Về miền… "đất chết"

28/02/2017 00:00

(TN&MT) - Đã từ bao đời, nếu là người xứ Quảng ai cũng tự hào và xem sông Thu Bồn là dòng sông mẹ trong hệ thống sông ở khu vực. Còn giờ đây, dòng sông mẹ đang ngày đêm quằn quại, nát tan bởi nạn khai thác vàng trái phép ở thượng nguồn… Cả một hệ thống đầu nguồn sông Thu Bồn gồm sông Cái, sông Nước Mỹ, sông Tranh, sông Trường Giang, sông Bung, sông Thanh… bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hợp lưu đổ về Thu Bồn giờ đây đang bị “móc ruột” tài nguyên.

Dòng sông Thanh đã biến thành những
Dòng sông Thanh đã biến thành những "thung lũng" bởi nạn khai thác vàng trái phép

Dòng sông “đá dựng”

Nắng sớm chớm lưng chừng núi, xuôi miền non tản, tôi vô tình gặp lại cố nhân A Lăng Mi ngần ấy năm rồi. Tóc ông đã trắng nhưng đôi mắt vẫn hoẵm sâu long lanh ấy.

- Ông còn nhớ cháu chứ?

- Ồ, thằng cu hai tấn đó à, lại định bắt ông lội nước dắt đò nữa sao. A Lăng Mi cười giòn trong hối hả.

Vốn đã lâu lắm rồi, trong một lần đi công tác ở miền sông Thanh (Nam Giang, Quảng Nam) này, tôi được ông cho qua giang miền nước dữ dòng Thanh, nửa chừng bất cẩn, tôi đã làm đắm đò của ông. Chiếc ba lô lềnh bềnh chảy, đò chiều đắm đuối giữa dòng, cũng may tôi có biết bơi. Kể từ ngày đó, thi thoảng qua miền sông Thanh tôi lại tìm về với ông.

Dòng Sông Thanh bắt nguồn từ huyện Nam Giang là thượng nguồn của sông Thu Bồn, ngày xưa người dân thường quen gọi là sông Xanh vì nước sông quanh năm xanh mát. Sông uốn quanh núi nên có độ dốc, nước chảy xiết, về mùa mưa nước lớn, dòng sông trở nên rất hung dữ nhưng về mùa khô nước sông cạn, dòng sông trơ lên những mỏm đá gồ ghề và những “vực thẳm” bởi tình trạng đào vàng đã quá phổ biến ở nơi đây.

“Ở cái làng Cà Ry này, đã từ lâu, nam giới sức khỏe thì đào sông, khoét hầm, đốn núi còn phụ nữ và trẻ em thì tuyển quặng, mỗi người một việc” - A Lăng Mi vừa nhấm nháp chén rượu, vừa kể
“Ở cái làng Cà Ry này, đã từ lâu, nam giới sức khỏe thì đào sông, khoét hầm, đốn núi còn phụ nữ và trẻ em thì tuyển quặng, mỗi người một việc” - A Lăng Mi vừa nhấm nháp chén rượu, vừa kể

Dẫn tôi qua giang lần này, hai mắt A Lăng Mi đượm buồn và lo âu. Dòng chảy không như ngày xưa, giờ quanh co và dữ dằn lắm. Từ xã Ta Bhinh, Cà Ry, Đắc Pre… dọc theo chiều dài của dòng sông, tôi bắt gặp rất nhiều những nhóm từ 5-7 người trải ra khắp chiều dài dòng sông, che lán nấu nướng, ngủ nghỉ tại đó luôn để lúc nào cũng sẵn sàng cho việc đào khoét lòng sông tìm vàng. Có những chỗ “kiếm ăn được” thì số lượng người tập trung rất lớn. Dụng cụ của những phu đãi vàng cũng đơn sơ, một cái máy xay đá, một máy hút cát, rồi cuốc mổ, xẻng, tràng, lưới sắt…

“Mấy chục năm trước, bà con làng mình sống nhờ vào dòng sông ni. Cá, tôm nhiều bất tận, không phải lo cái ăn vì nhờ vào sông mẹ cho tôm cá. Còn bây chừ, cả làng mình chỉ sống dựa vào nương rẫy. Còn sông suối chẳng ai dám xuống bởi nước bị ô nhiễm nặng do hoá chất, cá tôm cũng không còn…”. A Lăng Mi buông chèo nhẹ nhàng nói với tôi. Bộp. Bộp. Đò chấn động, quay nghiêng dòng chảy, những mảng đá ngầm va dưới mảng đò. Chống chếnh. A Lăng Mi vội đứng mái chèo, hai chân gập xuống sát vách đò, dùng hết sức lực giữ thăng bằng thân đò, cho đò xuôi về hướng phải, nơi có dòng êm. “Đó, hậu quả của nạn đào đãi vàng sa khoáng giữa dòng sông đó. Không phải một đoạn, mà gần chục cây số của con sông này, nơi nào cũng vậy, đá dựng xiết dòng, đò húc đá đắm thường xuyên” - A Lăng Mi giận lắm.

Dòng sông đã bị cày xới nham nhở
Dòng sông đã bị cày xới nham nhở

“Đò mới qua một nạn thôi đó” - A Lăng Mi lại cười, còn tôi chưa hết bàng hoàng. Xa xa đầu nguồn tít tắp, vẫn thấy những tàu cuốc khai thác vàng sa khoáng núp bóng dưới hình thức khai thác cát để phục vụ cho các dự án thuỷ điện. Những nơi tàu cuốc đi qua, để lại phía sau những đống đất đá khổng lồ như những đập chắn nước. Chúng tôi vượt qua đoạn dài,dòng nước đục ngầu cuộn chảy, gió lồng lộng, ngược lên phía thượng nguồn, đi đến đâu cũng thấy cảnh tượng lòng sông bị đào bới.Những đống đất đá khổng lồ ngàn m3 được trục vớt từ dưới lòng sông sâu đổ lên từ những tàu cuốc khai thác trái phép hơn một năm nay chất cao như núi.

“Chống chếnh” dòng Thanh

Lâu. Tôi lại có dịp về miền đá dựng, bốn bề hoẵng tanh, vi vu gió ngàn. Lòng sông mẹ lô nhô đá, rám cháy giữa chừng, chia đôi dòng chảy… A Lăng Mi cho đò dạt phía chân vách, cùng tôi vào làng Cà Ry. Gần nửa ngày dong dải trên dòng Thanh cùng A Lăng Mi, ba lô ướt sủng, bụng khá cồn cào. Nhà A Lăng Mi còn nghèo lắm, nội mấy xoong chảo đen quánh từ lâu không được rửa, chiếc giường tre oặn xuống sát thềm nhà đất tưởng chừng có thể gãy bất cứ lúc nào. A Lăng Mi đặt phịch bình rượu mùi mốc đã ngâm từ lâu ngay giữa nền nhà. “Hôm nay có rượu già và cá niêng nướng từ tối để đãi khách đây” - A Lăng Mi nói cười sảng khoái.

Lâu. Tôi lại có dịp về miền đá dựng, bốn bề hoẵng tanh, vi vu gió ngàn. Lòng sông mẹ lô nhô đá, rám cháy giữa chừng, chia đôi dòng chảy…
Lâu. Tôi lại có dịp về miền đá dựng, bốn bề hoẵng tanh, vi vu gió ngàn. Lòng sông mẹ lô nhô đá, rám cháy giữa chừng, chia đôi dòng chảy…

“Ở cái làng Cà Ry này, đã từ lâu, nam giới sức khỏe thì đào sông, khoét hầm, đốn núi còn phụ nữ và trẻ em thì tuyển quặng, mỗi người một việc” - A Lăng Mi vừa nhấm nháp chén rượu, vừa kể. Trong căn nhà của ông gần cuối làng, gió đông rít từng hùn lạnh thấu thịt, tôi được gặp chị Lan, người phụ nữ đã gần tứ tuần xa quê Bắc Ninh vào đây cùng với chồng và đứa con trai chỉ mới 9 tuổi. Chị kể lại: “Ở quê cuộc sống quá chật vật, nghe tin có người trong xã về tuyển lao động vào Quảng Nam làm cho doanh nghiệp khai thác vàng, chúng tôi biết là công việc đó sẽ rất vất vả nhưng nghe bảo là thu nhập rất cao, có cơ hội đổi đời nên vợ chồng chúng tôi quyết định vào đây lập nghiệp”.

Cuộc sống tạm bợ trên chốn rừng thiêng nước độc đã khiến không ít người lao đao với những trận sốt rét nhừ tử, những tai nạn lao động rồi các tệ nạn ma túy, mại dâm cũng từ đó mà chạy theo. Chị Lan tâm sự: “Lúc mới vào đây, tôi đã bị sốt rét chỉ thiếu chết, muốn cùng cả gia đình về quê nhưng không được vì như vậy là sẽ về tay trắng vì ông chủ chỉ trả lương một lần duy nhất vào dịp cuối năm chứ không thanh toán tiền công theo từng tháng. Vậy là cả gia đình chúng tôi bám trụ đến bây giờ đã được hơn 2 năm, cuộc sống cũng chẳng có gì là khá giả hơn nhưng đã đâm lao thì phải theo lao. Bây giờ về quê cũng khó khăn không kém, thôi thì cũng là có một việc làm ổn định”. Nghe những tiếng thở dài của chị Lan, tôi cũng buốt lòng.

Rượu càng vơi chén, A Lăng Mi càng chạnh lòng, gần như đó cũng là tâm trạng chung của cái làng Cà Ry này. “Ở đây tình trạng đánh nhau, tranh giành địa bàn xảy ra thường xuyên. Cách đây không lâu, có một nhóm người cùng quê ở Nghệ An vào đây tìm vàng tự phát. Hậu quả là nhóm người này bị các nhóm người khác, thuộc loại “lính bữa mai” đánh cho một trận nhừ tử và ra luật là phải “cống tế” cho họ nếu làm ăn khấm khá” - A Lăng Mi nói.

Cuộc sống tạm bợ trên chốn rừng thiêng nước độc đã khiến không ít người lao đao với những trận sốt rét nhừ tử, những tai nạn lao động rồi các tệ nạn ma túy
Cuộc sống tạm bợ trên chốn rừng thiêng nước độc đã khiến không ít người lao đao với những trận sốt rét nhừ tử, những tai nạn lao động rồi các tệ nạn ma túy

Cuộc sống nơi chốn núi rừng đã làm cho những thanh niên chỉ mới hơn 20 tuổi đã phong trần phai sương, những đứa trẻ lớn lên với “giấc mộng vàng” trông khắc khổ và suy dinh dưỡng.

Rời dòng sông Thanh, “sông vàng” vốn nổi tiếng từ lâu. Đâu đó, vàng sa khoáng lẫn trong đất, trong đá dưới lòng sông... Bao năm rồi, giới vàng tặc khắp nơi trong nước săn lùng, lúc lén lút, khi ồ ạt kéo về nơi đây cày xới, băm nát từng “tấc đất, tấc vàng”! Lòng sông mẹ đã bị cày xới suốt nhiều năm qua, và giờ đây đang đứng trước biết bao nguy cơ về môi trường…

Bài và ảnh: Xuân Lam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về miền… "đất chết"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO