Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Thanh Hóa: Cần gỡ khó tài chính

Trường Giang| 17/12/2020 10:18

(TN&MT) - Mặc dù mới hơn 3 tháng đi vào hoạt động, tuy nhiên, bên cạnh nhiều kết quả tích cực, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Thanh Hóa còn gặp phải một số khó khăn về cơ chế tài chính.

Quy định về cơ chế tài chính chưa được hướng dẫn cụ thể

Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa được thành lập theo Quyết định số 2829/QĐ-UBND ngày 16/7/2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Sau hơn 1 năm thành lập, Văn phòng đã chính thức đi vào hoạt động theo mô hình một cấp từ ngày 1/9/2020.

Theo đó, Văn phòng có 27 Chi nhánh tại 27 huyện, thị xã, thành phố, trong đó, có 24 Chi nhánh đã hoạt động theo mô hình một cấp, 3 Chi nhánh vẫn hoạt động theo mô hình hai cấp trước đây do chưa bố trí được người làm việc tại Chi nhánh.

Theo lộ trình tự chủ, năm 2021, Văn phòng sẽ tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên. Vì vậy sẽ thực hiện cơ chế tài chính theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp và kinh tế khác; Thông tư 45/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

Một góc thành phố Thanh Hóa. Ảnh: Phong Thư

Tuy nhiên, sau 3 tháng đi vào hoạt động theo mô hình cấp, tổng nguồn thu trung bình (27 Chi nhánh và Văn phòng cấp tỉnh) là: 1,759 tỷ đồng/tháng (trong đó, nguồn thu phí được để lại là 359 triệu đồng/tháng; nguồn thu từ dịch vụ là 1,4 tỷ đồng/tháng). Điều này, đồng nghĩa với việc nguồn thu rất thấp không đủ để trang trải cho hoạt động thường xuyên của Văn phòng.

Theo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Thanh Hóa, nguyên nhân chủ yếu của việc này là do có 11 Chi nhánh thuộc các huyện miền núi, 6 huyện miền biển và còn lại 10 Chi nhánh thuộc huyện đồng bằng. Trong khi đó, tại Quyết định 4764/2016/QĐ-UBND ngày 9/12/2016 của UBND tỉnh Thanh Hóa các trường hợp được miễn, giảm nộp phí tại tỉnh rất lớn nhưng chưa có cơ chế bù đắp chi phí cho những trường hợp được miễn giảm nộp phí này.

Bên cạnh đó, ngày 20/11/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 85/2019/TT-BTC hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tháo gỡ cho Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện các bước công việc thẩm định hồ sơ khi cấp Giấy chứng nhận ngoài các trường hợp giao đất, cho thuê đất và đối với trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng Đề án sửa đổi phí, lệ phí gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh. Tuy nhiên, thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 nên việc thẩm định Đề án Thu phí Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa chưa được thẩm định.

Mặt khác, mức thu các loại phí, lệ phí hiện vẫn đang còn rất thấp và bất cập như: Phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí khai thác, sử dụng tài liệu đất đai… Đồng thời, để thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, Văn phòng còn phải thực hiện một số bước công việc khác ngoài bước thẩm định hồ sơ nhưng hiện chưa có quy định cụ thể về việc ban hành phí hoặc giá dịch vụ.

Ngoài ra, việc xây dựng cơ chế tài chính cho hệ thống Văn phòng, đảm bảo chi thường xuyên cho hoạt động cho 27 chi nhánh trên địa bàn tỉnh sau 3 tháng bắt đầu đi vào hoạt động là một thách thức lớn của Văn phòng do cán bộ, viên chức Văn phòng chủ yếu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về đất đai, chưa được đào tạo, chưa có kinh nghiệm về nghiệp vụ quản lý tài chính, các quy định về việc xây dựng cơ chế tài chính cho Văn phòng Đăng ký đất đai chưa được hướng dẫn cụ thể để thực hiện.

Cần có quy định xác định các nguồn thu từ hoạt động dịch vụ

Để có thể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Bộ TN&MT có văn bản gửi UBND các tỉnh quan tâm chỉ đạo khẩn trương xây dựng Đề án thu phí theo Thông tư số 85/2019/TT-BTC ngày 20/11/2019 của Bộ Tài chính ban hành dựa trên cơ sở các bước công việc được Quy định tại Thông tư 14/2017/TT-BTNMT ngày 20/7/2017 của Bộ TN&MT; đồng thời có cơ chế bù đắp chi phí cho những trường hợp được miễn, giảm phí.

Văn phòng cũng đề nghị Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu xem xét việc quy định về mức lương cho cán bộ viên chức và người lao động theo ngạch, bậc tại Nghị định 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 vì Văn phòng là đơn vị sự nghiệp kinh tế, thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, do đó Văn phòng nên được tự chủ chi trả lương dựa trên năng lực, sản phẩm, để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cũng như tăng hiệu quả hoạt động của hệ thống Văn phòng.

Đặc biệt, hiện nay nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ là nguồn thu chính của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai. Tuy nhiên, các địa phương đang thực hiện không đồng bộ, thống nhất, mỗi địa phương có một quy định khác nhau trong việc thực hiện các nguồn thu từ dịch vụ. Do đó, đề nghị Bộ TN&MT có quy định, hướng dẫn cụ thể việc xây dựng, xác định các nguồn thu  từ hoạt động dịch vụ để Văn phòng tham mưu trình UBND cấp tỉnh ban hành và triển khai thực hiện đúng quy định.

Ngoài ra, Thanh Hóa cũng đề nghị Bộ TN&MT sớm hoàn chỉnh ban hành Thông tư quy định hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo thuộc ngành TN&MT. Dự thảo Thông tư này đã được Bộ lấy ý kiến các địa phương để ban hành thay thế cho Thông tư số 03/2005/TT-BTNM. Vì theo Dự thảo Thông tư mới có quy định chế độ phụ cấp chức vụ cho cấp phòng chuyên môn trực thuộc Văn phòng trong khi Thông tư 03 chưa có quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Thanh Hóa: Cần gỡ khó tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO