Bà Nguyễn Thị Bẩy ở xóm Ao, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên bức xúc cho biết: Gia đình bà có 03 sào ruộng tại cánh đồng Dộc Trên (xã Minh Hải) cấy lúa từ nhiều năm nay. Vừa qua toàn bộ diện tích lúa trên bỗng chết trắng hết cả, gia đình đã phải đi mua mạ cấy bổ sung lại nhưng cây lúa không thể lên được, cấy được vài hôm lúa lại chết. Xót xa chỉ tay về phía cánh đồng, bà Bảy nói: Anh nhìn xem bùn ruộng nồng nặc mùi hôi thối, sủi bọt, không một thứ cây gì có thể sống nổi, không chỉ riêng nhà tôi mà cả cánh đồng này… Bà Bẩy cũng cho biết thêm, đợt cấy lại, chúng tôi phải đi ủng, đeo găng tay để xuống ruộng vì không biết chất thải là thứ gì mà độc hại lắm, độc như thuốc diệt cỏ… mà đất ngấm ô nhiễm thế này có thể nhiều năm nữa cũng sẽ chẳng trồng trọt được gì nữa.
Làm việc với PV Báo Tài nguyên và Môi trường trước những vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Năm – Chủ tịch UBND xã Minh Hải cho biết: Tình trạng ô nhiễm tại địa phương không phải bây giờ mới có, mà từ năm 2014 rồi, chúng tôi cũng rất “đau đầu” mà chưa có cách giải quyết triệt để. Việc xả thải gây ô nhiễm làm chết lúa của bà con là do Công ty TNHH Hồng Hải đóng trên địa bàn xã nhưng lại cho nhiều Công ty, doanh nghiệp khác vào thuê nhà xưởng để sản xuất, kinh doanh rồi xả thải trực tiếp ra mương thủy lợi, tràn vào cánh đồng canh tác của người dân. Trong đó có doanh nghiệp sản xuất tái chế nhựa của người đàn bà có tên là Hồng làm chủ và Công ty TNHH Tinh Nhuệ (chuyên sản xuất khung xe máy điện). Ngoài ra, gần đó còn có Công ty Tuấn Cường (sản xuất, tái chế nhựa) cũng là “điểm đen” về ô nhiễm môi trường từ nhiều năm nay. Hiện có khoảng gần 05 ha lúa của người dân thuộc Thôn Ao; Thôn Khách và Thôn Hoàng Nha bị ảnh hưởng và chết trắng, không thể phục hồi.
Khi được hỏi về việc khắc phục hậu quả và đền bù những thiệt hại cho người dân, ông Nguyễn Văn Chi – Cán bộ phụ trách địa chính, môi trường xã Minh Hải cho biết: UBND xã cũng chỉ biết báo cáo lên các cơ quan cấp trên để can thiệp. Xã cũng đã liên hệ với những cơ sở gây ô nhiễm để có sự thỏa thuận đền bù thiệt hại cho người dân, nhưng các cơ sở này toàn “lánh” và không “hợp tác”.
Được biết, việc gây ô nhiễm của các cơ sở này đã có từ nhiều năm trước, các ngành chức năng của huyện Văn Lâm, của tỉnh Hưng Yên đã nhiều lần nhắc nhở, thậm chí xử phạt, niêm phong máy móc nhà xưởng. Nhưng không hiểu sao tình hình vi phạm không những không được cải thiện mà ngày càng nghiêm trọng hơn. Điều này khiến dư luận rất bức xúc và đặt ra câu hỏi, liệu có “bàn tay ma quỷ” nào che chắn đằng sau không mà các cơ sở này vẫn ngang nhiên coi thường pháp luật đến thế.
Việc xử lý dứt điểm những tồn tại trên có lẽ còn là một câu chuyện dài, nhưng những cánh đồng ô nhiễm, những thửa ruộng sủi bọt của hóa chất khiến không một loại cây trồng nào có thể sống nổi, cùng đó là nỗi xót xa của hàng trăm hộ gia đình nông thôn thì đang còn đó. Đề nghị các ngành chức năng tỉnh Hưng Yên cần có ngay những biện pháp căn cơ, đủ mạnh để xử lý dứt điểm tình hình, sớm tìm ra “thủ phạm” để quy trách nhiệm, có phương án đền bù, hỗ trợ cụ thể, thỏa đáng cho người dân.
Việc doanh nghiệp sản xuất xả thải gây ô nhiễm môi trường, làm thiệt hại cây trồng của nông dân sẽ được cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên xử lý như thế nào, Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thông tin.