Bổ sung quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù
Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện có, kịp thời thể chế hóa các chủ trương mới của Đảng và cụ thể hóa các quy định mới của pháp luật về tổ chức đơn vị hành chính.
Việc xây dựng Nghị quyết nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, đặc biệt là các đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù. Trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi các quy định về áp dụng để việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới và sắp xếp đơn vị hành chính đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, dự thảo Nghị quyết bổ sung quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù, theo đó, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính nông thôn và đơn vị hành chính đô thị có yếu tố đặc thù theo hướng giảm một số tiêu chuẩn cho các đơn vị hành chính này. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết cũng sửa đổi, bổ sung quy định cách tính tổng số điểm phân loại đơn vị hành chính và hồ sơ, trình tự, thủ tục phân loại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại những nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân theo quy định của Quốc hội.
Sửa đổi, bổ sung làm rõ quy định về cách tính điểm tăng thêm của các tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính khi đạt trên mức tối thiểu và cách thức tổ chức thẩm định Hồ sơ phân loại đơn vị hành chính để thống nhất với việc phân loại đô thị (theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13).
Đối với quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, thực hiện chủ trương của Đảng và quy định mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương về đẩy mạnh sắp xếp đơn vị hành chính và thúc đẩy phát triển đô thị, khắc phục việc các đơn vị hành chính đô thị sau khi thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới có diện tích tự nhiên lớn nhưng chưa bảo đảm về chất lượng đô thị, dự thảo Nghị quyết sửa đổi Điều 31 (điều khoản áp dụng) đối với tiêu chuẩn của đơn vị hành chính theo hướng: Việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải đạt các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung như đề xuất của Chính phủ là chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết liên quan đến, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù, điều chỉnh một số tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể chưa thực sự phù hợp nhằm bảo đảm tính nhất quán, ổn định trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý và nâng cao chất lượng đô thị như đã được nêu trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho biết, hồ sơ dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình đã bảo đảm đầy đủ, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và bảo đảm các yêu cầu nêu trong các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chủ tịch Quốc hội. Các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung đều có lý giải cụ thể về cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, số liệu chứng minh về tính hợp lý và khả thi của nội dung quy định.
Đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong chính sách, pháp luật quản lý Nhà nước đối với các đơn vị hành chính
Thảo luận tại phiên họp, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương mới của Đảng và cụ thể hóa các quy định mới của pháp luật về tổ chức đơn vị hành chính.
Tham gia đóng góp ý kiến, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao cơ quan soạn thảo và Ủy ban Pháp luật đã chuẩn bị nội dung tương đối kỹ lưỡng, toàn diện, đưa ra những đề xuất sửa đổi phù hợp với thực tiễn, đồng thời bày tỏ tán thành với việc giảm một số tiêu chuẩn cho các đơn vị hành chính nông thôn, đô thị.
Về việc xác định đơn vị hành chính nông thôn, đô thị có yếu tố đặc thù, đại biểu đề nghị chỉnh sửa quy định tại các khoản này theo hướng phải bảo đảm đồng thời cả 2 yếu tố là có di sản văn hóa vật thể và được quy hoạch là trung tâm du lịch, đồng thời đề nghị Chính phủ cụ thể hóa hơn nữa về loại quy hoạch được nêu tại các quy định này để có cơ sở cho việc áp dụng sau này.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn quan tâm tới việc xác định đơn vị hành chính miền núi, vùng cao làm cơ sở áp dụng tiêu chuẩn đối với cơ sở hành chính đặc thù. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng không nên bổ sung Điều 31a vào Nghị quyết này, đề nghị Chính phủ ưu tiên khẩn trương chỉ đạo việc xây dựng bộ tiêu chí phân định miền núi/vùng cao để việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành chính cũng như các chính sách, pháp luật, nội dung quản lý nhà nước khác được thuận lợi, thống nhất, trong đó, quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc trình Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự thủ tục công nhận đơn vị hành chính là miền núi/vùng cao.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đất nước đang trong quá trình phát triển, đô thị hóa mạnh mẽ, các tiêu chuẩn, tiêu chí trong phân loại đơn vị hành chính đều cần có sự thay đổi phù hợp, trong lần này, chưa thể sửa đổi một cách toàn diện Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, mà chỉ sửa đổi bổ sung một số điểm để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn phát triển hiện nay. Kết quả nghiên cứu độc lập của Viện Nghiên cứu lập pháp và hệ thống cộng tác viên nghiên cứu cũng cơ bản nhất trí với nội dung đã trình.
Theo dự thảo, Điểm e Khoản 1 Điều 31 trong Nghị quyết 1211 đang được sửa đổi thành: "Trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia thì cơ quan có thẩm quyền có thể quyết định thành lập hoặc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính trước khi đạt các tiêu chuẩn quy định tại Chương I của Nghị quyết này". Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần sửa đổi theo hướng mở rộng hơn, không chỉ là yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia, mà có thể bổ sung thêm yêu cầu về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, lợi ích cộng đồng, các yêu cầu khác xuất phát từ thực tiễn, để quy định đảm bảo được tính khái quát cao, thuận lợi cho việc áp dụng trong thực tiễn.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với Tờ trình dự thảo Nghị quyết và Báo cáo thẩm tra; đánh giá cao quá trình chuẩn bị, hồ sơ dự thảo Nghị quyết và báo cáo thẩm tra; ghi nhận tinh thần trách nhiệm cao của Bộ Nội vụ, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết, báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo mới, kèm theo báo cáo tiếp thu, giải trình đầy đủ, cụ thể các nội dung thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phát biểu, để Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.
Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.