(TN&MT) - Văn phòng đăng ký đất đai một cấp, trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk được thành lập trên cơ sở hợp nhất Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và đi vào hoạt động từ tháng 01/2016. Sau 1 năm hoạt động, tuy đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ.
Nhân viên ngồi làm việc trong kho lưu trữ hồ sơ tại Chi nhánh văn phòng đăng đất đai Ea Kar. |
Văn phòng đăng ký đất đai một cấp có nhiệm vụ thực hiện đăng ký đất đai, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, doanh nghiệp hộ gia đình và cá nhân; xây dựng, quản lý, cập nhật, chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; cung cấp thông tin đất đai cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cung cấp dữ liệu đất đai để các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền trong việc hoạch định các chính sách, quyết sách sử dụng tài nguyên đất hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực đất đai.
Thống nhất quản lý và cấp quyền
Từ năm 2015 về trước, việc cấp quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân do cấp huyện thực hiện đã dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương. Hơn nữa, việc đo đạc lập bản đồ, hồ sơ địa chính đăng ký cấp Giấy chứng nhận ở dạng giấy nên công tác quản lý, lưu trữ gặp nhiều khó khăn. Nhất là khi tra cứu, thông tin mất nhiều thời gian. Thực hiện Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, cấp quyền sử dụng theo mô hình tập trung, thống nhất từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, nhằm xây dựng mô hình quản lý đất đai hiện đại. Đắk Lắk là tỉnh tiên phong ở Tây Nguyên thực hiện mô hình đăng ký đất đai một cấp.
7 người chung phòng làm việc nhưng chỉ có 3 máy tính để làm việc tại văn phòng đăng ký đất đai huyện Krông Năng. |
Ngay sau khi hoạt động, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đắk Lắk đã tập trung số hóa bản đồ, hồ sơ địa chính trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bằng phần mềm Vilis 2.0. Việc áp dụng tuyệt đối công nghệ thông tin vào quản lý cơ sở dữ liệu đất đai đã giúp cho việc luân chuyển hồ sơ từ cấp huyện lên cấp tỉnh, và các cơ quan liên quan trong giải quyết hồ sơ đất đai được thuận lợi không phải đi lại. Nhất là việc quản lý, theo dõi lịch sử thông tin từng thửa đất, từ cấp Giấy chứng nhận lần đầu đến đăng ký biến động được thống nhất, tránh sai sót. Việc lưu trữ hồ sơ số đã giúp cho việc tra cứu thông tin đất đai của người dân, tổ chức được thuận lợi, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và công khai, minh bạch tại địa phương.
Văn phòng đăng ký đất đai một cấp không chỉ thống nhất chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ trong quản lý đất đai mà còn giải quyết được nhiều vướng mắc, giảm nhiều thủ tục, nhiều quy định không phù hợp với thực tế ở một số địa phương trong tỉnh. Đội ngũ cán bộ, viên chức các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai không chịu sự chỉ đạo chồng chéo. Từ đó, thời gian giải quyết các thủ tục đất đai cho người dân được đảm bảo đúng quy định.
Kho chật chội gây khó khăn cho việc lưu trữ hồ sơ. |
Tính hết quí III năm 2016, Văn phòng đăng ký đất đai Đắk Lắk đã giải quyết trên 129.000 hồ sơ đăng ký đất đai các loại cho tổ chức, cá nhân. Trong đó, cấp giấy chứng nhận lần đầu 13.000 hồ sơ; đăng ký biến động là 6.729 hồ sơ; cấp đổi là 2.163 hồ sơ; tách thửa, hợp thửa 3.300 hồ sơ… Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận cũng đã được cắt giảm từ 20% đến 30% so với trước đây.
Văn phòng đã thành lập đường dây nóng (05003.508.111) để tiếp nhận thông tin của người dân và doanh nghiệp về tình hình vi phạm trong quản lý đất đai tại văn phòng và các chi nhánh, đồng thời thành lập tổ công tác giải quyết tháo gỡ vướng mắc trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nhiều ý kiến người dân chia sẻ: Từ khi thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp đã đáp ứng nhu cầu của người dân. Cán bộ, nhân viên làm việc khá chuyên nghiệp, khoa học. Khi có vướng mắc cán bộ đã giải thích cho người dân dễ hiểu, dễ thực hiện, giải quyết đúng quy định và đúng thời gian.
Chi nhánh Buôn Hồ phải cơi nới phía sau để làm kho lưu trữ hồ sơ. |
Sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Một trong những khó khăn nhất của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đắk Lắk là cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc chưa đáp ứng nhu cầu công việc. Đơn cử như chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Cư Kuin được bố trí chưa đầy 80 m2 tại khu nhà công vụ huyện cư Kuin thì phải ngăn 40m2 đề làm kho lưu trữ hồ sơ. Còn lại 40m2 là nơi làm việc của 11 người ngồi chung.
Hay chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Ea Kar thì phải bố trí người ngồi làm việc ngay trong kho lưu trữ hồ sơ. Trang thiết bị chỉ có 5 máy tính hoạt động ổn định đáp ứng được yêu cầu công việc. Trong khi hồ sơ phải xử lý tại văn phòng là 1000 hồ sơ mỗi tháng là quá tải đối với hệ thống máy tính chi nhánh hiện có. Khó khăn này thể hiện khá rõ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Krông Năng. Văn phòng có 16 người nhưng chỉ có 5 máy tính chuyển từ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ea Kar. Để khắc phục khó khăn một số cán bộ, nhân viên chi nhánh phải huy động máy tính, máy in của cá nhân để làm việc công. Về phòng làm việc 7 người ngồi chung phòng chưa đầy 18m2. Để khắc phục khó khăn, chi nhánh còn phải cải tạo phòng vệ sinh đã bỏ không làm kho lưu trữ hồ sơ. Cũng chung cảnh ngộ, chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Buôn Hồ đã phải cơi nới phòng phía sau nhà làm kho lưu trữ hồ sơ. Thực trạng này cũng là khó khăn chung của 15/15 chi nhánh toàn tỉnh.
Người dân thực hiện thủ tục đất đai tại chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Buôn Hồ. |
Ông Nguyễn Đình Thuận - Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Đắk Lắk cho biết: Khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc văn phòng như thiếu máy scan hồ sơ, máy in A3 để in giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hệ thống máy tính, máy chủ thiếu và cũ kỹ đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả làm việc của các chi nhánh cũng như tín độ cấp quyền sử dụng đất cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và các nhân. Ước tính kinh phí đầu tư trang thiết bị làm việc là: máy scan hồ sơ, máy in A3, máy tính làm việc tại các chi nhánh còn thiếu và máy chủ khoảng hơn 3 tỷ đồng. Những khó khăn này, chính nội lực của văn phòng không thể khắc phục. Do đó, văn phòng cũng đã lập dự án trình lên Sở TN&MT, KH-ĐT, Tài chính tỉnh Đắk Lắk nhưng chưa được phê duyệt. Nếu trang thiết bị làm việc không được sớm đầu tư thì tình trạng cấp quyền sử dụng đất cho người dân có nguy cơ bị chậm. Nhất là tiến trình số hóa bản đồ, hồ sơ đất đai làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động của văn phòng đăng ký đất đai cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến việc cấp quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà và tài khác trên đất của người dân.
Như vậy thực trạng người dân ở một số địa phương phàn nàn về việc cấp quyền sử dụng đất chưa được như mong muốn sẽ còn tiếp diễn khi mà cơ sở vật chất và trang thiết bị làm việc tại Văn phòng đăng ký đất đai Đắk Lắk còn thiếu thốn trăm bề như hiện nay./.
Bài và ảnh: Đình Thắng