Vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam: Đang bứt tốc

Việt Hải| 03/06/2021 22:55

(TN&MT) - Bộ Y tế Việt Nam vừa đạt được thoả thuận mua 20 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga. Như vậy, đến thời điểm này, cùng với AstraZeneca (30 triệu liều), Moderna (5 triệu liều), fizer (31 triệu liều), NOVAX (38,9 triệu liều), Sputnik V đã đưa chương trình đàm phán vaccine trong năm 2021 có mặt tại Việt Nam đạt hơn 120 triệu liều, hướng tới mục tiêu 150 triệu liều năm 2021. Hơn thế, “cỗ xe” vaccine đang mạnh mẽ bứt tốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Mua vaccine phòng Covid-19 là trường hợp cấp bách, phải thực hiện ngay" - ảnh: chinhphu.vn

Từ quyết tâm của Chính phủ

Thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo liên tục, sâu sát, quyết liệt, yêu cầu Bộ Y tế và các Bộ, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sức khỏe nhân dân, sức khỏe cộng đồng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, cùng cộng đồng trách nhiệm, thống nhất thực hiện các giải pháp để có vaccine sớm nhất.

Liên tiếp trong các cuộc họp về phòng, chống dịch gần 1 tháng qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải thần tốc hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trên “Mặt trận vaccine”. Đây là một hướng tấn công có ý nghĩa then chốt trong cuộc chiến chống dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và phát triển kinh tế của đất nước. Trong tất cả các cuộc điện đàm, trong các cuộc làm việc với các đối tác nước ngoài, Thủ tướng cũng luôn nhất quán mục tiêu kêu gọi bằng mọi giá có vaccine nhanh nhất, nhiều nhất để tiêm cho nhân dân.

Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, diễn biến phức tạp với số ca nhiễm lớn từng ngày, ngay lập tức, Thủ tướng triệu tập hàng loạt cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc mua vaccine phòng Covid-19. Trong các cuộc họp, Thủ tướng luôn nhấn mạnh, đây là tình huống cấp bách, vì thế việc mua vaccine phải được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay. Việc lấy ý kiến các thành viên Chính phủ ngay lập tức được triển khai, đa số thống nhất chủ trương này.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống Covid-19, ngày 29/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục yêu cầu bằng mọi cách mua được vaccine sớm nhất có thể, nhiều nhất có thể, phải tiếp cận mọi khả năng để mua vaccine;… Việc càng khó khăn càng phải quyết tâm, cố gắng, không thể chậm trễ từng giờ, từng phút.

Những chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, tinh thần tấn công thần tốc, mạnh mẽ, nhất quán đã gỡ bỏ hàng loạt khó khăn về cơ chế, thể chế, cũng như tư duy máy móc, cứng nhắc khi tiếp cận các nguồn vaccine của ngành y tế.

Mọi thủ tục, quy trình về cấp phép lưu hành, kiểm định vaccine phòng Covid-19 được rút gọn tối đa. Mọi vướng mắc được tháo gỡ ngay. Mọi điều chưa rõ được hướng dẫn ngay. Mục tiêu lớn nhất là không để bất kỳ doanh nghiệp nào, tổ chức nào thực sự có nguồn mua được vaccine ngay mà lại không mua về được.

Trong điều kiện nguồn tài chính rất hạn hẹp, việc bảo đảm nguồn lực xã hội để tất cả người dân Việt Nam được tiếp cận vaccine miễn phí là thách thức rất lớn. Tuy nhiên, trong cuộc chiến chống Covid-19, mục tiêu của Việt Nam là đặt sức khỏe và sự an toàn của nhân dân lên trên hết, trước hết, bằng mọi giá phải tăng cường phòng ngự sức khỏe cho nhân dân dù có phải chấp nhận giá nào đi chăng nữa.

Thủ tướng đã chỉ đạo tiết kiệm chi thường xuyên để dồn khoản tiết kiệm đó cho mua vaccine phòng Covid-19, đồng thời huy động sự ủng hộ, hỗ trợ của những tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 mở đường cho việc đảm bảo nguồn tài chính bền vững, công bằng trong tiếp cận vaccine đối với tất cả người dân Việt Nam.

Đến những nỗ lực của ngành Y tế

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cùng với triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, kiểm soát dịch tốt, Việt Nam đang nỗ lực tiếp cận các nguồn vaccine phòng Covid-19để có thể tăng độ bao phủ tiêm chủng cho người dân Việt Nam sớm nhất và nhanh nhất. Việc cung ứng vaccine của các nước cho Việt Nam vẫn theo lộ trình, kế hoạch mà các nhà sản xuất, phân phối đã đưa ra.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và đại diện các cơ quan làm việc với Quỹ đầu tư trực tiếp Nga về vấn đề vaccine

Trước đó, ngay từ tháng 8/2020, Việt Nam đã có thư ngỏ đề xuất mua vaccine phòng Covid-19 của Nga, tuy nhiên vì điều kiện sản xuất nên phía Nga chưa khẳng định thời gian đảm bảo cung ứng cho các nước, trong đó có Việt Nam.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục chủ động đàm phán với phía Nga và cho đến 2/6 vừa rồi, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận cung ứng vaccine từ Nga, mục tiêu trước mắt là 20 triệu liều trong năm 2021.

“Đây là một kết quả tích cực cho quá trình đàm phán liên tục, không ngừng của Bộ Y tế để có vaccine”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Công ty Vabiotech, đơn vị đầu tiên của Bộ Y tế đã hợp tác với phía Nga và dự kiến đến tháng 7/2021 sẽ tiến hành đóng ống, gia công vaccine phòng Covid-19 của Nga tại Việt Nam với công suất dự kiến 5 triệu liều/tháng. Đây là kết quả rất quan trọng để phía Nga có thể tiến hành chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cho Việt Nam trong thời gian tới.

Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị của Bộ và đề nghị các doanh nghiệp, tập đoàn tiếp tục trao đổi, hợp tác chặt chẽ với phía Nga trong chuyển giao công nghệ để có thể thiết lập nhà máy sản xuất vắc xin công suất lớn tại Việt Nam nhằm đảm bảo thị trường trong nước cũng như hướng đến xuất khẩu trong tương lai.

Trong cuộc đàm phán chiều 2/6, phía Nga hoàn toàn ủng hộ những đề xuất trên của Việt Nam. Hy vọng những đề xuất này sớm đi vào thực tiễn để đảm bảo vaccine cho Việt Nam trong tương lai.

Trong lĩnh vực hợp tác sản xuất vaccine, không riêng với Nga, Việt Nam còn đề xuất tham gia vào chuỗi cung ứng vaccine toàn cầu. Việt Nam đã đặt vấn đề với COVAX về việc này. Mục tiêu của Việt Nam là nhanh chóng thúc đẩy hợp tác qua các phương thức: mua công nghệ, chuyển giao công nghệ, liên doanh, liên kết sản xuất… để sớm sản xuất được vắc xin trong nước. Song song đó, Bộ Y tế cũng thúc đẩy các doanh nghiệp, đơn vị trong nước nghiên cứu và chuẩn bị sản xuất vaccine để đảm bảo vaccine trong tương lai đảm bảo an ninh y tế. Hiện Việt Nam có 3 đơn vị nghiên cứu, phát triển vaccine phòng Covid -19, trong đó có đơn vị đã chuẩn bị thử nghiệm vaccine phòng Covid -19 giai đoạn 3.

Trên Mặt trận vaccine, Việt Nam đã tiến những bước chắc chắn và đang thực hiện cuộc bứt tốc mạnh mẽ. Nhất định chúng ta sẽ sớm vượt qua đợt bùng phát dịch lần thứ tư bằng sự đoàn kết, chung tay, đồng lòng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân, bằng 5K, bằng hệ thống an toàn Covid và bằng “vũ khí” vaccine lợi hại. Cuộc bứt tốc này sẽ thêm một lần nữa khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

*Một số chuyên gia kinh tế cho rằng mặc dù khống chế thành công dịch bệnh Covid-19 hơn 1 năm qua nhưng Việt Nam có thể mất đi lợi thế trong mở cửa nền kinh tế nếu không có đủ vaccine tiêm cho người dân đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng.
*Với hơn 1 triệu liều vaccine đầu tiên về đến Việt Nam, những lực lượng tuyến đầu đã được bảo vệ tương đối an toàn. Trong đợt dịch lần thứ tư, hàng trăm nghìn liều vaccine đã được chuyển đến tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh để tiêm cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp để giữ vững “động cơ tăng trưởng” của cả nền kinh tế. Những lô vaccine mới sẽ về Việt Nam trong quý III/2021, một phần trong đó được dành cho hàng triệu công nhân, người lao động làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, những ngành nghề “xương sống” của nền kinh tế.
*20h10, ngày thứ Bảy, 5/6/2021, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự sự kiện ra mắt Quỹ vaccine phòng Covid-19. Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ngành, các đoàn thể chính trị xã hội, đại diện người dân và cộng đồng doanh nghiệp sẽ tham dự sự kiện quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt này.
Sự kiện được tổ chức nhằm kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, các doanh nghiệp, doanh nhân, mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện tham gia đóng góp, tài trợ, hỗ trợ cho Quỹ vaccine phòng Covid-19 với tấm lòng và trách nhiệm vì sức khỏe mỗi người, vì cộng đồng, vì quốc gia, dân tộc và với tinh thần đoàn kết quốc tế, chung tay đẩy lùi đại dịch ở mỗi quốc gia và toàn cầu.
Theo Bộ Tài chính, Quỹ được thành lập với mục tiêu tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp trong nước và ngoài nước để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để tiêm chủng cho khoảng 75 triệu người dân với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính khẳng định, toàn bộ số tiền do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện sẽ được tập trung đầy đủ, kịp thời về Quỹ vaccine phòng Covid-19, trong trường hợp cần thiết sẽ có thanh tra, kiểm toán theo quy định. Quỹ được hoạt động công khai, minh bạch dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng và sẽ công khai để nhân dân biết, giám sát.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam: Đang bứt tốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO