Những thanh âm từ quá khứ
Các cụ trong làng kể lại rằng, đất Đức Bác (nay thuộc xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) xưa vốn là một bãi bồi ven sông Lô gọi là Kẻ Lép. Một ngày, lũ sông Lô ồ ạt kéo về, cuốn nửa đất Đức Bác sang bờ bên kia thuộc làng Phù Ninh (nay thuộc huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ). Vì có chung nguồn gốc nên từ đó, hai làng Đức Bác và Phù Ninh có quan hệ mật thiết, khăng khít như anh em. Hằng năm, người dân Đức Bác sẽ đón người dân Phù Ninh sang sông để làm lễ cầu hạnh phúc, bình an mỗi dịp Tết đến xuân về. Tục hát trống quân cũng bắt đầu từ đó.
Tục xưa truyền lại, lễ hội Trống quân Đức Bác được tổ chức vào ba ngày đầu năm mới. Bắt đầu từ trưa ngày mùng một Tết, những chàng trai Đức Bác mặc quần trắng, áo trắng, đầu buộc khăn đỏ, đai lưng đỏ, đeo trống sẽ kéo nhau ra Bến Quán để đón đào Phù Ninh sang dự hội. Trong suốt quá trình đón rước từ bến đò vào đình làng, đoàn rước được chia thành nhiều dây, mỗi dây là một tốp gồm ba chàng trai Đức Bác và ba cô đào Phù Ninh. Những chàng trai sẽ di chuyển theo vòng tròn vây quanh các cô gái và tiến dần về hướng đình làng, còn các cô gái vừa đi vừa hát theo tiết tấu trống.
Đoàn rước trải qua nhiều chặng khác nhau. Chặng đầu là hát đón tiếp và trao trống cho đào. Đây là chặng hát mang tính giao đãi, mở màn hội trống quân (ví dụ: Đi đâu từ sớm đến giờ/ để cho anh đợi, anh chờ, anh mong - bên em còn dở hội chùa/ cho nên em phải sang sông trưa thế này). Chặng giữa là chặng hát vận. Đây là chặng hát có thời gian lâu nhất và cũng là cơ hội để nam nữ hai làng thi tài ứng đối (ví dụ: Đôi bên hàng xứ giãn ra/ để tôi đối địch với ba cô đào - anh nào chưa vợ thì vào/ kẻo em nói đến về nhà vợ ghen). Chặng cuối là chặng kết phần hát ứng đối khi đoàn hát đã gần đến cửa Đình, báo hiệu cho mọi người biết phần chính của hội chuẩn bị diễn ra (ví dụ: Trống quân hát đến cội đa/ trên thờ tứ vị dưới ta với mình - trống quân hát đến cửa đình/ trên thờ tứ vị dưới mình với ta).
Sau khi phần hát kết thúc, các nam thanh nữ tú cúi lạy trước ban thờ cầu xin thần linh ban phước lành. Lúc này, người ta chính thức mở cửa đình để vào tế lễ, báo hiệu lễ hội đã chính thức bắt đầu. Sau phần lễ, đào Phù Ninh sẽ vào hát Thờ theo đúng thể thức và làng cũng bắt đầu vào hội. Sáng mùng hai Tết, sau ba tuần tế, các cô đào sẽ biểu diễn những màn múa hát. Hai vị trưởng lão của làng Đức Bác sẽ thay mặt dân làng nhận lời chúc của các cô đào, đồng thời, thưởng tiền lấy may cho các đào nương. Các chương trình múa hát sau đó diễn ra suốt cả ngày cho đến tối.
Dân làng tổ chức hát đúm tại gian Đại Bái của đình làng. Có lẽ trong hội trống quân, đây là tiết mục hấp dẫn nhất, thu hút sự tham gia của nhiều người nhất. Khi hát đúm, các cô gái dùng một khăn tay màu hồng có thêu hoa, bên trong để gói trầu cau. Khi vào cuộc hát, nếu gặp chàng trai nào ưng ý thì cô gái ném đúm trầu cau cho chàng trai đó. Nếu chàng trai ưng thuận thì mở ra lấy trầu cau và gói vào gương, lược hoặc tiền rồi trao lại cho cô gái.
Cứ như vậy, cuộc vui diễn ra trong không khí đầy phấn khởi, say mê cho đến hết ngày mùng ba Tết thì các cô đào Phù Ninh xin phép ra về. Người dân Đức Bác trao quà và tiễn chân đào ra bến sông cùng lời hẹn gặp ở hội hát năm sau.
… và câu chuyện bài toán phục hồi
Sau nhiều thăng trầm của lịch sử, lễ hội Trống quân Đức Bác cũng giống như nhiều loại hình nghệ thuật khác khi dần bị mai một, thậm chí biến mất khỏi đời sống văn hóa. Chuyện đời bãi biển nương dâu là điều khó tránh nhưng sự thăng trầm của loại hình diễn xướng độc đáo này không ngờ lại buồn và nhiều hoài niệm đến vậy.
Trò truyện với chúng tôi, ông Lưu Văn Hải - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trống quân Đức Bác tâm sự: “Thế hệ chúng tôi khi lớn lên đã không còn được nghe những làn điệu trống quân. Tất cả chỉ là những hoài niệm còn sót lại qua câu chuyện của những bậc trưởng thượng trong làng. Các cụ truyền rằng, lễ hội trống quân bị mất từ những năm đầu cách mạng do chiến tranh kéo dài, dân tình tứ tán, đình làng bị phá bỏ nên chẳng ai còn tâm trí để mở hội hè. Sau này hòa bình rồi thì dân phải vật lộn với thời cuộc, với miếng cơm manh áo nên cũng không ai còn nhắc đến trống quân”.
Gần thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày những cô gái Phù Ninh cuối cùng cất chuyến đò kết hội, Bến Quán đã không còn tiếng nói cười của nam thanh nữ tú mỗi khi Tết đến xuân về. Thoáng cái, những chàng trai cô gái tuổi mười tám, đôi mươi của hai làng Đức Bác và Phù Ninh xưa giờ phần nhiều đã thành người thiên cổ. Những người còn lại thì vẫn leo lét cháy những tia sáng cuối cùng, tia sáng của niềm hi vọng một ngày Trống quân Đức Bác sẽ phục hồi và rực rỡ hơn xưa.
Rất may về Đức Bác hôm nay, người viết đã thấy tia sáng đó bùng lên thành ngọn lửa, dù cho ngọn lửa đó còn yếu ớt. Ông Lưu Văn Hải chia sẻ: “Trống quân Đức Bác bắt đầu được chú ý và phục hồi từ khoảng những năm 2005 và tôi nghĩ rằng đó là nhu cầu rất tự nhiên. Mỗi người dân chúng tôi đều tranh thủ lúc nông nhàn tự nguyện rủ nhau thành lập tổ, nhóm để tập luyện. May mắn nữa là trong làng vẫn còn hai nghệ nhân còn sống, tuy tuổi cao nhưng các cụ đều nhiệt tình truyền nghề, truyền tri thức. Tính đến nay, câu lạc bộ của chúng tôi có khoảng gần 30 thành viên thường xuyên tập luyện và đi biểu diễn ở các sự kiện do xã, huyện tổ chức. Việc khôi phục lễ hội Trống quân Đức Bác như trước kia có thể là một bài toán khó trong tương lai gần nhưng tôi tin nhất định tiếng trống hội sẽ được mở lại”.
Trước khó khăn và những thách thức của thời đại, ông Hải vẫn tin rằng: “Mấy năm gần đây, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc rất quan tâm và tạo điều kiện để khôi phục cũng như phát triển hát Trống quân Đức Bác. Vì thế, hoạt động của Câu lạc bộ Trống quân sôi nổi, chuyên nghiệp hơn. Nhà nước cũng đang lên kế hoạch phục dựng lại đình làng Đức Bác nhằm khôi phục lại không gian diễn xướng, tạo tiền đề cho việc khôi phục toàn bộ lễ hội sau này. Tôi tin nếu mỗi người dân Đức Bác cùng chung tay thắp lên ngọn lửa, ánh sáng của một lễ hội truyền thống vốn đã thất truyền nhất định sẽ được lan tỏa. Nhất định sẽ có ngày,s bến đò Đức Bác lại vang tiếng nói cười của trai Đức Bác, gái Phù Ninh”.