Dự thảo Luật gồm 12 Chương, 119 Điều
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Xã hội đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 12 Chương và 119 Điều, nhiều hơn 13 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, bỏ 1 Điều và bổ sung 14 Điều.
Một số đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung 1 Chương về tài chính trong khám bệnh, chữa bệnh và bổ sung 1 Chương về Hội nghề nghiệp. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu cụ thể hóa, bổ sung các nội dung này một cách phù hợp.
Về chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát và bổ sung chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe đối với một số đối tượng và chính sách phát hệ thống cấp cứu tại cộng đồng, đầu tư cho y tế cơ sở.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật chưa quy định chính sách đặc thù cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với người cao tuổi. Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp thu và sẽ tiếp tục phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo để nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật một cách phù hợp để thích ứng với tiến trình già hóa dân số ở Việt Nam.
Về các hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo Luật đã chỉnh lý tên và bổ sung hành vi cấm nhũng nhiễu, hành vi lợi dụng uy tín của cá nhân tại Điều 6. Liên quan đến Giấy phép hành nghề, trên cơ sở ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung chức danh “tâm lý trị liệu” tại Điểm h, Khoản 1 Điều 19 và giữ quy định về cấp giấy phép hành nghề cho y sĩ và gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng, lộ trình đào tạo y sỹ trình độ cao đẳng.
Đối với thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng giao thẩm quyền cấp, đình chỉ và thu hồi giấy phép hành nghề cho các cơ quan quản lý Nhà nước như quy định tại Điều 28.
Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn việc giao cho Bộ Công an cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề đối với đối tượng thuộc thẩm quyền và đề nghị tiếp tục giao Bộ trưởng Bộ Y tế như hiện hành, nếu giao Bộ Công an thì cần quy định lộ trình. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chưa thể hiện được việc huy động các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các hội chuyên môn như định hướng tại Nghị quyết 20-NQ/TW.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã có nhiều bổ sung, chỉnh lý đối với quy định về khám bệnh, chữa bệnh từ xa; về y học gia đình; về cấp cứu; về giấy phép hoạt động và tiêu chuẩn chất lượng và đánh giá, chứng nhận chất lượng.…
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng đưa ra những phân tích, lập luận cụ thể đối với những vấn đề lớn vẫn còn ý kiến khác nhau liên quan đến quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; về xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước; về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;… Ngoài các vấn đề lớn nêu trên, Thường trực Ủy ban Xã hội đã phối hợp với cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý tại hơn 50 điều khác của dự thảo Luật với 22 nhóm nội dung; rà soát, tiếp thu, chỉnh lý về từ ngữ, văn phong, kỹ thuật lập pháp….
Bảo đảm chất lượng, tính khả thi và "tuổi thọ" của Luật
Đánh giá cao quá tình tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chia sẻ, không gì so sánh được sự hy sinh của đội ngũ cán bộ y tế trong lịch sử từ xưa đến nay, nhất là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua thì sự hy sinh gian khổ không kém gì trên chiến trường. Cán bộ, nhân viên y tế đang rất mong đợi có Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới - một khuôn khổ pháp lý mới, thuận lợi hơn để thực thi nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn, công bằng, bình đẳng hơn.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, nếu Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ban hành được sớm thì tốt nhưng cũng không nên vội vàng, nếu khắc phục được một số hạn chế hiện nay nhưng lại “đẻ ra” những hạn chế mới thì có khi còn khó khăn hơn. Do đó, đề nghị Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế dành thời gian, huy động lực lượng chuyên gia, cán bộ, cùng với Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật tiếp tục rà soát để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội thảo luận, nếu đủ điều kiện để thông qua sớm được là tốt nhất.
Về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh (các Điều 26, 116 và 117), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến tiếp thu theo hướng quy định người hành nghề là người nước ngoài bắt buộc phải sử dụng thành thạo tiếng Việt nếu muốn khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam có lộ trình thực hiện và quy định được khám bệnh, chữa bệnh cho người có cùng ngôn ngữ mẹ đẻ tại Việt Nam, đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể việc sử dụng ngôn ngữ khi khám bệnh, chữa bệnh cho một số đối tượng đặc thù.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, cần cân nhắc quy định này vì sẽ hạn chế việc thu hút bác sĩ giỏi đến khám, chữa bệnh tại Việt Nam. Hiện nay, có nhiều phòng khám bác sĩ người nước ngoài vẫn chữa bệnh tốt thông qua người phiên dịch. Nếu còn ý kiến khác nhau, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung này.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ rõ, đến nay vẫn còn một số nội dung lớn của dự thảo Luật chưa thống nhất, chưa quy định cụ thể, chưa đáp ứng được yêu cầu khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành; một số vấn đề quan trọng của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh mới được đề nghị bổ sung… Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, ngành Y tế khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng chuẩn bị trên tinh thần tích cực còn việc thông qua mấy kỳ họp sẽ do đại biểu Quốc hội quyết định.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, đây là Luật có tính chất xương sống của ngành Y tế, định hướng cho công tác quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế, được nhân dân, ngành y tế mong đợi.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nhấn mạnh, chúng ta mong đợi có luật mới nhưng cũng không vội vàng, phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng, bảo đảm tính khả thi và "tuổi thọ" của Luật chứ không thể ban hành năm nay rồi năm sau lại thấy phải sửa. Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra chủ động phối hợp với tinh thần cao nhất, tích cực chuẩn bị nội dung phương án như ý kiến của Ủy ban Thường Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 tới.