Vang mãi khúc khải hoàn ca Lạch Trường

04/02/2019 15:17

(TN&MT) – Chiến thắng Lạch Trường (Thanh Hóa) là thắng lợi đầu tiên của Hải quân Việt Nam trong cuộc đối đầu khốc liệt với đế quốc Mỹ, ghi danh vào trang sử vẻ vang hào hùng của dân tộc ta. Hơn 50 năm đã trôi qua, những nhân chứng lịch sử tham gia vào cuộc chiến vẫn còn bồi hồi vẹn nguyên những ký ức của một thời chiến tranh khói lửa. Cửa biển Lạch Trường – nơi đầu sóng ngọn gió vẫn vang mãi bài ca hào hùng…

Chiến thắng trận đầu

Thời khắc lịch sử cách đây 54 năm, trước nguy cơ thất bại của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ với ý đồ thực hiện chiến tranh đánh phá bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá. Đêm ngày 31/7, rạng sáng ngày 1/8/1964, tàu khu trục Ma Đốc Mỹ đã tiến sâu vào vùng biển Đông Bắc hòn Mê. Với ý chí quyết tâm, Biên đội tàu phóng lôi 333, 336, 339 của Hải quân Việt Nam đã xuất kích chiến đấu, phóng ngư lôi làm tàu Ma Đốc bị thương phải tháo chạy ra khỏi hải phận miền Bắc.

Tượng đài chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam được xây dựng ở cửa biển Lạch Trường.
Tượng đài chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam được xây dựng ở cửa biển Lạch Trường.

Sau sự kiện này, chính quyền Mỹ dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” vu cáo cho Hải quân Việt Nam cố tình tấn công tàu chiến Mỹ ở vùng biển quốc tế. Ngày 5/8/1964, Mỹ huy động 64 lần/chiếc máy bay tiến hành cuộc tiến công đánh phá vào hầu hết các căn cứ hải quân của Việt Nam trên suốt dải ven biển miền Bắc từ sông Gianh (Quảng Bình), đến Bãi Cháy (Quảng Ninh), trong đó Lạch Trường, Hoằng Hóa là một trọng điểm đánh phá ác liệt nhất.

14 giờ 15 phút ngày 5/8/1964, trong khi người dân đang hăng say lao động ở dưới cánh đồng, nhiều tốp máy bay của địch từ biển đông bay vào bắn phá từ đảo hòn Nẹ đến cửa Lạch Trường. Trên cơ sở sẵn sàng chiến đấu, các đơn vị hải quân đã phối hợp với Đồn biên phòng 74, đại đội ra đa, tự vệ thủy sản Lạch Trường và dân, quân du kích các xã phối hợp chặt chẽ, dũng cảm đánh máy bay địch. Trong ngày 5/8/1964, lực lượng Hải quân Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang ở các địa phương bắn rơi 8 máy bay Mỹ, bắn bị thương nhiều chiếc máy bay khác và bắt sống nhiều giặc lái.

Dân quân tự vệ Lạch Trường trong trận chiến ngày 5/8/1964 (ảnh tư liệu)
Dân quân tự vệ Lạch Trường trong trận chiến ngày 5/8/1964 (ảnh tư liệu)

Chiến thắng Lạch Trường là thắng lợi đầu tiên của Hải quân Việt Nam trong cuộc đối đầu khốc liệt với đế quốc Mỹ. Chiến thắng Lạch Trường đã trở thành ngày truyền thống “đánh thắng trận đầu” của Hải quân Việt Nam và ghi danh vào trang sử vẻ vang hào hùng của dân tộc ta. Trong trận chiến khốc liệt đó, Hải quân Việt Nam cùng với đội dân quân xã Hoằng Trường do ông Trần Văn Lự làm đội trưởng và 12 nữ dân quân xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc do bà Tô Thị Đạo làm tiểu đội trưởng đã làm nên chiến thắng lịch sử.

Những con người lịch sử

Một buổi chiều đầu tháng 12, với ánh nắng vàng vọt còn sót lại của mùa thu, tôi trở về Hoằng Trường được nghe lại khúc ca hào hùng năm xưa và như được sống lại một thời chiến tranh oanh liệt của quân và dân ta. Càng thêm tự hào về truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường quyết tâm đánh giặc của những con người nơi đầu sóng ngọn gió, khi cái ăn còn chưa đủ, đánh giặc còn mặc tấm khố rách… nhưng vẫn sát cánh chiến đấu cùng với các chiến sĩ hải quân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đơn vị lão dân quân Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đơn vị bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường, tại Lễ duyệt binh nhân ngày Quốc khánh 2 - 9 - 1973. Ảnh: tư liệu
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đơn vị lão dân quân Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đơn vị bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường, tại Lễ duyệt binh nhân ngày Quốc khánh 2 - 9 - 1973. Ảnh: tư liệu 

Dẫn chúng tôi ra cửa biển Lạch, cụ Trần Văn Lự năm nay đã 80 tuổi (thôn Giang Sơn, xã Hoằng Trường)  bồi hồi nhớ lại những ký ức chiến tranh ác liệt và vẫn còn vẹn nguyên sau hơn 50 năm, khi đó cụ là đội trưởng đội dân quân xã Hoằng Trường.

Sau sự kiện tàu Maddox bị hải quân ta đánh đuổi ngày mồng 2/8 tại Hòn Nẹ, sáng ngày 05/08, tôi nhận được lệnh lên thị xã Thanh Hóa họp nghe âm mưu chiến tranh của Mỹ ra miền Bắc. Buổi trưa sau khi họp xong tôi trở về tới thị trấn Bút Sơn nhìn về phía cửa biển Lạch Trường đã thấy những cột nước dựng đứng lên. Một thuyền hỏa lực của hải quân ta bị trúng đạn chìm ngay cạnh mũi Hòn Bò, sát với Hòn Sụp (xã Hoằng Trường).

Tượng đài Lão dân quân Hoằng Trường
Tượng đài Lão dân quân Hoằng Trường

Khi về tới đầu làng thì thấy vắng tanh không một bóng người, dân làng đã đi sơ tán hết. Về tới nhà khẩu súng trung liên vẫn nằm trên ban thờ. Dượng tôi là ông Lê Phạm Trường đã bước sang tuổi 65 khi ấy vì quá sợ tiếng máy bay gầm rú trên trời nên đã chui vào gầm giường trốn. Tôi liền lấy khẩu súng bắn một loạt đạn để cụ dạn tiếng súng hơn. Sau đó, tôi cùng ông cụ vác hòm đạn 200 viên ra gần mũi Hòn Bò.

Ra tới bãi biển, ngước nhìn lên đỉnh núi Linh Trường, Hòn Bò đã thấy các chiến sĩ bộ đội Đồn Biên phòng 74,75 đang bắn liên tục vào những chiếc máy bay chiến đấu đang bổ nhào thả bom đạn xuống cửa biển Lạch Trường. Phía Hòn Nẹ, tàu Hải quân ta có cái đã bị trúng đạn sắp chìm. Không có điểm tựa để bắn, cụ Trường nằm sụp xuống bãi cát, một tay nâng băng đạn cho tôi. Bắn hết hòm đạn 200 viên đã khoảng 3h chiều, máy bay cũng đã bắt đầu rời khỏi Lạch Trường. Chủ tịch UBND xã Trần Văn Thịnh lệnh cho tôi lui về chuẩn bị công tác cứu thương cho bộ đội Hải quân ngoài Hòn Nẹ. 

Cụ Trần Văn Lự đang kể lại những chiến thắng hào hùng của các Lão dân quân Hoằng Trường với Phóng viên
Cụ Trần Văn Lự đang kể lại những chiến thắng hào hùng của các Lão dân quân Hoằng Trường với Phóng viên

Một chiếc máy bay của địch bị trúng đạn, lao ngay xuống khu vực cửa Lạch Trường. Ba ngày sau mới tìm thấy xác của phi công và chôn cất ngay gần nhà ông Lự. Năm 1975, khi ông Lự từ chiến trường miền Nam trở về, ngôi mộ của phi công này đã được chuyển đi. 

Thời điểm đó, dân Hoằng Trường cơm không có để ăn đến khoai sắn ăn cũng chẳng đủ no nhưng vẫn một lòng quyết tâm đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược. Khi đó, cụ Trường còn đóng khố rách đi bắn máy bay giặc Mỹ, hình ảnh đó cả đời tôi vẫn chưa bao giờ quên và vẫn còn in đậm trong trí nhớ. Cả một cuộc đời xông pha trong chiến trường khói lửa hình ảnh cụ chính là động lực thôi thúc tôi quyết tâm đánh giặc, để đất nước sớm được hòa bình. Với tôi, cụ chính là bức tượng lịch sử tôi tạc lòng tạc dạ.

Sau khi cùng Hải quân Việt Nam giành chiến thắng trên cửa Biển Lạch Trường, ông Trần Văn Lự tiếp tục nhập ngũ tham gia chiến trường Đông Nam bộ, rồi bị địch bắt đày đi Phú Quốc trong một lần bị thương bất tỉnh tại Long Thành (Đồng Nai). Từ Phú Quốc trở về ông Lự mang trong mình chấn thương sọ não -  thương tích 80%.

Rời Lạch Trường, chia tay cụ Lự năm nay đã 80 tuổi sức khỏe đã không còn dẻo dai, nhưng khi được hỏi về cuộc chiến đấu ở cửa biển Lạch Trường cụ vẫn nhớ từng chi tiết, tất cả vẫn còn vẹn nguyên như mới ngày hôm qua. Cửa biển Lạch Trường khép lại trong một buổi chiều tà với ánh nắng vàng vọt. Tiếng sóng biển vẫn từng nhịp từng nhịp vỗ rì rầm vào bờ như vang mãi bài ca chiến thắng của quân và dân ta nơi đầu sóng ngọn gió. Cụ Lự chính là nhân chứng lịch sử cho một thời kỳ chiến tranh khỏi lửa nhưng cũng rất đỗi hào hùng, nhắc nhở mỗi chúng ta không được quên những hi sinh của bao anh hùng đã ngã xuống vì nền độc lập nước nhà.

Để ghi nhớ chiến công oanh liệt ở Lạch Trường, vào tháng 12/2017, công trình tượng đài chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam đã được khánh thành. Đây là công trình thể hiện sự tri ân sâu sắc, tình cảm thiêng liêng đối với những đóng góp, hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt nam và quân, dân Thanh Hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vang mãi khúc khải hoàn ca Lạch Trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO