Trong giai đoạn 2019-2021, 11 tỉnh đề nghị sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập một số đơn vị hành chính (ĐVHC) đô thị gồm: Hòa Bình, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Long An và Đắk Nông.
Đánh giá chủ trương, hồ sơ đề án của các tỉnh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, hồ sơ đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã và thành lập các ĐVHC đô thị 11 tỉnh trên đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Cụ thể, trên cơ sở phương án tổng thể sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của các địa phương trong giai đoạn 2019 - 2021, UBND các tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện đề án chi tiết sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã; đã tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn liên quan; HĐND các cấp của các tỉnh đã họp và đều tán thành việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của địa phương trong giai đoạn 2019 - 2021.
Các nội dung đề nghị thành lập các ĐVHC đô thị của một số tỉnh cũng đã bảo đảm đạt các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của UBTVQH.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, đối với việc bổ sung hồ sơ đề án của tỉnh Hòa Bình, việc thành lập phường Kỳ Sơn thuộc thành phố Hòa Bình cũng đã bảo đảm cơ sở pháp lý cho chủ trương nhập nguyên trạng huyện Kỳ Sơn với thành phố Hòa Bình. Đối với việc phường Kỳ Sơn sau khi được thành lập không liền kề với khu vực nội thành hiện nay của thành phố Hòa Bình (ngăn cách bởi xã Trung Minh rồi mới đến trung tâm thành phố Hòa Bình), pháp luật hiện hành không quy định các phường thuộc thành phố thuộc tỉnh phải liền kề nhau và thực tế tại một số thành phố, thị xã của nước ta hiện nay vẫn còn hiện trạng giữa các phường cũng có sự ngăn cách bởi các xã, như: TP Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang), TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang)...
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân báo cáo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại 11 tỉnh. Ảnh: quochoi.vn |
Mặt khác, hiện nay UBND tỉnh Hòa Bình đang xây dựng đề án thành lập phường Trung Minh trên cơ sở nguyên trạng xã Trung Minh. Vì vậy, trong thời gian tới khi đề án thành lập phường Trung Minh được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định sẽ bảo đảm vị trí của phường Kỳ Sơn liền kề với khu vực nội thành của thành phố Hòa Bình. Do vậy, Chính phủ thống nhất với các giải trình và đề xuất của UBND tỉnh Hòa Bình về thành lập phường Kỳ Sơn nêu trên.
Đối với các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 nhưng các tỉnh đề nghị chưa sắp xếp trong đợt này và các ĐVHC cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau sắp xếp nhưng vẫn chưa bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định, Chính phủ xét thấy giải trình của UBND các tỉnh là phù hợp với các quy định của pháp luật và tình hình thực tế của các địa phương.
Về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách sau khi sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, đề án của các tỉnh đã nêu chi tiết các phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư sau khi sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã.
Báo cáo thẩm tra đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Khắc Định đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương các tỉnh nỗ lực, quyết tâm triển khai thực hiện đề án sắp xếp ĐVHC, hỗ trợ ngân sách, huy động các nguồn lực đầu tư để các ĐVHC mới được sắp xếp phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn.
UBTVQH biểu quyết thông qua quyết định sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại 11 tỉnh; quyết định thành lập phường Quảng Thành thuộc thị xã Gia Nghĩa, TP Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông. Ảnh: quochoi.vn |
Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng hợp, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của địa phương để có biện pháp kịp thời tháo gỡ, khắc phục. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý việc chỉ đạo, hướng dẫn việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, bảo đảm quyền lợi cho những cán bộ, công chức dôi dư và những người hoạt động không chuyên trách ở những ĐVHC liên quan đến việc sắp xếp.
Theo ông Nguyễn Khắc Định, Chính phủ và chính quyền các tỉnh cần có chương trình, kế hoạch đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị tại các ĐVHC ở đô thị mới được thành lập để không ảnh hưởng đến chất lượng đô thị chung của quốc gia.
“Trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Chính phủ đã có báo cáo gửi UBTVQH nhằm bổ sung hoàn thiện hồ sơ đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã và thành lập một số ĐVHC đô thị của các tỉnh nêu trên”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thông tin.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu khẳng định, các đề án cơ bản đáp ứng tiêu chí, điều kiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, UBTVQH đề nghị việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021 cần thận trọng, không nóng vội, tính đến nhiều yếu tố.
UBTVQH cũng đề nghị Chính phủ và các địa phương quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo tiêu chí cho sự phát triển; bảo đảm an ninh chính trị, đời sống vật chất, tinh thần... của đơn vị sau khi sắp xếp lại.