền đất lạ, vợ chồng cô em gái đồng hương, người đã gắn bó lâu đời với cộng đồng dân tộc nơi đây tình nguyện lấy xe đưa tôi vào sâu trong xã xa nhất của huyện Bác Ái. Tôi được hòa mình vào nhịp sống của người dân bản địa, được nghe, được thấy những nét văn hóa lâu đời cuồn cuộn chảy dưới những cánh rừng. Xe chúng tôi băng qua hồ thủy điện Sông Cái, một hồ nước mênh mông lớn vào hàng bậc nhất miền Trung với những con đập sừng sững chắn dòng chảy để đi sâu vào xã Phước Bình. Gần 50km băng giữa những cánh rừng nguyên sinh của vùng đệm Vườn Quốc gia dọc theo dòng chảy của những sông suối lớn nhỏ cho ta cảm giác khác thường. Những tán cây rừng cao vút còn sót lại che mát những con đèo ngoằn ngoèo uốn lượn giữa rừng già. Những rẫy lúa, rẫy chuối và những ngôi nhà sàn đơn sơ của người dân tộc bản địa vùn vụt qua cửa kính ô tô trong cái nắng đầu ngày cho thấy nhịp sống sinh sôi cứ nối tiếp, nối tiếp bên những cánh rừng.

dong-bao-raglai-o-xa-phuoc-chinh-huyen-bac-ai-cham-soc-lua-theo-mo-hinh-lien-ket-san-xuat-voi-hop-tac-xa-o-dia-phuong.png
Đồng bào Raglai ở xã Phước Chính, huyện Bác Ái chăm sóc lúa theo mô hình liên kết sản xuất với hợp tác xã ở địa phương...

Chúng tôi chầm chậm như để đón lấy chút không khí thanh bình hiếm hoi tràn vào cả bên trong xe. Tiếng chim gọi bầy lao xao trên những tán cây cao làm xao xuyến những con người chỉ quen với tiếng ồn ào của phố xá như tôi. Không khí mát lạnh khác với những gì mà người ta hay gắn cho vùng đất ”nắng như Phan, gió như Rang” này. Thi thoảng rực lên những tàn cây hoa đỏ, hoa trắng làm điểm nhấn cho bức tranh màu xanh của rừng trong ngút ngàn tầm mắt. Tôi như con nai ngơ ngác giữa thiên nhiên bao la, như con chim Chơ-rao lạc bầy sải đôi cánh kiếm tìm giữa núi rừng trùng điệp.

Chúng tôi dừng lại nơi di tích bẫy đá của người anh hùng dân tộc Raglai Pinăng Tắc. Bài học trong sách ngày xưa thời đi học về cách đánh giặc thô sơ, độc đáo của ông vẫn còn nằm đâu đó trong môt góc trí nhớ của mình. Tiếng róc rách của con suối dưới vực sâu kia vọng lại nghe như tiếng đá lăn đè bẹp quân thù năm nào. Tôi không hiểu vì sao quân Pháp lại vượt sâu vào giữa rừng già nơi có địa hình hiểm trở để lọt vào bẫy đá? Rất tiếc là di tích ấy giờ chỉ còn là mấy tảng đá to và vực sâu mà chưa trở thành một điểm check-in lý tưởng để giáo dục cho thế hệ trẻ.

nguoi-dan-bac-ai-nuoi-cuu-thoat-ngheo.png
...và nuôi cừu thoát nghèo

Xe chúng tôi lại trực chỉ Vườn Quốc gia Phước Bình để được tận mắt xem loài bò tót, động vật cực kỳ quý hiếm còn sót lại vùng rừng núi này. Bãi cỏ nơi người ta phát hiện con bò đực đầu tiên xuống ăn và lai tạo với bò nhà vẫn xanh rì một màu trù phú. Đàn bò tót sau khi được đưa về Trung tâm bảo tồn của Vườn Quốc gia nuôi thả trong môi trường bán tự nhiên đã mập mạp hơn nhiều. Hy vọng sinh tồn cho loài động vật có trong Sách đỏ này lại được nhen nhóm giữa những cánh rừng Bác Ái. Những vườn bưởi lúc lỉu quả, những nương rẫy phủ một màu xanh bạt ngàn của nơi được xem là thủ phủ chuối. Những thân chuối mồ côi lần đầu tận mắt chứng kiến đang giấu đi cái buồng quả sắp chín trong những lớp áo lá xanh rì xung quanh đường đi làm ta có cảm giác như đang đi giữa một vùng châu thổ nơi đồng bằng khi băng sâu vào những ngôi làng xa nhất. Khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho cây trái đã mang lại sự sung túc cho đồng bào vùng cao Phước Bình.

Rời Vườn Quốc gia khi cái nắng đã bắt đầu len lỏi qua những tán cây rừng, chúng tôi ghé thăm trường tiểu học xa nhất xã. Không khí nơi đây đang rộn ràng vì các bạn giáo viên đang tập luyện tiết mục cho lễ hội trái cây sắp được khai mạc. Tôi lại có dịp chiêm ngưỡng đôi tay, đôi chân của những con người vùng cao dặt dìu theo tiếng nhạc đặc trưng của văn hóa dân tộc mình mà lòng lại càng mến phục những con người lên non cao gieo chữ. Họ bám trụ lại giữa rừng già vì ánh mắt trong veo ngây thơ của biết bao em bé Raglai đang chờ nơi non cao, vì những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình cần được gìn giữ và phát huy. Tiếng đọc bài ngọng nghịu vang vọng từ các nhà sàn như gieo vào lòng người lữ khách chút buồn vui khó tả. Nâng chén rượu ngâm hạt chuối mồ côi rồi nhấm chút thịt gà đồi vàng ươm cùng các thầy cô của trường chiêu đãi, ta lâng lâng trong men say tình người của nơi cùng trời cuối đất này.

tieng-dan-chapi.png

Về với nơi nắng gió Bác Ái, về với nơi của “giấc mơ Chapi” để được nghe, được tận mắt chứng kiến một vùng văn hóa đã tồn tại lâu đời vẫn ngời ngời bản sắc mặc cho bao thay đổi của thời cuộc. Người Raglai theo chế độ mẫu hệ, đời sống vẫn còn khó khăn lắm dù được sự quan tâm của Nhà nước. Những ngôi nhà bé xíu, thấp lè tè dọc theo quốc lộ 27B phơi mình giữa đất trời. Những ngôi nhà sàn tuềnh toàng chống chọi cùng thiên nhiên, những em bé với áo quần lấm lem theo sau những đàn dê, đàn bò mà ta bắt gặp trên đường đi thấy thương đến lạ. Người Raglai vô lo. Họ sống một cuộc sống thanh bình không đua tranh. Khi buồn, khi vui thì cùng uống rượu và rung lên vài thanh âm của cây đàn Chapi đong đầy tình đất tình người. Tiếng đàn dặt dìu dưới ánh trăng xua tan bao nhọc nhằn gian khó, tiếng đàn ngân nga theo men rượu những lúc được mùa hay hòa cùng tiếng của những đàn gia súc trên những ngọn đồi vắng. Tiếng chapi đong đầy cái nắng, cái gió.

mot-goc-trung-tam-hanh-chinh-huyen-bac-ai-noi-co-tren-87-la-dong-bao-raglai-sinh-song.png
Bác Ái - vùng đất của cây đàn Chapi nổi tiếng

Rời Bác Ái khi nắng chiều đã nhạt mang theo niềm nhớ thương một vùng đất ấm áp tình người. Hy vọng một ngày mới tươi đẹp sẽ đến với nơi này để những em bé người Raglai được đến trường khi cái ăn cái mặc không còn là nỗi lo thường trực. Để tiếng chapi cứ ngân dài nối những mùa vui. Để một vùng văn hóa cứ mãi trường tồn, vang vọng cho muôn đời sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về miền nắng gió
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO