Văn Bàn – Lào Cai: Những "lều lán lạ" trên rừng Minh Lương

Đức Hải – Nhật Lam| 30/07/2021 06:09

(TN&MT) - Mặc dù chính quyền địa phương luôn cho rằng các khu vực rừng Vầu, khe Pú Mẹo thuộc địa bàn xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, Lào Cai đã truy đuổi nạn “vàng tặc” từ lâu rồi. Nhưng thực tế, về đêm những lều lán nơi này vẫn “sáng đèn”, dòng nước suối chảy từ rừng về lúc nào cũng đỏ quạch. Máng vàng vẫn có người sàng, đãi. Cứ thấy “người lạ” lên thì đoàn người đào đãi lập tức ẩn náu. Đi khỏi lại đào xới… Ai đang “bảo kê” cho nạn vàng tặc tại đây?

"Âm thầm" trong rừng xanh

Trong vai một người đi khảo sát trồng rừng, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã cùng anh P.V.D, một người dân sinh sống tại ngã ba xã Minh Lương tình nguyện dẫn lên quan sát thực tế tại khu vực khe Pú Mẹo và khu rừng Vầu thuộc địa bàn xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.

Vừa đi, anh D vừa cho biết: Nạn đào đãi vàng trái phép tại đây có từ lâu lắm rồi. Người đến khai thác chủ yếu đến từ Yên Bái, Thái Nguyên, Lai Châu và cả người dân bản địa nữa. Có nhiều nhóm cai ở đây. Ví dụ như nhóm đến từ Yên Bái do “chủ bưởng” có tên Hòa “đen” cầm đầu. Nhóm ở Thái Nguyên do anh em nhà Tuấn “Vinh”, Giang “tời” cầm đầu, ẩn náu trong rừng sâu để đào đãi vàng. Sau cả mấy tiếng đồng leo hết một dải đồi cao, mà giới đi rừng gọi là hết một thung. Chúng tôi mới đến một thung bằng để ngồi nghỉ khoảng 30 phút, rồi lại đi theo lối mòn dựng đứng để tiếp tục hành trình…

Tốp gánh dầu lên bãi

Dọc đường vào, càng đi, dốc càng ngược đứng. Gặp mấy người dân đang gánh những can nhựa màu xanh cỡ khoảng 30 lít /can, thoăn thoắt vượt lên. Phóng viên cất tiếng hỏi một tốp đi ba người.

Những người này cho biết họ làm chân “liên lạc” ở những cánh rừng này. Chủ các “bưởng” thuê gì, làm nấy. Lúc thì các anh “kho vận” dầu mỡ, gạo, đồ ăn, rau cỏ, bia, thuốc lá, đủ thứ. Cứ trong bãi cần gì, là các anh “cõng” vào. Lúc ra, cũng gánh đồ ra. Mỗi chuyến được khoảng 500 – 800 ngàn đồng/lượt. Ngày khỏe, có khi các anh đi 2 chuyến. Còn không thường thường là 1 chuyến/ngày. Như chuyến này, trong bãi cần dầu, nên các anh gánh dầu vào. Mỗi chuyến gánh được khoảng 60 lít, chia 2 can, xốc vào 2 đầu đòn gánh.

Bất kể nắng hay mưa, những người vận chuyển này đều rất nhanh nhẹn

Do đường xa, dốc dài nên đi 2 gánh là khoảng 120 lít, 1 tổ 3 người thay nhau gánh, ai mệt thì nghỉ, đổi vai cho nhau. Câu chuyện được một lúc thì họ thoăn thoắt đi mất.

Một lán trại của "ông chủ" Tuấn 

Miệng hang thòng dây xuống dưới 

Đất đá được xay và đánh đống tại đây

Khi phóng viên và các cộng tác vào đến khu vực bãi để “mục sở thị” những lều lán lạ ở đây mới thấy tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng. Đất đá đào xới lung tung, rác thải đổ ra khắp. Dòng nước bẩn tích máng đổ tràn khắp xuống khe rừng.

Anh D, người đi cùng cho biết: tất cả các lều lán kia là của các chủ bưởng đã kể trên. Họ dựng để ăn ngủ trong đó. Quân, cửu thì phần đa là đi thuê từ khắp nơi, toàn thanh niên trai tráng, khỏe mạnh tuyển về. Họ chui vào các hang hầm để đục đất đá, dùng máy kéo tời ra tấp kết ngoài này. Đến chiều là buổi “thu hoạch”, máy xay sẽ nghiền số đá đất móc trong các hầm lò đó và đãi kiếm sản phẩm thu được, lúc này mới quan trọng.

Bùn đất sau đào đãi đổ ra đây

Thấy một thanh niên đang ngồi vận cái máy tờ, kéo đất từ trong hang ra, phóng viên liền hỏi, thì anh này cho biết: Khu vực đang đào này của chỗ anh Tuấn. Hiện tại, anh Tuấn không mấy khi có ở đây, trông coi là các em của anh ấy. Nhưng mấy hôm nay mưa gió nhiều nên các “cai công” không có trong này, đi lên Lào Cai chơi rồi, chắc mai về. Người này đáp.

Anh này cũng cho biết mình quê ở bên Than Uyên (Lai Châu), do không có công ăn việc làm nên sang đây làm thuê. Mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 300 ngàn tiền công. Làm cũng giống như công nhân nhà máy, sáng làm, chiều làm, tối nghỉ. Anh này cho biết.

Huyện có đuổi, nhưng…lực lượng mỏng

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã liên hệ đến UBND huyện Văn Bàn để đăng ký làm việc với ông Phí Công Hoan, Chủ tịch UBND huyện để trao đổi về một số vấn đề còn tồn tại ở địa phương như tình trạng đào vàng trên khu rừng vầu, xã Minh Lương; tình trạng xả khí ra môi trường của nhà máy Lân Lào Cai, xả thải nước ra môi trường của Công ty Lan Anh…. Tuy nhiên ông Hoan sau khi nghe máy xong, bảo bận họp có gì liên lạc sau. Đến ngày hôm sau, phóng viên đã gặp ông Phạm Đức Huấn, phụ trách văn phòng UBND huyện. Ông Huấn cho biết: do thời gian này, huyện Văn Bàn đang chuyển trụ sở từ nơi cũ, sang nơi mới. Nên khá bận rộn và bừa bộn. Rồi ông Huấn giới thiệu phóng viên sang Phòng Tài nguyên và Môi trường.

Trụ sở mới của UBND huyện Văn Bàn - Lào Cai

Tiếp phóng viên tại Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Văn Bàn, là ông Nguyễn Huy Việt (Trưởng phòng) và ông Phạm Tiến Nam (Phó phòng). Trước một số vấn đề về môi trường mà phóng viên đề cập, hai người này có trao đổi lại. Nhưng không cung cấp tài liệu xử phạt cũng như các hồ sơ giấy tờ mà phóng viên đề nghị cung cấp thông tin.

Về nội dung phản ánh có tình trạng “lều lán lạ” trên khu rừng vầu, rừng sác, Pú Mẹo… thuộc địa phận xã Minh Lương. Ông Phạm Tiến Nam, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Văn Bàn cho biết: Khu vực này từ lâu là điểm nóng của huyện Văn Bàn. Lãnh đạo huyện đã nhiều lần cho thành lập các đoàn công tác để xua đuổi các đối tượng đang “ẩn náu” trong đó. Nhưng như phóng viên đã chứng kiến cứ thấy người, đoàn công tác đến là những “vàng tặc” trên đây liền xách máy móc, đồ đạc bỏ vào rừng trốn. Khi đoàn đi khỏi, lại nghe bảo xuất hiện. Cũng theo ông Nam, nếu chỉ có lực lượng của ngành tài nguyên và môi trường  thì không thể đuổi nổi. Phải có sự kết hợp của nhiều ngành khác, ông Nam cho biết.

Ông Phạm Tiến Nam, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai tại buổi trao đổi với phóng viên 

Khi được hỏi đến một số giấy tờ liên quan đến công tác truy quét “vàng tặc” thì ông Nam cho biết có nhiều kế hoạch. Do đang chuẩn bị chuyển trụ sở, sang khu liên cơ mới, nên giờ khó tìm, có gì cung cấp sau. Nhưng rồi sau đó, không thấy ông Nam cung cấp lại cho phóng viên như đã hứa.

Qua điều tra, phóng viên được biết: Thực chất, việc các tụ điểm “lều lán lạ” giữa rừng vầu, Pú Mẹo, Sác… đã tồn tại đã lâu. Có nhiều đợt truy của các lực lượng như Công an, kiểm lâm, Tài nguyên và Môi trường…đã vào đây. Nhưng dường như chỉ là “muối bỏ biển” bởi cứ đợi các lực lượng này đi khỏi, là tình trạng này lại tái diễn. Về đêm, đứng dưới chân các dãy núi này trông lên, đèn đóm vẫn sáng như sao.

Đến bao giờ nạn đào đãi vàng trái phép mới chấm dứt ở đây, nếu như chính quyền không có động thái quyết liệt hơn nữa?. 

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phản ánh về hiện tượng này, khi có phản hồi từ các cơ quan chức năng.     

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn Bàn – Lào Cai: Những "lều lán lạ" trên rừng Minh Lương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO